BVR&MT – Najin và Fatu, cặp mẹ con tê giác thong thả gặm cỏ ở Khu bảo tồn Ol Pejeta, miền trung Kenya. Đây cũng là 2 con tê giác trắng Bắc Phi cuối cùng trên trái đất.
Không từ bỏ hy vọng
Tê giác trắng Bắc Phi, một phân loài tê giác trắng, từng đi lang thang khắp các quốc gia ở khu vực Trung Phi, gồm Cộng hòa Dân chủ Congo, Uganda, Chad, Sudan và Cộng hòa Trung Phi. Xung đột vũ trang trong khu vực khiến tê giác dễ bị tổn thương trong nhiều thập kỷ. Những kẻ săn trộm đã lợi dụng nhu cầu bất hợp pháp ở châu Á để lấy sừng tê giác.
Zacharia Mutai, người chăm sóc chính cho Najin và Fatu tại Ol Pejeta, giải thích: “Ở những nước đó có nội chiến. Vì vậy, phần lớn số tê giác này bị ảnh hưởng, những kẻ săn trộm lợi dụng tình hình để giết tê giác, có ai bảo vệ tê giác đâu”.
Trong những năm 1960, có 2.000 cá thể trong tự nhiên. Đến thập niên 1980, quần thể chỉ còn 31 cá thể sống trong VQG Garamba ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
“Và con số tiếp tục giảm cho đến khi chỉ còn hai cá thể,” Mutai nói.
Mutai đã chăm sóc Najin và Fatu từ khi cả hai đến Ol Pejeta vào năm 2009, cùng với hai cá thể tê giác trắng Bắc Phi khác là Sudan và Suni. Cả hai được chuyển đến Kenya sau nhiều năm sống trong một vườn thú ở Cộng hòa Séc, với hy vọng rằng sống trong một khí hậu giống như sinh cảnh tự nhiên thì chúng sẽ sinh sản nhanh hơn. Mặc dù có giao phối, chúng không hề sinh ra con non.
Suni chết vào năm 2014. Bốn năm sau, Sudan, cá thể tê giác trắng Bắc Phi đực cuối cùng trên trái đất, chết vì nguyên nhân tự nhiên ở tuổi 45.
Nhưng những người đam mê nhất trong việc cứu các phân loài không từ bỏ hy vọng.
Đổi mới kỹ thuật IVF cho tê giác
Các quy trình thụ tinh trong ống nghiệm đều giống nhau về nguyên tắc dù được thực hiện ở người hay động vật khác – trứng trưởng thành được lấy từ tử cung, thụ tinh với tinh dịch trong phòng thí nghiệm rồi cấy lại vào tử cung với hy vọng một hoặc nhiều trứng được thụ tinh sẽ thành công. Nhưng sinh sản ở tê giác rất phức tạp, việc thích nghi quá trình thụ tinh trong ống nghiệm có những thách thức riêng.
Tiến sĩ Barbara Durrant, Giám đốc khoa học sinh sản thuộc vườn thú San Diego, đang nghiên cứu các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho tê giác trắng cùng với Hildebrandt ở Berlin cho biết: “Chúng tôi không biết khó khăn trong tương lai là gì. Chúng tôi không biết sẽ khó khăn đến thế nào. Chỉ mỗi việc phát triển phôi đã cấy cũng rất khó rồi”.
Các nhà khoa học từ vườn thú San Diego ở California là một phần của một nhóm quốc tế đến từ Đức, Nam Phi, Nhật Bản và các quốc gia khác đang cố gắng đổi mới công nghệ IVF nhằm cứu tê giác trắng Bắc Phi.
Ngoài ra còn có một nhóm tại vườn thú San Diego theo đuổi nghiên cứu tế bào gốc nhằm tạo ra tinh trùng và trứng từ một bộ tế bào đa dạng hơn về mặt di truyền của tê giác trắng Bắc Phi.
Các nhà khoa học theo đuổi kỹ thuật IVF đang làm việc với một bộ sưu tập tinh dịch từ bốn cá thể tê giác trắng Bắc Phi: Sudan, Suni và hai cá thể từng sống ở vườn thú San Diego.
Họ đang thử nghiệm kỹ thuật thụ tinh và cấy ghép ở tê giác trắng Nam Phi – họ hàng gần nhất của tê giác trắng Bắc Phi – để đảm bảo có được quy trình chuẩn trước khi thử tạo ra cá thể tê giác trắng đầu tiên trên thế giới từ công nghệ IVF.
Thăm Najin và Fatu
Năm 2014, Najin (29 tuổi) và Fatu (19 tuổi) đều được chẩn đoán là không có khả năng mang thai tự nhiên. Najin bị dị tật ở hai chân sau nên không thể mang thai đủ tháng. Các bác sĩ phát hiện Fatu có những thay đổi lớn trong nội mạc tử cung.
Cả hai đều có buồng trứng hoạt động nên hy vọng của nhóm Hildebrandt vẫn chưa tắt. Họ đang nhận xin giấy phép để đến Ol Pejeta thu thập trứng tê giác.
Nếu mọi việc suôn sẻ, họ hy vọng sẽ chuyển trứng được thụ tinh cho những cá thể tê giác trắng phía Nam để chúng có thể mang thai đủ tháng. Họ chưa tìm ra cá thể mang thai hộ nào nhưng các nhà khoa học hứa rằng “kẻ đóng thế” đầu tiên này sẽ là một cá thể tê giác trắng ở Kenya.
Hildebrandt cũng tin rằng sẽ rất có giá trị khi cá thể mẹ mang thai hộ sống gần gũi với Najin và Fatu. Nếu một cá thể được sinh ra, nó sẽ có thể thu thập kiến thức xã hội từ Najin và Fatu để giúp phân loài tồn tại.
Hildberandt nói: “Chúng tôi nghĩ rằng đó là một yếu tố rất quan trọng. Chúng tôi có thể bảo tồn bộ gen bằng công nghệ nhưng quá trình học tập chỉ có thể được thực hiện bằng các cá thể tê giác trắng Bắc Phi còn sống, mà chúng ta chỉ có hai cá thể đều ở độ tuổi rất cao”.
Tái sinh loài tuyệt chủng
Các nhà khoa học tham gia vào dự án đầy tham vọng này mong rằng một ngày nào đó công việc của họ có thể giúp các loài có nguy cơ tuyệt chủng khác tái sinh. Nhưng điều quan trọng nhất là đảm bảo rằng tê giác không sa vào cảnh bên bờ tuyệt chủng như thế này.
“Khi con người điên rồ đến mức để cho quần thể sa vào cảnh này, đây là câu trả lời duy nhất, nhưng chúng tôi đang nỗ lực trên một số mặt trận để đảm bảo rằng càng ít loài lâm vào cảnh này càng tốt. Chắc chắn chúng ta không muốn bị phân tâm bởi dự án này, khía cạnh khoa học của dự án nặng nề đến nỗi chúng tôi quên đi việc nhân giống và bảo tồn tự nhiên”, Durrant nói.
Hildebrandt chia sẻ: “Tê giác không tuyệt chủng vì thất bại trong quá trình tiến hóa mà vì vẫn còn những khiếm khuyết”.
Và hiện giờ thì phát triển các kỹ thuật khoa học mới chính là cách duy nhất để đưa tê giác trở lại từ bờ vực tuyệt chủng.
Nhật Anh (Theo Usatoday)