Hội An – Quảng Nam: Cứu hộ “vàng trắng” Cù lao Chàm

BVR&MT – Mặc dù được xem là “vàng trắng” của thành phố Hội An, đặc sản yến sào từ xưa đến nay được khai thác chủ yếu bằng kinh nghiệm được truyền từ đời này qua đời khác và chưa có nhiều cải tiến kỹ thuật trong việc quản lý, bảo vệ đàn chim cũng như khai thác tổ.

Cù lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

Đệ nhất “vàng trắng”

Yến sào được xem là “vàng trắng” của thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam với giá trị mang lại đã được minh chứng hàng trăm năm qua. Với 18 loại acid thiết yếu và 40 loại khoáng chất, nhiều nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể như kẽm, sắt, kali, canxi…, yến sào thực sự là một loại dược liệu và món ăn cao cấp, bổ dưỡng.

Kỹ sư Huỳnh Ty, Phó Giám đốc Ban Quản lý và Khai thác yến Cù lao Chàm, Hội An cho biết, tại đảo Cù Lao Chàm, quần thể chim yến tổ trắng với số lượng hàng trăm nghìn cá thể, hằng năm cho sản lượng hơn 1 tấn tổ yến với doanh thu trên 80 tỉ đồng, đứng thứ 2 toàn quốc về sản lượng, doanh thu tổ yến sau tỉnh Khánh Hòa.

Hang yến Cù lao Chàm.

Chim yến tổ trắng tại Cù lao Chàm sống và làm tổ tập trung trong 10 hang thuộc 3 đảo. Tại đảo hòn Khô có hang Khô, hang Mỏ Đùng. Đảo hòn Lao có hang Tò Vò, hang Lẻ, hang Trăn, hang Cả. Đảo hòn Tai có hang Cạn, hang Bắt Cầu, hang Xanh Rêu, hang Kỳ Trâu.

Yến sào Cù Lao Chàm sau khi khai thác sẽ được phân thành 10 loại là yến huyết, yến quang, yến thiên, yến bài, yến mảnh, yến xơ mướp trắng, yến xơ mướp đen, yến vàng, yến vụ và yến cám. Tại thời điểm hiện nay, giá bán cao nhất thuộc về yến huyết, khoảng 6.000 USD/kg và thấp nhất là yến cám khoảng 1.000 USD/kg.

Theo Ban Quản lý và Khai thác yến Cù lao Chàm – Hội An, cùng một loại nhưng giá bán của yến sào Cù lao Chàm thường cao hơn so với yến sào ở một số nơi khác. Yến sào Hội An được đánh giá có chất lượng cao hơn vì nấu không nát, tổ to, dày và hàm lượng dinh dưỡng cao.

Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư thành ủy Hội An kể rằng, từ thời xa xưa, yến sào khi bán được cho vào túi và để phân biệt yến Cù lao Chàm với yến của các nơi khác, người dân ở đây đã dùng sợi được xe từ vỏ cây ngô đồng đỏ, một loại cây đặc hữu ở đảo Cù lao Chàm, để buộc túi.

Chim yến non.

Thời đó, các thương nhân của Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông cứ nhìn túi yến có cột dây ngô đồng là biết chắc chắn đó là yến Hội An và thường mua với giá cao hơn. Tiến sĩ Phạm Châu Huỳnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ, Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm cho rằng, từ hiện trạng phân bố ở vĩ độ cao, xa xích đạo so với yến Malasia, Singapore; tổ phân bố xa đất liền và bán kính hoạt động của đàn rộng hơn 40 km so với yến Bình Định, Khánh Hòa đã làm cho yến sào Cù lao Chàm mang một giá trị đặc hữu.

Mặc dầu có chất lượng cao như vậy nhưng theo Phó Giám đốc Ban Quản lý và Khai thác yến Cù lao Chàm – Huỳnh Ty, nguồn lợi tổ yến tại đảo Cù lao Chàm từ xưa đến nay được khai thác chủ yếu bằng kinh nghiệm được truyền từ đời này qua đời khác và chưa có nhiều cải tiến kỹ thuật trong việc quản lý, bảo vệ đàn chim cũng như khai thác tổ.

Từ năm 2012 trở lại đây, sản lượng và chất lượng tổ yến tại Cù lao Chàm liên tục bị suy giảm. Kích thước và khối lượng tổ yến ngày càng nhỏ đi, hiện tượng rơi tổ và chim non trong mùa sinh sản ngày càng nhiều. Theo thống kê của Ban Quản lý hằng năm tại 3 hang lớn là hang Khô, hang Tò Vò và hang Cả, trong mùa sinh sản mỗi ngày có hàng trăm chim yến non bị rơi khỏi tổ và bị chết.

Đặc biệt trong mùa khô năm nay, do nắng hạn kéo dài, riêng ở hòn Khô, số chim non bị rơi khỏi tổ lên đến cả ngàn con. Sự hao hụt tự nhiên này đã làm cho quá trình tăng đàn yến đảo Cù lao Chàm diễn ra rất chậm, số chim non sinh ra và rời tổ thành công có thể chỉ vừa đủ hoặc không đủ bù số chim yến chết đi, đã làm cho sản lượng tổ không tăng mà còn suy giảm.

Cứu hộ “vàng trắng” Cù lao Chàm

Từ thực tế trên, năm 2017, kỹ sư Huỳnh Ty đã mày mò nuôi thử nghiệm chim yến non bị rơi khỏi tổ trong một căn phòng của Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố, nơi trước đây ông là Phó Giám đốc. Do chưa nắm được kỹ thuật chăm sóc nên các thử nghiệm đa phần bị thất bại. Không nản chí, kỹ sư Huỳnh Ty quyết định đăng ký đề tài khoa học cấp tỉnh để việc nghiên cứu được bài bản hơn; và tháng 9 năm 2017, đề tài khoa học cấp tỉnh Nghiên cứu và đề xuất giải pháp cứu hộ chim yến đảo tại Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam do ông làm chủ nhiệm chính thức được UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.

PGS TS Đinh Thị Phương Anh (Đại học Đà Nẵng) và Thạc sĩ Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Nam kiểm tra quy trình chăm sóc chim yến non.

Kỹ sư Huỳnh Ty cho biết, ở Cù lao Chàm, sau tiết Đông Chí (khoảng tháng 11), chim yến bố mẹ bắt đầu làm tổ, sau 120 – 124 ngày thì đẻ 2 trứng. Chim yến đẻ trứng xong thì tiến hành khai thác tổ kỳ 1. Sau khai thác tổ kỳ 1 khoảng vài ngày, chim yến làm tổ lại. Khoảng 48 ngày sau khi làm tổ, chim đẻ lại 2 trứng rồi ấp. Sau 24 ngày trứng nở, khoảng 40-45 ngày sau khi chim non ra đời và bắt đầu rời tổ thì tiến hành khai thác kỳ 2. Theo kỹ sư Ty, giai đoạn 40 – 45 ngày tuổi sau khi nở thường xảy ra hiện tượng chim non rơi khỏi tổ. Và mục tiêu chính của đề tài là chăm sóc số chim non này cho đến khi chúng tự bay vào tự nhiên như bố mẹ của chúng.

Nhiệm vụ mới nghe thì đơn giản vậy, nhưng khi bắt tay vào phải giải quyết hàng loạt vấn đề như tìm hiểu các tập tính ấp trứng, chăm sóc chim non của chim yến bố mẹ; nghiên cứu các nguyên nhân làm rơi trứng, tổ, chim non và giải pháp khắc phục; nghiên cứu thành phần thức ăn và sự thay đổi thành phần thức ăn theo ngày tuổi của chim non; xây dựng quy trình cứu hộ chim yến non…

Tiến sĩ Võ Tấn Phong chăm sóc chim yến.

Thành viên Ban Chủ nhiệm đề tài – Tiến sĩ Võ Tấn Phong, cho biết, qua 2 năm nỗ lực nghiên cứu, thử nghiệm; đến thời điểm hiện nay, đề tài đã cơ bản hoàn thành các nội dung đặt ra. Tại hang Mũi Dứa, hệ thống nhà nuôi chim yến, nhà tập bay cho chim và nhà làm việc đã được xây dựng. Đề tài cũng đã xác định được thành phần thức ăn cho chim yến non ở các giai đoạn đó là bột ngũ cốc, trứng gà, trứng kiến, dế, trùn quế, ruồi dấm, sâu gạo. Từ tháng 6/2019 đến tháng 8/2019 với 450 con chim yến non từ 5 – 10 ngày tuổi bị rơi khỏi tổ, kỹ sư Huỳnh Ty cùng nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng. Sau 30 – 35 ngày nuôi, đến thời điểm hiện nay đã có 406 con lần đầu tiên trong đời được tung cánh vào không trung.

Là người có nhiều nghiên cứu về chim yến Cù lao Chàm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Thị Phương Anh, Đại học Đà Nẵng không kiềm được niềm phấn khích khi đề tài đã đạt kết quả ngoài mong đợi với tỷ lệ chim yến bay được đạt 90,2%, vượt chỉ tiêu đề ra theo thuyết minh là 20 – 30%. Theo Phó giáo sư Phương Anh, sự thành công của đề tài giúp cho việc phục hồi quần thể chim yến của Hội An và đặt nền móng trong tương lai có thể phục hồi quần thể chim yến tự nhiên bằng phương pháp công nghiệp.

Quảng Lâm (Phòng Kinh tế – UBND TP. Hội An)