Cụ ông hơn 30 năm gìn giữ “báu vật” rừng già

BVR&MT – Khi số gỗ lim tự nhiên của rừng Hoành Bồ đã cạn kiệt, rừng bị tàn phá nhiều nơi thì ở một góc trong cánh rừng đó vẫn có một người đàn ông hơn 30 năm qua đã kiên trì nhân giống trồng từng cây lim có nguồn gốc tự nhiên của rừng già. Đó là ông Triệu Tài Cao 77 tuổi ở thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh. Ông bảo vệ lim, trồng lim giữa muôn trùng lâm tặc dòm ngó, để bây giờ nơi đây trở thành rừng lim còn lại duy nhất nơi cánh rừng này.  

Ông Triệu Tài Cao lặng lẽ bảo vệ rừng.

Vào những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, rừng Hoành Bồ là nơi nổi tiếng với trữ lượng gỗ qúy hiếm, đặc biệt là gỗ lim. Trong những năm đó, nơi đây là trung tâm khai thác lớn, những cánh rừng gỗ lim quý giá bị đốn hạ một cách triệt để. Nhìn thấy rừng lim khi đó bị tàn phá kiệt quệ, những cây lim từ đường kính như cái bát đến vài người ôm bị đốn hạ không thương tiếc, ông Triệu Tài Cao đã ngày ngày vào rừng tìm kiếm những cây lim nhỏ mới mọc mang về trồng ở quả đồi cạnh nhà. Còn những gốc lim tự nhiên trong đồi, ông giữ lại bảo tồn. Có những lúc khó khăn, cây trồng bị chết, ông lại mày mò vào rừng nghiên cứu để tìm ra cách chăm sóc những cây lim tốt nhất.

Ông Cao với câu chuyện bảo vệ rừng có “một không hai”.

Vào thời điểm đó nhiều người ái ngại cho rằng ông Cao làm cái việc “gàn dở” không giống ai. Nhưng bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, ông lặng lẽ trồng cây. Cứ thế, năm này qua năm khác, ngót nghét cũng đã hơn 30 năm, đến nay diện tích rừng của ông đã lên đến 30 ha, trải rộng hết quả đồi cạnh nhà. Trong đó có 15 ha là rừng quế, bạch đàn, keo, còn lại là rừng gió bầu và đặc biệt là rừng lim quý giá.

Dẫn chúng tôi đi cánh rừng lim của mình, ông Cao chia sẻ: “Lúc mới trồng chưa có kinh nghiệm nên cây con chết nhiều lắm, vừa tiếc, vừa buồn. Cả ngày tôi cứ quanh quẩn bên trên đồi, đi lên rừng già, tìm hiểu nguyên nhân cây con không sống được để khắc phục, ấy thế mà đã cứu được cả cánh rừng, và càng ngày càng có kinh nghiệm nên cây càng phát triển tốt cho tới nay cánh rừng lim của cụ đường kính đã lớn bằng hai người ôm.

Tuy nhiên trồng rừng vốn đã khó như thế, nhưng để giữ được rừng lại càng khó khăn hơn. Trong những năm qua ông cùng các con đều phải chia nhau để bảo vệ cánh rừng. Cách đây hơn chục năm có những người tới cánh rừng đòi chặt phá lim với lý do đây là lim mọc tự nhiên nên không phải của nhà ông. Nhờ sự cương quyết của ông và gia đình nên những cây lim quý vẫn được bảo vệ an toàn

Đến nay, nhìn rừng lim bạt ngàn, phủ xanh cả quả đồi rộng lớn bà con đã thông hiểu được ý nghĩa việc làm của ông. Dù cây đã lớn, có thể thu hoạch nhưng ông không khai thác vì đối với ông phải giữ lại rừng lim cho cả làng, cả xã; giữ lại lim để giữ mạch sống núi rừng nơi đây, không bán dù có túng thiếu đến thế nào.

Một góc rừng Hoành Bồ.

Suốt hơn 30 năm gắn bó với rừng lim, dù con cái đã trưởng thành, mong muốn ông nghỉ ngơi để an hưởng tuổi già, nhưng hàng ngày ông vẫn lên rừng để tuần tra bảo vệ rừng. Bởi với ông, đất với rừng chính là da là máu thịt của mình nên để giữ được cánh rừng, giữ được cây, ông đã phải đổ cả mồ hôi, nước mắt lẫn máu. Vì thế, ngày ngày người dân trong thôn vẫn thấy ông lụi cụi lên để bảo vệ rừng lim trên đại ngàn.

Ngôi nhà nhỏ, được bao quanh bởi núi rừng ngút ngàn, và cũng là nơi để ông Cao canh cho “giấc ngủ rừng thiêng”.

Trao đổi với phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Đỗ Quyết Tiến – Bí thư Đảng ủy xã Tân Dân cho biết, việc trồng rừng lim của bác Cao là việc làm đáng được trân trọng. Đây còn là những giá trị tinh thần to lớn đối với những người dân nơi đây. Không những thế nó còn truyền lại cho hậu thế với các giá trị tự nhiên, tạo ra dưỡng khí, vùng xanh cho dân cư xung quanh, cũng như giá trị cảnh quan đặc biệt cho các loài động vật sinh tồn được an toàn. Nếu rừng lim này tồn tại hàng trăm năm sau, giá trị của nó còn lớn hơn bởi đây là thực thể xanh tái tạo nghiêm túc trong thế giới hiện đại, sự quan trọng của nó sẽ dần chứng minh cho cư dân trong vùng và nhiều người nơi khác tìm đến để trải nghiệm, thưởng ngoạn, nghiên cứu…

Đức Long – Đông Nghi