Hòa Bình: Thi đua sản xuất để góp phần xây dựng quê hương

BVR&MT – Nêu cao tinh thần dám nghĩ dám làm, ham học hỏi. Trong những năm qua đã có nhiều hội viên Hội nông dân ở tỉnh miền núi Hòa Bình tích cực vươn lên phát triển sản xuất. Hiệu quả thu được từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” không chỉ góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho cán bộ, hội viên, nông dân mà còn góp phần đưa bộ mặt nông thôn mới của tỉnh ngày một khởi sắc.

Mô hình chuyên canh cây ăn quả có múi đã giúp người dân Hòa Bình mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Với đặc điểm của tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, song các cấp Hội Nông dân ở Hòa Bình đã thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức và triển khai có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Theo đó, định kỳ đầu năm, các cấp Hội đều chủ động tổ chức phát động phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững tới 100% xã, phường, thị trấn; tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tích cực đăng ký, phấn đấu đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp phù hợp với điều kiện sản xuất của gia đình. Thông qua các hoạt động cụ thể, phong trào đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, vượt khó vươn lên của nông dân, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, lao động, khí hậu để phát triển kinh tế. Đặc biệt, phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tác động mạnh mẽ tới việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, từng bước thực hiện phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, chất lượng cao.

Là một trong những địa phương dẫn đầu tỉnh Hòa Bình về thu nhập của nông dân, hiện nay, huyện Lương Sơn có trên 6.000 lượt hộ hội viên nông dân đạt hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, nhiều hộ có thu nhập bình quân hàng năm từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm. Thành công với mô hình chăn nuôi bò sữa, chị Hoàng Thị Thanh Thúy ở xóm Đồng Bưng, xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn chia sẻ: Nhờ sự giúp đỡ của Hội Nông dân huyện Lương Sơn, gia đình tôi đã có điều kiện tiếp cận khoa học kỹ thuật và nguồn vốn ưu đãi. Đến nay, bình quân mỗi năm gia đình tôi thu về khoảng gần 1 tỷ đồng từ tiền xuất bán sữa bò các loại. Tìm hiểu được biết, không chỉ ở huyện Lương Sơn mà tại hầu hết các huyện, thành phố của tỉnh Hòa Bình, đông đảo hội viên Hội Nông dân đã luôn nỗ lực khắc phục khó khăn, tích cực vươn lên phát triển sản xuất. Từ đó đã xuất hiện nhiều mô hình hộ gia đình có cách làm hay, sáng tạo và mạnh dạn đưa vào sản xuất những loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Điển hình như mô hình chuyên canh cây ăn quả có múi của nông dân huyện Cao Phong; mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo của nông dân huyện Tân Lạc; các mô hình phát triển cây dược liệu và sản xuất thực phẩm hữu cơ của nông dân huyện Lương Sơn; mô hình nuôi lợn bản địa của nông dân thành phố Hòa Bình và nông dân huyện Lạc Sơn, Đà Bắc; mô hình xây dựng vùng sản xuất tập trung cây ngô chất lượng cao huyện Lạc Thủy…

Theo thống kê, trong năm 2017, toàn tỉnh Hòa Bình đã có trên 70.800 hộ hội viên nông dân tham gia đăng ký sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Nhằm hỗ trợ hội viên thực hiện tốt phong trào, từ đầu năm đến nay các cấp Hội Nông dân trong toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động: Tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và nâng cao năng lực sản xuất cho trên 13 nghìn lượt hội viên; phối hợp với tập đoàn Vingroup tổ chức bàn giao 400 con bê cái giống sinh sản cho các hộ nghèo và cận nghèo; hướng dẫn thành lập 35 mô hình kinh tế tập thể hoạt động có hiệu quả; cung ứng trên 150 tấn thuốc bảo vệ thực vật, trên 2.600 tấn phân bón và 250 tấn giống các loại cho nông dân theo phương thức trả chậm; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả tại các huyện Cao Phong, Lương Sơn, Tân Lạc, Lạc Thủy, Kim Bôi… Cùng với đó, Hòa Bình cũng đã tiến hành giải ngân Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 14 dự án; nguồn vốn ủy thác Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ngân hàng Chính sách xã hội cũng đã được giải ngân kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hội viên. Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã đầu tư cho vay 123 dự án với 1.723 hộ vay; dư nợ ủy thác ngân hàng đạt trên 1.992 tỷ đồng. Qua kiểm tra, nhìn chung, vốn vay được sử dụng đúng mục đích và đạt hiệu quả tốt. Đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cho biết: Với những hoạt động cụ thể do Hội Nông dân các cấp tổ chức, đông đảo hội viên nông dân trong tỉnh đã thường xuyên ra sức thi đua sản xuất. Không chỉ giúp khai thác tốt những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương, phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh của hội viên nông dân còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các huyện, thành phố trong toàn tỉnh.

Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện tốt các chủ trương, định hướng về phát triển nông nghiệp nông thôn; chủ động tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền cùng cấp xây dựng các mô hình điểm trong công tác hội và phong trào nông dân. Đồng thời, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả gắn với tăng cường hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm, vốn ưu đãi để hội viên nông dân yên tâm phát triển sản xuất.

Có thể thấy, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ở tỉnh Hòa Bình đã có tác động mạnh mẽ, rộng khắp đến mọi mặt đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế của các hộ nông dân trong toàn tỉnh, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nông dân, thu hút đông đảo hội viên nông dân tham gia qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển của các địa phương trong tỉnh.

(Theo dangcongsan.vn)