Hòa Bình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học

BVR&MT – Lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đánh giá, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất là xu thế tất yếu, mang lại “lợi nhuận kép”, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp; phục tráng và tái tạo nguồn gien các giống cây trồng, vật nuôi đặc hữu; giúp hình thành và phát triển sản phẩm nông nghiệp đặc sản chủ lực của tỉnh, thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Người dân thị trấn Cao Phong thu hoạch cam.

Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo triển khai quyết liệt việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nhiều lĩnh vực, nhất là nông nghiệp và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.

Kết quả các chương trình, chính sách đã hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành, đơn vị và người sản xuất. Trong đó, nhiều cơ chế, chính sách được ban hành đã tạo môi trường thuận lợi, thu hút các dự án đầu tư công nghệ; khuyến khích sử dụng các sản phẩm công nghệ sinh học; phát triển và nhân rộng các mô hình, kết quả nghiên cứu công nghệ sinh học mang lại hiệu quả, lợi ích cao.

Việc quy hoạch vùng nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được triển khai. Trong đó xác định rõ ba vùng và 11 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, một số huyện đã hình thành mô hình liên kết trong sản xuất-tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao như: Kim Bôi, Yên Thủy, Cao Phong, Lạc Thủy.

Việc ứng dụng công nghệ sinh học đã tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và có khả năng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, phòng, chống các loại dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học thế hệ mới được sản xuất, ứng dụng đã góp phần tích cực trong việc phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường và nâng cao sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng.

Một số chế phẩm, biện pháp sinh học được sử dụng phổ biến như: Chế phẩm E.M để xử lý với các loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm, cỏ, thân ngô, thân lạc… để chế biến thành phân hữu cơ vi sinh góp phần giảm ô nhiễm môi trường và giảm chi phí đầu tư; biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) góp phần giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm ô nhiễm môi trường; chế phẩm sinh học BIOCAM phòng trừ bệnh vàng lá, thối rễ,…

Hiện, một số doanh nghiệp đã đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ vi sinh, công nghệ enzym trong bảo quản, chế biến như: Công nghệ bảo quản cam, chế biến tinh bột… Nổi bật trong lĩnh vực công nghệ sinh học là Công ty Biopharm Hòa Bình, ứng dụng công nghệ Invitro-nuôi cấy mô tế bào thực vật.

Đến nay, công ty đã nghiên cứu, áp dụng thành công công nghệ nuôi cấy mô trong lĩnh vực cây dược liệu. Đây cũng là doanh nghiệp khoa học và công nghệ làm chủ hơn 20 quy trình công nghệ nhân giống và nuôi trồng cây dược liệu quý như: Đông trùng hạ thảo, lan thạch hộc bản địa Hòa Bình, ba kích tím, cà gai leo, sâm cau, giảo cổ lam…

Khác với các phương pháp truyền thống (giâm, chiết, ghép), nuôi cấy mô tế bào ưu việt ở chỗ cho phép nhân hàng loạt các cá thể có độ đồng đều và ổn định cao về các đặc tính quan trọng (năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu bệnh).

Quá trình sản xuất cây, con không phụ thuộc vào thời tiết, tiến hành được quanh năm. Đây còn là một công cụ hiệu quả trong sản xuất các dòng cây sạch bệnh, chọn lọc và nhân nhanh các dòng cây kháng bệnh, hiệu quả trong các chương trình chọn tạo giống mới.

Trong những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai thực hiện nhiều đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ ứng dụng công nghệ sinh học hỗ trợ phát triển sản xuất. Từ đó bổ sung nhiều bộ giống lúa lai có năng suất, chất lượng đưa vào sản xuất đại trà như: Nhị ưu 838, TH3-4, TH3-3, TH3-5, GS16, GS55… nhờ vậy, năng suất lúa bình quân tăng, góp phần tích cực vào việc bảo đảm an ninh lương thực của tỉnh liên tục trong nhiều năm.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, tỉnh đã xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm và khẳng định một số giống vật nuôi mới như cá tầm, cá hồi vân trên hồ Hòa Bình; nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống cá bỗng, cá trắm đen; sản xuất giống lợn hướng nạc Yorkshie, Landrad, Duroc, giống gà, vịt siêu thịt, siêu trứng, dê Bách Thảo và phát triển mô hình các vật nuôi đặc sản như gà đồi Lạc Sơn, Lạc Thủy; vịt bầu Bến. Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi đã tích cực triển khai áp dụng công nghệ nuôi theo hướng VietGAP với những công nghệ sử dụng đệm lót sinh học; khí sinh học; sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi, chế phẩm E.M… góp phần làm giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường.

Công ty cổ phần giống và thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình, là một trong những doanh nghiệp nổi bật về ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi. Sản xuất, sử dụng đệm lót sinh học là bước đột phá trong chăn nuôi đại gia súc do công ty triển khai thực hiện thành công, đem lại nhiều lợi ích, giải quyết những vấn đề nan giải như: gây ô nhiễm môi trường, bệnh tật; giảm chi phí vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải…

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hòa Bình đánh giá, kết quả ứng dụng công nghệ sinh học đã góp phần đưa tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt khoảng 4,1%/năm. Cơ cấu cây trồng được chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây có giá trị kinh tế cao. Đáng mừng nhất là xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm nông sản hàng hóa có uy tín trên thị trường.