Hỗ trợ phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu

BVR&MT – Ưu tiên công nhận giống dược liệu; hỗ trợ nghiên cứu chọn tạo giống dược liệu; hỗ trợ nhân giống dược liệu; hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất và khai thác an toàn; hỗ trợ nuôi trồng dược liệu tập trung là các chính sách đặc thù được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tại dự thảo Nghị định Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, trong vòng 2 năm kể từ ngày quy định này có hiệu lực, các giống thuộc các loài dược liệu có tiềm năng khai thác trong tự nhiên; tập trung phát triển ở quy mô lớn có tên trong danh mục quy định được xem xét bổ sung vào Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc Danh mục giống vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam (viết chung là danh mục giống cây trồng, vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam) không phải qua khảo nghiệm và thủ tục công nhận giống mới.

Về hỗ trợ nghiên cứu chọn tạo giống dược liệu, theo dự thảo, các tổ chức cá nhân đầu tư nghiên cứu chọn tạo hoặc nhập nội giống dược liệu mới không sử dụng ngân sách nhà nước được hỗ trợ một lần là 1,5 tỷ đồng/1 giống mới khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống dược liệu mới và được đưa vào danh mục giống cây trồng, vật nuôi được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Về nhân giống dược liệu, sẽ hỗ trợ 1 lần 50% tổng mức đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các cơ sở nhân giống tập trung có quy mô từ 2 ha trở lên, tối đa không quá 2 tỷ đồng cho 1 cơ sở. Đối với cơ sở ứng dụng công nghệ cao, mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng cho 1 cơ sở.

Bên cạn đó, hỗ trợ 1 lần tối đa 60% chi phí nhân giống gốc, 30% chi phí nhân giống thương phẩm theo định mức kinh tế kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Trường hợp ứng dụng công nghệ cao mức hỗ trợ tương ứng là 80% và 50%. Hỗ trợ 100% chi phí tập huấn kỹ thuật cho người nhân giống theo định mức khuyến nông được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Ngoài ra, hỗ trợ 100% chi phí xây dựng mô hình nuôi trồng và khai thác dược liệu an toàn theo nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt trồng và thu hái cây thuốc (GACP); hỗ trợ 100% chi phí cấp chứng nhận GACP; hỗ trợ 100% chi phí tập huấn kỹ thuật cho người nuôi trồng và khai thác theo định mức khuyến nông được cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Về hỗ trợ nuôi trồng dược liệu tập trung, theo dự thảo, hỗ trợ một lần tối đa 15 triệu đồng/1 ha đối với dự án nuôi trồng dược liệu có quy mô từ 5 ha trở lên.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng. Cộng đồng các dân tộc có nhiều kinh nghiệm nuôi trồng và sử dụng các loài cây, con làm thuốc. Với trên 5000 loài cây thuốc và vốn tri thức bản địa sẽ là một kho tàng vô giá để triển khai các nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế xã hội.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.