Hỗ trợ nhân giống để cứu tê giác Sumatra

BVR&MT – Một quan hệ đối tác mới mang tên Sumatran Rhino Rescue, thực chất là một chương trình nhân giống nuôi nhốt, đang được kỳ vọng có thể cứu được những con tê giác Sumatra vốn được xếp vào loại cực kỳ nguy cấp.

Kế hoạch sẽ bắt đầu bằng việc tập hợp đủ số lượng tê giác Sumatra hoang dã (Dicerorhinus sumatlingsis) để xây dựng một chương trình nuôi nhốt bền vững với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo sự tồn tại của loài. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sẽ bắt đầu từ đâu? Với bốn quần thể riêng biệt, trong đó một số quần thể gần như bị xóa sổ hoàn toàn thì việc bắt con tê giác nào trở thành câu hỏi không dễ trả lời.

Tê giác Sumatra cái và tê giác con tại Khu bảo tồn tê giác Sumatra thuộc VQG Way Kambas. Nơi đây có bảy cá thể tê giác sinh sống. (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay).

Kế hoạch được chính phủ Indonesia phê duyệt tập trung vào việc bắt giữ những cá thể “bị bỏ rơi” hoặc “bị cô lập” trong những quần thể quá nhỏ để tồn tại lâu dài.

Hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng nuôi nhốt là cần thiết để ngăn chặn sự tuyệt chủng, hiện tại các quần thể hoang dã đều nhỏ và phân tán, lại sinh ra quá ít tê giác con để giữ cho loài này tồn tại.

Barney Long, Giám đốc bảo tồn loài thuộc Global Wildlife Conservation – một trong những đối tác của Sumatran Rhino Rescue cho biết: “Hiện tại chúng tôi đang tập trung vào việc tìm kiếm các quần thể nhỏ, biệt lập”. Nhưng việc bắt giữ các cá thể bị cô lập “không bao giờ là việc duy nhất mà liên minh và dự án sẽ tập trung vào”.

Tuy nhiên, tê giác Sumatra cái thường sống cách ly và rất dễ gặp các vấn đề sinh sản, do đó, một số chuyên gia cho rằng tốt hơn là bắt tê giác từ những quần thể khỏe mạnh mà tê giác mẹ đã sinh sản thành công, tất nhiên, điều này sẽ có nguy cơ gây hại cho triển vọng sống còn của những quần thể đó.

Hiện tại, phần lớn hành động sẽ tập trung vào bắt tê giác ở Borneo và VQG Bukit Barisan Selatan ở phía tây nam Sumatra. Việc bắt tê giác cũng có thể bắt đầu ở một số khu vực tại Aceh ở phía bắc Sumatra nếu phát hiện những cá thể tê giác tách khỏi quần thể chính.

Hiện chỉ còn không đầy 100 cá thể tê giác Sumatra còn lại trên trái đất, thậm chí con số thực tế có thể dao động từ 30 đến 80 cá thể.

Có 9 con tê giác Sumatra hiện đang bị nuôi nhốt nhưng chỉ có một cặp được chứng minh là có thể sinh sản. Sáu trong số những cá thể tê giác bị nuôi nhốt là cái nhưng chỉ một cá thể đã sinh con; ba cá thể không có khả năng sinh sản; và một cá thể còn quá non.

Nhật Anh (Theo Mongabay)

https://baovemoitruong.org.vn/