Hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp ổn định sản xuất

BVR&MT – Vào thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19 (năm 2020), Hợp tác xã (HTX) rau Yên Phú, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) được người tiêu dùng biết đến là vựa rau sạch theo chuẩn hữu cơ.

Sơ chế rau, củ, quả tại Hợp tác xã Yên Phú (Hưng Yên).

Bình quân mỗi ngày HTX rau Yên Phú cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn rau, dịp Tết số lượng rau tăng gấp 3 đến 4 lần, lên mức 300 đến 400 tấn/ngày. Hiện, Yên Phú có hơn 1.000 xe tải vận chuyển rau đi các tỉnh. Giám đốc HTX Nguyễn Hữu Hưng cho biết, cả xã Yên Phú có hơn 500 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó khoảng 340 ha trồng rau màu. Đây chính là nguồn thu nhập chính, ổn định cho xã viên.

Tuy nhiên, vào dịp Tết Nguyên đán 2022, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến các mặt hàng nông sản trong đó có rau xanh. Theo tính toán của ông Lê Văn Cao, xã viên HTX, bình quân 1 sào ruộng gia đình ông trồng khoảng 1.200 cây bắp cải, nếu thời tiết thuận lợi sẽ thu hoạch được khoảng hai tấn rau. Chi phí trồng một cây bắp cải khoảng hơn 3.000 đồng, chưa kể nhân công thu hoạch. Với giá bán 2.000 đến 3.000/kg, 1 sào bắp cải chỉ bán được 4 đến 5 triệu đồng, người trồng rau như gia đình ông phải bù lỗ.

Dịch Covid-19 không chỉ là phép thử đối với các HTX gieo trồng và cung ứng các sản phẩm rau màu phục vụ cuộc sống hằng ngày của người dân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến các HTX vốn trước đây đang hoạt động ổn định, hiệu quả. Ghi nhận chung từ các HTX chuyên sản xuất miến dong tỉnh Bắc Kạn cho thấy, sản lượng miến dong trên toàn tỉnh hiện có xu hướng giảm. Giám đốc HTX miến dong Tài Hoan (xã Côn Minh, huyện Na Rì) Nguyễn Thị Hoan cho biết, để vượt qua khó khăn từ đại dịch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết, HTX đã nghiên cứu và cho ra mắt nhiều sản phẩm với mẫu mã mới, được người tiêu dùng đón nhận.

Thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp hay HTX nào cũng có tiềm lực kinh tế đủ mạnh để nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, đầu tư máy móc và nghiên cứu sản phẩm mới thu hút người tiêu dùng như HTX miến dong Tài Hoan. Đa phần các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, sản xuất đến đâu tiêu thụ tới đó. Việc các địa phương thực hiện nghiêm ngặt các quy định trong phòng, chống dịch đã tác động không nhỏ đến việc lưu thông hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm miến dong, khiến các cơ sở sản xuất không thể thu hồi, quay vòng vốn. Do vậy, các HTX buộc phải chia nhỏ sản xuất, tối ưu hóa việc ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản phẩm. Đây được xem là hướng đi đúng và trúng trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến phức tạp.

Theo Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Đức Thịnh, để hỗ trợ các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp có thể “chống chọi” và vững vàng trước đại dịch cũng như những rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh, Bộ đã xây dựng và đưa ra 9 nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài. Trong đó, đề xuất xây dựng Quỹ bảo hiểm nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị và vay vốn tín dụng; Bảo hiểm nông nghiệp gắn với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long; triển khai thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cho các cây trồng thuộc Đề án vùng nguyên liệu chủ lực của quốc gia trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, sản phẩm chủ lực của địa phương để giúp cho việc sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu được bền vững, giảm rủi ro cho nông dân, doanh nghiệp và toàn ngành nông nghiệp…

Phía Liên minh HTX Việt Nam cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương thực hiện gói tín dụng từ chính sách tiền tệ hoặc bảo lãnh của Nhà nước từ chính sách tài khóa với lãi suất thấp (3%/năm). Trong đó, chú trọng tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể, HTX tiếp cận gói tín dụng ưu đãi để trả lương ngưng việc đối với người lao động làm việc trong HTX, vay để xây dựng kho bãi, nhà xưởng chế biến, bảo quản nông sản, tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, hình thành các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị ngay sau khi khôi phục sản xuất trong trạng thái bình thường mới… Đây chính là giải pháp nhằm tăng nguồn nội lực cho HTX vừa giúp giảm thiểu rủi ro cho xã viên, nông dân.

Trong khi chờ gói bảo hiểm nông nghiệp và những giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đi vào thực tiễn, tỉnh Hưng Yên đã triển khai nhiều giải pháp trong đó có hỗ trợ một phần kinh phí cho các HTX thực hiện xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ mới, thuê lao động có trình độ, tay nghề về làm việc có thời hạn trong HTX; đồng thời, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để HTX liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư với các tổ chức, cá nhân và thành viên HTX nhằm huy động nguồn vốn để xây dựng nhà kho, xưởng sơ chế, bảo quản nông sản, từng bước giải quyết dứt điểm bài toán “được mùa mất giá”.

Tỉnh Bắc Kạn, địa phương hiện có hơn 300 HTX với hơn một nửa hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó có việc tạo cơ chế, hỗ trợ vốn để HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh theo hướng chuyên sâu, bền vững. Số liệu từ Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn cho thấy, tổng vốn điều lệ của các HTX tính đến hết năm 2021 lên đến 333 tỷ đồng tăng 57,1% so với năm 2020. Doanh thu của các HTX năm 2021 ước đạt hơn 120 tỷ đồng, thu nhập bình quân 54 triệu đồng/người/năm.