Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững

BVR&MT – Ngày 24/7, tại TP. Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức Hội nghị “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững”, nhằm đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tham gia sâu vào mạng lưới liên kết, chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh mới.

Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển chuỗi giá trị bền vững

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Ông Nguyễn Chí Dũng và Giám đốc USAID/ Việt Nam Micheal Greene đồng chủ trì hội nghị và có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các cơ quan Bộ, ngành trung ương, lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố và một số sở ban ngành ( Kế hoạch đầu tư, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) của 30 tỉnh, thành phố trực thuộc TW khu vực phía Bắc, miền trung; các cơ quan, đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và các doanh nghiệp đầu chuỗi nhỏ và vừa.

Dịch bệnh COVID – 19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp cũng phải hứng chịu trực tiếp những tác động nặng bởi dịch bệnh. Các chuỗi cung ứng bị gián đoạn và đứt gãy, do đó, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt, là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp phát triển chủ yếu là xuất khẩu bị sụt giảm nhanh chóng về doanh thu, tạm ngừng hoạt động, cắt giảm nhân lực và đứng trên bờ vực phá sản. Họ đang phải loay hoay vật lộn với mới có thể lấy lại đà phát triển trước đó, đề ra kế hoạch ngắn hạn và duy trì sản xuất kinh doanh.

Theo Tổng cục thống kê, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm qua chỉ đạt mức tăng trưởng 1,81%, đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã kịp thời ban hành những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh như Chỉ thị 11/ CT – TTg ngày 4/ 3/ 2020 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; Nghị quyết số 84/ NQ – CP ngày 29/ 5/2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải vốn đầu tư công và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch COVID – 19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường lan ra trên diện rộng. Những nỗ lực kịp thời này đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận và tổ chức quốc tế đánh cao, góp phần tiếp sức cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư bày tỏ quan điểm sâu sắc: “Sự liên kết giữa các doanh nghiệp tại nước ta còn rất kém, không chịu lớn trong mắt bạn bè Quốc tế, hoạt động còn rất e dè, không chịu nâng cao năng lực kinh doanh, quản lý, chất lượng nhân lực, mở rộng sản xuất. Bên cạnh yếu tố then chốt để phát triển sản xuất là sự định hướng hỗ trợ từ phía Nhà nước còn là sự tự thích ứng, làm mới mình, mở rộng tầm nhìn để có những bước đi đột phá mới trong làn sóng dịch chuyển kinh tế mới”.

Mặc dù, phía đối tác tạo cơ hội mở cho doanh nghiệp để cung ứng sản phẩm, mở rộng thị trường nhưng doanh nghiệp Việt Nam rất rụt rè, không tự tin trong khi có đủ khả năng để làm. Không những vậy, nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế trong việc ổn định giá, chất lượng, còn chưa có sự đầu tư tập trung vào khoa học công nghệ như việc đào tạo kĩ sư một cách chuyên nghiệp bài bản.

Đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nguyễn Đắc Minh, Chủ tịch Công ty TNHH Minh Trung, một trong những doanh nghiệp sản xuất cháo sen có uy tín và thương hiệu trong và ngoài nước khẳng định: “Muốn chiếm lĩnh được thị trường quốc tế, trước hết phải đứng vững trên sân nhà và muốn có vị thế lớn tại sân nhà, ngoài chất lượng , các doanh nghiệp phải luôn luôn làm mới mình, không ngừng đổi mới kĩ thuât, dám nghĩ lớn để thành công lớn. Trách nhiệm với chính bản thân doanh nghiệp thôi chưa đủ, mà còn phải có trách nhiệm với xã hội, thông qua việc sản xuất nhưng luôn gắn liền với công tác bảo vệ môi trường”.

Hội nghị cũng là dịp hỗ trợ các nỗ lực phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam, đồng thời, giúp doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, thích ứng với những dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra những chuỗi cung ứng mới và bền vững. Các đại biểu đã cùng tìm hiểu những kì vọng và yêu cầu của các doanh nghiệp đầu chuỗi, đồng thời thảo luận các giải pháp giúp doanh nghiệp ứng phó ngay với những thay đổi đột ngột trong chuỗi cung ứng, chủ động nắm bắt các cơ hội thị trường mới và nâng cao năng lực sản xuất.

Quỳnh Anh – Văn Trì