Hỗ trợ đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số: Phù hợp với điều kiện thực tế

BVR&MT – Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 384 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, chiếm gần 30% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, được thụ hưởng các chương trình, dự án, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, diện mạo nông thôn miền núi, đời sống của đồng bào DTTS đã được cải thiện rõ rệt. Mặc dù vậy, không thể phủ nhận bà con vẫn còn gặp không ít khó khăn, trong số 10.190 hộ nghèo trên toàn tỉnh thì có đến 5.603 hộ người DTTS.

Những năm qua, được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh cải thiện rõ rệt. Trong ảnh: Người dân xã Phú Đình (Định Hóa) thu hái chè. Ảnh: C.S

Theo khảo sát của các cấp, ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ người DTTS chủ yếu là do diện tích đất ở, đất sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu của bà con; thiếu phương tiện, vốn sản xuất; bị hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, kiến thức khoa học trong sản xuất… Bởi vậy, chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS có vai trò rất quan trọng trong đời sống của bà con.

Theo ông Khúc Kim Quảng, Chủ tịch UBND xã Quang Sơn (Đồng Hỷ) – xã có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống, chính sách về đất đai là để bảo đảm ổn định cuộc sống cho đồng bào DTTS, phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng.

Theo Luật Đất đai năm 2024, chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS đã có những thay đổi. Khoản 6 Điều 16 của Luật Đất đai quy định: “UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp ban hành chính sách của địa phương về đất đai đối với đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và tổ chức thực hiện”.

Vì vậy, tại Kỳ họp thứ 20 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 (được tổ chức hôm nay, 6-9), dự thảo Nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ được xem xét, dự kiến thông qua.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị quyết nêu trên và lấy ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố. Ông Phạm Bình Công, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Dự thảo Nghị quyết gồm 8 điều, trong đó, nội dung cơ bản quy định một số chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào DTTS, như đất sinh hoạt cộng đồng, đất ở, đất nông nghiệp, thuê đất phi nông nghiệp không phải đất ở…

Một số hộ người Mông ở xóm Khuôn Ngục (xã La Hiên, Võ Nhai) chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây có thể sẽ là những trường hợp được xem xét để hỗ trợ đất ở theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.

Cụ thể là khu dân cư của đồng bào DTTS chưa có đất sinh hoạt cộng đồng sẽ được UBND cấp huyện bố trí quỹ đất sinh hoạt cộng đồng bảo đảm diện tích tối thiểu là 300m2. Về hỗ trợ đất ở, trường hợp cá nhân không có đất ở thì được giao đất ở hoặc được chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất khác sang đất ở trong hạn mức giao đất ở theo quy định của UBND tỉnh và được miễn tiền sử dụng đất. Trường hợp cá nhân đã được giao đất ở theo quy định nhưng nay không còn đất ở hoặc thiếu đất ở so với hạn mức thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Đối với việc hỗ trợ đất nông nghiệp, trường hợp cá nhân không có đất nông nghiệp thì được hỗ trợ giao đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của UBND tỉnh không thu tiền sử dụng đất. Trường hợp cá nhân đã được Nhà nước giao đất theo quy định nhưng nay không còn đất nông nghiệp hoặc diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng không đủ 50% diện tích đất so với hạn mức giao đất nông nghiệp theo quy định của UBND tỉnh thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Với việc hỗ trợ thuế đất phi nông nghiệp không phải đất ở, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để sản xuất, kinh doanh và được giảm 50% tiền thuê đất.

Trên thực tế, việc thể chế hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham mưu, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn tỉnh là phù hợp, cần thiết. Việc xây dựng Nghị quyết không chỉ bảo đảm yêu cầu về tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, mà còn tuân thủ đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng và ban hành Nghị quyết. Đặc biệt là phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội, điều kiện thực tế của tỉnh và quy định của pháp luật…