BVR&MT – Các quốc gia trên thế giới đã có những cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính để giữ nhiệt độ trái đất không tăng quá 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng có thể các quốc gia sẽ phải cắt giảm nhiều hơn vì nhiều nguồn phát thải vẫn chưa được tính toán đầy đủ.
Nghiên cứu do 10 học giả đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu của Mỹ, Canada, Trung Quốc, Brazil và Đan Mạnh công bố mới đây trên Tạp chí BioScience khẳng định rằng có một lượng lớn khí nhà kính phát thải từ một nguồn ít ai để ý: đó là các hồ chứa nhân tạo. Hàng triệu đập nước đã được xây dựng trên khắp thế giới để phục vụ cho sản xuất điện, tưới tiêu và các nhu cầu khác của con người. Những hồ chứa này sản sinh ra khoảng 1,3 % tổng lượng khí nhà kính trên toàn cầu.
Nhóm nghiên cứu cho hay, khí phát thải từ các hồ chứa chủ yếu là khí methane (CH4), loại khí này có thời gian tồn tại trong không khí tương đối ngắn nhưng lại gây ra hiệu ứng nóng lên ngắn hạn rất mạnh. Mặc dù chúng ta đã bước đầu tìm ra các giải pháp hạn chế CO2 nhưng vẫn gặp khó khăn với khí methane (loại khí này có nguồn phát sinh rất đa dạng từ dầu mỏ, khí đốt, thậm chí là từ chất thải gia súc). Các nhà khoa học cho biết khí methane (CH4) chiếm 79% khí phát thải từ các hồ chứa, trong khi tỷ lệ các loại khí khác carbon dioxide (CO2) và nito oxit (NO2) lần lượt là 17% và 4%.
Bà Bridget Deemer (Đại học Bang Washington), tác giả nghiên cứu cho hay: “Nghiên cứu này là một bước đột phá trong ước tính lượng khí thải từ các hồ chứa. Chúng tôi đã tổng hợp tất cả các ước tính trước đó về khí thải các hồ chứa được xây dựng với mục đích khai thác thủy điện, kiểm soát lũ và phục vụ tưới tiêu trên toàn cầu. Chúng tôi thấy rằng các ước lượng về phát thải methane của các hồ chứa cao hơn khoảng 25% so với dự đoán của chúng tôi, lý do là do con người đã xây dựng quá nhiều đập chứa nước trên toàn cầu”.
Cũng theo bà Deemer, đối tượng của nghiên cứu là tất cả các hồ chứa nước nhân tạo trên toàn cầu, không chỉ tính riêng các hồ chứa thủy điện. Các nhà khoa học thực hiện khảo sát trên 267 hồ chứa nước nhân tạo với tổng diện tích bề mặt là gần 30.000 dặm vuông; từ đó ngoại suy ra kết quả cho toàn bộ các hồ chứa trên toàn cầu.
Ảnh hưởng của các hồ chứa nước nhân tạo là một ví dụ điển hình về những hệ quả không mong muốn việc thay đổi cảnh quan tự nhiên của con người. Ngập lụt trên diện rộng có thể dẫn đến các phản ứng hóa học mới vì các vi sinh vật nhỏ bé sẽ làm phân hủy các chất hữu cơ trong nước. Quá trình phân hủy chất hữu cơ trong nước và thiếu oxy sẽ phát thải khí methane. Một phần nguyên nhân của việc này là do khu vực ban đầu khi chưa bị ngập có chứa nhiều sinh vật (cây cỏ, động vật nhỏ không biết bơi). Trong khi đó, các hồ chứa cũng là thường xuyên tiếp nhận nước thải mang nhiều Nito và Photpho từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của con người. Nguồn nước chứa nhiều chất dinh dưỡng này chính là tác nhân thúc đẩy sự tăng trưởng của tảo trong các hồ chứa, cung cấp nhiều hơn nguyên liệu cho vi sinh vật phân hủy. Vì những nguyên nhân này, hồ chứa là nơi phát thải nhiều khí methane hơn so với ao, hồ, sông hay các vùng ngập nước tự nhiên.
Theo ông John Harrison, đồng tác giả nghiên cứu, nếu có đủ oxy, methane sẽ kết hợp chuyển đổi thành CO2, nhưng những khu vực ngập nước thường thiếu oxy nên methane sẽ phát thải trực tiếp vào khí quyển. Quá trình tương tự cũng diễn ra trên các cánh đồng canh tác lúa nước. Lượng phát thải từ hồ chứa và các cánh đồng lúa nước là tương đương nhau trên quy mô toàn cầ. Tuy nhiên đã có nghiên cứu về lượng khí methane phát thải do canh tác lúa trong khi việc phát thải khí nhà kính ở các hồ chứa chưa được quan tâm.
Ông Harrison giải thích: Ở mỗi quốc gia đều có cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp lượng phát thải khí nhà kính của quốc gia đó. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc đã biên soạn một bộ hướng dẫn để hướng dẫn từng quốc gia cách tính toán và thu thập số liệu. Tuy nhiên, bộ hướng dẫn hiện tại của Liên hợp quốc chỉ liệt kê hồ chứa trong danh sách phụ lục, không đưa vào phần yêu cầu kiểm kê chính thức của bất kỳ quốc gia nào. Tuy nhiên, nhiều khả năng bộ hướng dẫn sửaa đổi dự kiến phát hành vào hai năm tới có khả năng sẽ bổ sung yêu cầu này.
Bà Deemer nhấn mạnh rằng nhóm tác giả không có ý chống lại việc xây dựng hồ chứa để khai thác thủy điện, tuy nhiên kết quả nghiên cứu sẽ dẫn đến những nghi ngờ về việc thủy điện có còn là loại năng lượng trung hòa carbon hay không. Nhóm nghiên cứu mong muốn yếu tố phát thải khí nhà kính phải đưa vào trong quá trình đánh giá, khảo sát xây dựng dự án.
Phát hiện của nghiên cứu không mới: Một nghiên cứu công phu năm 2000 đã nêu ra vấn đề này và Hiệp hội Thủy điện quốc tế đã công bố trên website rằng: “Mặc dù thủy điện là công nghệ carbon thấp, một số hồ chứa trong những điều kiện nhất định vẫn có thể phát ra khí methane, một loại khí nhà kính. Hồ chứa, trong một số trường hợp, cũng có thể trở thành một bể chứa carbon”.
Tuy nhiên, điển mới của nghiên cứu này là đã tổng hợp một số lượng lớn các nghiên cứu liên quan từ năm 2000 trở lại đây và đưa ra được kết luận rằng khí thải từ các hồ chứa nhân tạo cần phải được đưa vào tính toán trong ngân sách carbon toàn cầu.