Hộ chiếu gắn chip điện tử có gì mới?

BVR&MT – Hộ chiếu có chip điện tử sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 14/8/2021, được đánh giá là tăng độ bảo an, chống làm giả so với hộ chiếu cũ.

Hộ chiếu Việt Nam hiện hành. (Ảnh minh họa)

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 73/2021/TT-BCA quy định về mẫu hộ chiếu, giấy thông hành và các biểu mẫu liên quan.

Thông tư quy định, mẫu hộ chiếu mới có mặt ngoài của trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, hộ chiếu có gắn chíp điện tử có biểu tượng chíp điện tử. Hình ảnh tại các trang trong hộ chiếu là cảnh đẹp đất nước, di sản văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng họa tiết trống đồng. Hộ chiếu có hai ngôn ngữ được sử dụng bên trong là tiếng Việt và tiếng Anh. Việc gắn chip vào hộ chiếu được đánh giá đáp ứng nhu cầu về số hóa trong thời đại mới, giảm thiểu nguy cơ làm giả.

Theo thông tin ban đầu, chip điện tử trong hộ chiếu mới lưu thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp. Ngoài ra, chip còn có thể lưu trữ đặc điểm sinh trắc học, ảnh hay thông tin cá nhân của công dân.

Bìa hộ chiếu là loại vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao. Hộ chiếu giữ nguyên kích thước theo tiêu chuẩn ISO 7810. Toàn bộ nội dung, hình ảnh in trong hộ chiếu được thực hiện bằng công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế), đáp ứng yêu cầu bảo an.

Ba mẫu hộ chiếu được phân biệt bởi màu sắc trang bìa: Hộ chiếu phổ thông màu xanh tím; hộ chiếu công vụ màu xanh lá cây đậm và hộ chiếu ngoại giao bìa màu nâu đỏ.

Trước đó, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 đã có quy định về hộ chiếu được gắn chip điện tử. Loại hộ chiếu gắn chip sẽ được người từ đủ 14 tuổi trở lên lựa chọn xin cấp hoặc không. Riêng người dưới 14 tuổi, hộ chiếu sẽ không gắn chip điện tử.

Người có nhu cầu cấp hộ chiếu phổ thông hoặc loại gắn chip có thể đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh của công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc nơi tạm trú để xin cấp. Khi làm thủ tục, người dân cần chuẩn bị ảnh chân dung, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và giấy tờ chứng minh thường trú, tạm trú. Lệ phí cấp mới hộ chiếu là 200.000 đồng. Còn cấp lại hộ chiếu do hư hỏng hoặc mất là 400.000 đồng.

Thông tư số 73/2021/TT-BCA về hộ chiếu, giấy thông hành có hiệu lực từ ngày 14/8/2021. Hộ chiếu, giấy thông hành đã được cấp trước ngày 1/1/2022 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong hộ chiếu, giấy thông hành.

Cũng theo Thông tư, mẫu giấy thông hành có mặt ngoài của trang bìa in quốc hiệu, quốc huy, tên giấy thông hành. Ngôn ngữ sử dụng trong giấy thông hành gồm: Tiếng Việt và Tiếng Campuchia đối với giấy thông hành biên giới Việt Nam – Campuchia; Tiếng Việt và Tiếng Lào đối với giấy thông hành biên giới Việt Nam – Lào; Tiếng Việt và Tiếng Trung Quốc đối với giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Theo quy định, giấy thông hành là giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho công dân Việt Nam để qua lại biên giới với các nước có chung đường biên giới.

Số trang trong giấy thông gồm 16 trang đối với giấy thông hành biên giới Việt Nam – Campuchia và giấy thông hành biên giới Việt Nam – Lào, 28 trang đối với giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới Việt Nam – Trung Quốc; kích thước theo chuẩn ISO 7810; bìa giấy thông hành là loại vật liệu nhựa tổng hợp, có độ bền cao. Toàn bộ nội dung in trong giấy thông hành được thực hiện bằng công nghệ hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo an, chống nguy cơ làm giả.