Hiệu quả và tác động của chính sách bảo vệ và phát triển rừng đối với đồng bào DTTS 

BVR&MT – Ngày 17/7 tại Hà Nội, Đại học Thái Nguyên phối hợp Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam (Vifa) tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: “Hiệu quả và tác động của chính sách bảo vệ và phát triển rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi phía Bắc Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham dự của: Ông Nguyễn Cao Thịnh – Vụ Phó vụ Tổng hợp Ủy Ban dân tộc; ông Nguyễn Văn Huân – Chánh Văn phòng Chương trình CTDT/16-20 Ủy Ban dân tộc; ông Hứa Đức Nhị – Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, PGS.TS Triệu Văn Hùng – Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam; PGS.TS Trần Quốc Hưng – Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên) cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực lâm nông nghiệp.

Tại hội thảo, PGS.TS Triệu Văn Hùng có bài tham luận: “Tăng cường năng lực cộng đồng thôn bản trong bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển sinh kế hộ gia đình – Một số kinh nghiệm từ dự án nhỏ UNDP – SGF ở xã Tả Ngài Chồ, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai”.

Cơ sở nuôi úm gà tía với 1200 gà con sẵn sàng chuyển giao cho mô hình tại Dự án “Tăng cường năng lực cộng đồng thôn bản trong bảo vệ và phát triển rừng gắn với phát triển sinh kế hộ gia đình” xã Tả Ngải Chồ (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai).

Tham luận đã chỉ rõ, rừng giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Rừng bảo vệ môi trường sống của con người, bảo tồn các nguồn gen, đa dạng sinh học, hạn chế thiên tai vào điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất phát triển. Rừng cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho con người, rừng bảo tồn những nét văn hóa truyền thống, lịch sử của các cộng đồng…

Đặc biệt, rừng cung cấp phần lớn các nhu cầu thiết yếu cho các dân tộc thiểu số sống trong rừng, gần rừng và phụ thuộc vào rừng. Do đó chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói, giảm nghèo phát triển sinh kế của đồng bào dân tộc thiểu số là trọng tâm hàng đầu và luôn được Đảng, Nhà nước và các địa phương quan tâm.

Chị Sàng Thị Chin (xã Tả Ngải Chồ) phấn khởi trao đổi cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường về hiệu quả mô hình sinh kế đối với phát triển kinh tế hộ gia đình.

Những hoạt động của dự án và kết quả đạt được đã góp phần đưa ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng quỹ phát triển sinh kế (PTSK) cộng đồng, trong xây dựng mô hình PTSK và thực thi chính sách lâm nghiệp từ chính sách đến thực tế và đặc biệt là tinh thần quyết tâm của các cấp lãnh đạo cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân.

Tiếp đó, nhóm nghiên cứu đề tài của Đại học Thái Nguyên đã trình bày nội dung: “Tổng hợp những tồn tại của chính sách bảo vệ và phát triển rừng từ các tỉnh điều tra (Quảng Nam, Gia Lai, Đắc Lắc, Ninh Thuận, Trà Tinh, Nghệ An, Bắc Kạn, Hà Giang, Điện Biên)”.

Mục tiêu rà soát, hệ thống hóa các chính sách của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số; đánh giá kết quả thực hiện chính sách về bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 1986 – 2017; Phân tích thành công, hạn chế, tồn tại, đề xuất khuyến nghị hoàn thiện chính sách bảo vệ và phát triển rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số.

PGS.TS Trần Quốc Hưng – Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (Đại học Thái Nguyên) cho biết: Nghiên cứu “Tác động của chính sách phát triển lâm nghiệp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” là chủ đề quan trọng, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng hiện nay, làm cơ sở cho việc, đổi mới và hoàn thiện chính sách bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng bền vững hướng tới ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho các cộng đồng dân tộc thiểu số trong thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập hiện nay.

Chỉ ra những tồn tại của các chính sách như: Nghị định số 02/CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ về giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp chủ trì, thực hiện…

Nhìn chung chủ trương giao đất giao rừng cho đồng bào DTTS là chủ trương lớn và đúng đắn, phù hợp với xu thế phát triển và thực hiện chính sách xã hội hóa trong bảo vệ rừng. Nhờ chính sách này đã góp phần điều chỉnh, phân bố lao động dân cư, giải quyết việc làm, nâng cao tu nhập, thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững trong toàn ngành lâm nghiệp.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo.

Xuất phát từ tình hình thực tế, các vấn đề như: “Thực trạng và đề xuất giải pháp liên quan đến hoạt động quản lý và bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Điện Biên” và “Chia sẻ lợi ích trong hoạt động quản lý bảo vệ rừng đối với các cộng đồng dân tộc thiểu số tại khu bảo tồn loài và linh cảnh Nam Xuân Lạc” cũng được các đại biểu quan tâm và thảo luận sôi nổi nhằm đưa ra những giải pháp thiết thực cho từng địa phương.

Trong những năm qua, nhờ những chính sách của Nhà nước, các dự án đầu tư của các tổ chức phi chính phủ về công tác lâm nghiệp đã góp phần hỗ trợ người dân vùng đệm phát triển kinh tế, đem lại nguồn thu nhập từ rừng và nguồn lợi từ công tác quản lý. Song vẫn tồn tại những yếu kém, hạn chế cần có những biện pháp, kiến nghị để phát triển tốt công tác bảo vệ rừng.

Hội thảo đã tạo cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm giữa các nhà khoa học, nghiên cứu, quản lý, các cơ quan có liên quan về hiệu quả, những tác động ảnh hưởng tích cực, tiêu cực của chính sách bảo vệ và phát triển rừng cũng như các nhân tố khách quan và chủ quan của việc triển khai chính sách tác động tới việc bảo vệ và phát triển rừng đối với quá trình sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực phía Bắc Việt Nam từ 1986 đến nay. Từ đó, bàn luận về các khuyến nghị về nội dung và giải pháp để tăng tính hữu ích và hiệu quả trong việc thực thi các chính bảo vệ phát triển rừng.

Hà Linh