Hiệu quả từ dự án giảm nghèo Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Nông

BVR&MT – Được triển khai từ năm 2014, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên với mục tiêu là cải thiện cơ hội sinh kế cho các hộ nghèo và cộng đồng ở khu vực Tây Nguyên được các cấp, các ngành và chính quyền các tỉnh Tây Nguyên tập trung chỉ đạo thực hiện. Đến qua hơn 4 năm triển khai, Dự án đã mang lại những kết quả tích cực.

Cụm đập dâng phay chắn suối Đăk Drô (huyện Krông Nô) và hệ thống kênh tưới bê tông.

Dự án Giảm nghèo Khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Nông được triển khai từ năm 2014 đến 2019, với tổng kinh phí thực hiện hơn 400 tỷ đồng. Địa bàn hưởng lợi từ Dự án gồm 20 xã đặc biệt khó khăn, thuộc 04 huyện: Đắk Song, Đắk Glong, Tuy Đức và Krông Nô. Mục tiêu của Dự án là nâng cao mức sống cho người dân thông qua cơ hội cải thiện sinh kế ở các xã nghèo, bằng cách tăng tính tự chủ trong sản xuất nông nghiệp, củng cố an ninh lương thực, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kết nối ở cấp huyện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường tiếp cận dịch vụ công cộng, kết nối thị trường để tạo thu nhập bền vững cho người dân.

Là một trong những hộ gia đình nông dân được hưởng lợi từ Dự án, chị Lê Thị Tình (trú xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) cho biết, năm 2002, gia đình chị đến sống tại thôn 1 xã Đắk Ha, lúc ấy rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của xã. Đến năm 2015, chị Tình được dự án WB hỗ trợ cho một con bò cái. Cùng thời gian này, gia đình chị Tình cũng được Ban Quản lý dự án giảm nghèo Tây Nguyên của tỉnh Đắk Nông xét, được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vốn để làm ăn. Có tiền, chị tập trung đầu tư vào vườn cà phê và cuối năm thu hoạch, chị mua thêm được bò. Đến năm 2016 gia đình chị Tình đã vượt lên thoát nghèo và hiện nay, gia đình chị đã gây dựng được cơ ngơi với hơn 2 hecta cà phê và 15 con bò, trở thành hộ khá giả tại địa phương.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, những trường hợp nhờ sự hỗ trợ từ Dự án giảm nghèo Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Nông đã vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá ở địa phương khá nhiều. Theo Ban Quản lý dự án tại Đắk Nông, những hỗ trợ từ dự án khá đa dạng, tùy vào năng lực của mỗi gia đình mà Ban quản lý dự án xem xét, hỗ trợ cụ thể để gia đình phát huy tốt nhất. Tuy nhiên, phần lớn các hộ được hỗ trợ khi tham gia vào dự án đều được tiếp cận với mô hình liên kết giữa các nhóm hộ, cùng hợp tác tìm đầu ra cho sản phẩm, hướng đến mục tiêu nâng cao thu nhập cho bà con là hướng hỗ trợ chủ yếu của Ban Quản lý dự án thời gian qua.

Tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, nhóm cải thiện sinh kế “Trồng dâu, nuôi tằm” ở thôn 3 là một trong những nhóm đi đầu về phát triển kinh tế ở địa phương. Nhóm cải thiện sinh kế này được triển khai từ năm 2016. Ban đầu, có 15 hộ được hỗ trợ giống, kỹ thuật để trồng dâu nuôi tằm trên diện tích hơn 4,5 ha. Đến nay, nhóm đã có 34 hộ với diện tích trồng dâu tăng lên gần 15 hecta.

Chia sẻ về những kết quả ban đầu mà Dự án giảm nghèo Tây Nguyên của tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ cho nhóm của mình, ông Nguyễn Hiếu Thành, Trưởng nhóm liên kết trồng dâu, nuôi tằm thôn 3, xã Đắk Som cho biết, với giá kén hiện nay giao động từ 120.000 – 130.000 đồng/kg, 1 hộp tằm nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật sẽ cho lãi từ 4 – 4,5 triệu đồng. “Từ khi Dự án giảm nghèo Tây Nguyên được triển khai tại địa phương, gia đình tôi và nhiều hộ trong nhóm đã thoát được nghèo, thu nhập ổn định mỗi năm hơn 200 triệu đồng”- ông Thành cho biết. Ông khẳng định thêm: “Chúng tôi được Dự án giảm nghèo này hỗ trợ từ năm 2016 với những hỗ trợ cụ thể các dụng cụ nuôi tằm như nong, né, xi cát, gạch để làm nhà tằm. Nhờ sự hỗ trợ trên, các hộ có điều kiện để chăm sóc và mở rộng diện tích trồng dâu nuôi tằm; sản phẩm làm ra có chất lượng tốt hơn và đầu ra tiêu thụ được ổn định. Đến nay đời sống của các hộ trong nhóm đều đã khá hơn trước rất nhiều, các hộ đã thoát được nghèo”.

Theo ông Đắng Huy Quang, Ban quản lý Dự án giảm nghèo Tây Nguyên huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông), đến nay toàn huyện đã thành lập được 135 tiểu dự án trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn 5 xã, với gần 1.900 hộ dân được hưởng lợi. Tham gia vào các tiểu dự án có đến 70% là hộ nghèo và tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc chiếm đến 84%. Mỗi tiểu dự án chăn nuôi, trồng trọt theo nhóm cộng đồng có từ 10 – 15 hộ tham gia. Khi tham gia vào các tiểu dự án sinh kế, các hộ dân sẽ được tự lựa chọn hình thức sản xuất, chăn nuôi sao cho phù hợp, cũng như được cung cấp giống cây trồng, vật nuôi và được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. “Cán bộ dự án thường xuyên xuống hỗ trợ bà con về công tác triển khai, áp dụng khoa học kỹ thuật, thông qua các buổi tập huấn, thực tế theo dõi dịch bệnh hại trên cây trồng vật nuôi để phòng tránh để mang lại hiệu quả trong sản xuất, chăn nuôi trồng trọt, để đạt hiệu quả cao”- ông Quang cho biết thêm.

Cùng với các hoạt động hỗ trợ bà con phát triển kinh tế vươn lên ổn định cuộc sống thì việc đầu tư cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, trường học, công trình thủy lợi và đặc biệt là các công trình cấp nước sạch tại huyện Đắk Glong đã sớm phát huy hiệu quả, giúp bà con nâng cao được chất lượng cuộc sống. Điển hình là trường hợp của thôn 8 xã Đắk Ha. Trước đây, thôn này có 72 hộ không có nước sinh hoạt, đồng bào phải chở nước từ nơi khác về dùng, đời sống rất khó khăn. Tuy nhiên, sau khi được Dự án giảm nghèo Tây Nguyên tại tỉnh và huyện quan tâm đầu tư hệ thống nước sạch, địa bàn này đã có nước sạch về, người dân dùng nước thoải mái, không sợ thiếu nước nữa.

Cánh đồng tại xã Đăk Drô (Krông Nô) tươi tốt nhờ hệ thống kênh dẫn nước mới từ dự án giảm nghèo Tây Nguyên đầu tư.

Một trường hợp khác là tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông), con đường vào xã chỉ 01 km nhưng quanh năm hư hỏng, lại băng qua đồi núi. Đến khi mùa vụ, thương lái không vào được khiến sản phẩm làm ra của nông dân bị tư thương ép giá, không bán được. Được Dự án giảm nghèo Tây Nguyên tại tỉnh và huyện hỗ trợ, tuyến đường đã được xây dựng cũng là ước ao bao lâu nay của người dân nơi đây thành hiện thực.

Ông Bàn Thanh Thành, một người dân xã Quảng Tân phấn khởi cho biết: “Từ khi có tuyến đường, gia đình tôi cũng như những hộ dân xung quanh yên tâm phát triển kinh tế, vì giờ đây nông sản làm ra không bị ép giá như trước”.

Theo thống kê của Ban quản lý dự án giảm nghèo Tây Nguyên tại Đắk Nông, sau hơn 4 năm triển khai thực hiện dự án, đã có hơn 7.550 hộ, trong đó có hơn 80% là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn được hưởng lợi trực tiếp từ 570 tiểu dự án trồng trọt và chăn nuôi. Trong số đó, có gần 500 hộ nghèo đã thoát nghèo một cách bền vững. Ngoài ra, đến nay tại địa phương đã có 170 công trình như: đường giao thông, thủy lợi, trường học, cấp nước sạch tập trung, cầu dân sinh… được đưa vào sử dụng phục vụ việc đi lại, sản xuất, giao thương hàng hóa… cho người dân tại 20 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh được hưởng lợi từ dự án giảm nghèo này.