BVR&MT – Việc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác ở khu vực Nam Bộ đã và đang phát huy được kết quả tích cực, góp nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho nhân dân. Tuy nhiên, ở một số nơi việc chuyển đổi còn mang tính tự phát, thiếu sự liên kết… dẫn đến đầu ra chưa ổn định.
Là vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh nhưng do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn nên huyện Long Phú (Sóc Trăng) đã chủ động thực hiện chuyển đổi gần 340 ha từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác như: bưởi da xanh, cam, quýt, nhãn, rau màu có giá trị kinh tế cao. Trong đó, cây bưởi được bà con chọn làm cây chủ lực với 122 ha.
Năm 2017, anh Lê Thành Thái, xã Phú Hữu, huyện Long Phú chuyển hơn 3 ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh. Để cây phát triển tốt, anh Thái đào ao chứa nước ngọt và áp dụng hệ thống tưới thông minh nên vườn bưởi của gia đình gần như “miễn dịch” với xâm nhập mặn. Đến nay, vườn bưởi của anh Thái cho thu hoạch với sản lượng khá cao và chất lượng đạt chuẩn, thu nhập tăng gấp 5 lần so với trồng lúa trước đây.
Do vùng đất không phù hợp với cây lúa, ông Võ Ngọc Phong, xã Châu Khánh, huyện Long Phú chuyển sang trồng cam sành và bưởi. Ban đầu, ông Phong mua 100 cây bưởi da xanh về trồng nhằm cải thiện thu nhập. Qua thời gian chăm sóc, cây phát triển tốt và cho năng suất khá cao, từ đó gia đình ông tiếp tục mở rộng diện tích thêm 4.000 m2 sang trồng loại cây này và 7.000 m2 trồng cây cam sành.
Hiện tại, vườn cây ăn quả của gia đình ông Phong đang cho năng suất cao, mỗi vụ thu hoạch thương lái đến tận vườn để mua. Mặc dù năm nay giá cam giảm so với trước, nhưng do sản lượng cao nên thu nhập bưởi và cam của gia đình đạt 500 triệu đồng/năm.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, để khai thác, phát huy tiềm năng diện tích cây ăn quả thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh đã quy hoạch sản xuất phù hợp điều kiện tự nhiên của từng vùng nhằm tạo ra số lượng hàng hóa lớn tập trung, thuận lợi cho việc liên kết tiêu thụ sau thu hoạch. Với diện tích trồng cây ăn quả khoảng 32.000 ha, Sóc Trăng là một trong những tỉnh có vùng nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu lớn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết, năm 2021, toàn vùng Nam Bộ thực hiện chuyển đổi khoảng 77.328 ha đất lúa sang trồng cây hằng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản, trong đó vùng Đông Nam Bộ là 6.401 ha, vùng đồng bằng sông Cửu Long 70.927 ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng cây hằng năm là hơn 51 nghìn ha, diện tích chuyển đổi sang trồng cây lâu năm hơn 14,7 nghìn ha và chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản (tôm – lúa; cá – lúa) hơn 11,4 nghìn ha.
Qua đánh giá, việc chuyển đổi trên đất lúa sang cây trồng khác giúp sử dụng nước tiết kiệm và mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa; hệ số sử dụng đất tăng lên từ 1,5 đến 2,2 lần tùy điều kiện của từng vùng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Như Cường, hiện nay việc chuyển đổi đất lúa ở khu vực Nam Bộ còn mang tính tự phát, một số nơi chưa phù hợp với kế hoạch chung. Mặt khác, một số cây trồng đưa vào chuyển đổi có lợi thế cạnh tranh kém, đầu ra chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, kiểm soát chất lượng. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi còn thiếu liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chưa bảo đảm khâu tiêu thụ mang tính bền vững.
Ở một số địa phương, chính sách khuyến khích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa chưa được thực hiện mạnh mẽ. Hơn nữa, một số nơi chưa tính toán chi tiết và phân tích đầy đủ giá trị sản xuất trồng trọt nên việc khuyến cáo, tổ chức chuyển đổi chưa đạt hiệu quả cao; một số vùng chưa hoàn thiện hệ thống thủy lợi, nhất là đê bao, cống bọng, để phục vụ cho vùng sản xuất rau màu có diện tích lớn.
Cục Trồng trọt cho rằng, để khắc phục tình trạng này thời gian tới các địa phương khu vực Nam Bộ cần tăng cường tuyên truyền, vận động và phổ biến rộng rãi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác để thích ứng với biến đổi khí hậu hiện nay.
Đồng thời, lựa chọn giống có năng suất và chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng sinh thái, giống có khả năng chống chịu được sâu bệnh tốt; tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật từng loại cây trồng chuyển đổi cho các hộ dân ứng dụng nhằm tăng hiệu quả sản xuất. Lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện các mô hình trình diễn hiệu quả nhằm giúp các hộ dân học hỏi áp dụng; kết nối và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, cung ứng giống tốt và bao tiêu sản phẩm ổn định cho bà con nông dân.