Hiệu quả từ cánh đồng lúa thân thiện với môi trường ở Bắc Ninh

BVR&MT – Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” (gọi tắt là dự án SRI) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai tại Bắc Ninh từ năm 2021.

Người nông dân xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh phấn khởi với mô hình trồng lúa mới mang lại năng suất cao, thân thiện với môi trường. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Những ngày này, gia đình ông Nguyễn Văn Khang, thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đang chuẩn bị thu hoạch lúa Xuân. Năm nay gia đình ông rất phấn khởi bởi hơn 1 mẫu lúa trồng theo mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường lại được mùa. Ông Nguyễn Văn Khang cho biết, đây là vụ thứ ba gia đình trồng lúa theo phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường. Ban đầu khi thực hiện mô hình gia đình rất lo lắng bởi lâu nay chỉ quen với phương pháp canh tác truyền thống.

Theo ông Nguyễn Văn Khang, vụ Xuân năm 2021, gia đình ông bắt đầu trồng thử nghiệm khoảng hai sào theo mô hình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường do Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ, chuyển giao. Qua thực tế triển khai, chỉ với một số biện pháp kỹ thuật cơ bản như cấy mạ non, cấy một dảnh, cấy thưa; tưới ướt – khô xen kẽ; làm cỏ sục bùn; bón phân hữu cơ và xử lý rơm rạ bằng chế phẩm vi sinh sau thu hoạch, phương pháp này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt so với phương pháp cấy lúa truyền thống. Đến nay, 1,1 mẫu lúa của gia đình ông đều được trồng theo mô hình mới này.

“Trước đây, gia đình thường mất nhiều chi phí cho việc gieo mạ, bón phân, đặc biệt là rất vất vả trong việc giữ nước cho cây lúa nhưng năng suất chất lượng lại không cao. Được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ về giống, có kỹ sư cầm tay chỉ việc từ làm đất, gieo mạ, đến hỗ trợ chăm sóc, năng suất tăng lên rõ rệt từ 2,2 tạ lên 2,7 tạ/sào, đặc biệt giảm các chi phí đầu vào (giống, phân bón, thuốc trừ sâu và tiết kiệm nước tưới)”, ông Khang cho hay.

Cũng giống như gia đình ông Nguyễn Văn Khang, gia đình ông Đỗ Đình Độ, thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du từng rất băn khoăn khi lựa chọn mô hình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường. Đầu năm 2021 khi Hội Nông dân tỉnh tổ chức lớp tập huấn về mô hình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường, gia đình ông và các hộ dân trong thôn không tin tưởng bởi từ trước đến nay quen canh tác theo phương pháp truyền thống là cấy lúa nhiều dảnh để không bị chết, sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu để đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa. Tuy nhiên, sau một vụ thử nghiệm gia đình ông thực sự bất ngờ trước hiệu quả mà mô hình đem lại. Vì vậy hai vụ gần đây gần 1 mẫu lúa của gia đình ông và các hộ dân đã lựa chọn canh tác theo theo mô hình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường. Năm nay, thời tiết thuận lợi, cộng với việc chăm sóc theo đúng quy trình, ông Độ phấn khởi khi năng suất vụ Xuân cao hơn năng ngoái, ước đạt 2,8 tạ/sào.

Theo Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh, mô hình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường được hội triển khai làm điểm tại 4 xã Việt Đoàn, Hiên Vân (huyện Tiên Du) và xã Đông Thọ, Yên Phụ (huyện Yên Phong), với diện tích 14 ha. Đến nay mô hình này đã được nhân rộng lên đến hàng trăm ha, tập trung chủ yếu tại xã thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, với diện tích hơn 160 ha.

… đến xây dựng những nhân tố bảo vệ môi trường

Cánh đồng lúa được sản xuất theo áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương/TTXVN

Hơn 1 năm về thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du để “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn người nông dân canh tác lúa thân thiện với môi trường, Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Văn Hiền của Trung tâm Khuyến nông và Phát triển công nghệ cao tỉnh Bắc Ninh rất bất ngờ khi đến nay toàn bộ diện tích lúa của Hợp tác xã rau củ quả an toàn thôn Liên Ấp được trồng theo phương pháp này. Bởi trước khi triển khai nhiều người dân vẫn còn nghi ngờ tính khả thi của mô hình.

Kỹ sư Nguyễn Văn Hiền chia sẻ, trước khi triển khai mô hình, đa phần người dân đều cho rằng việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón là biện pháp tối ưu để tăng năng suất lúa. Tuy nhiên hơn 1 ha trồng thử nghiệm theo mô hình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường đã giúp người dân giảm chi phí, tăng năng suất lúa chứng minh tính hiệu quả từ mô hình .

“Phương pháp này có tính ưu việt, không chỉ giúp nông dân giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận trên một diện tích đất canh tác mà còn nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất lúa an toàn, thích nghi với quá trình biến đổi khí hậu”, kỹ sư Nguyễn Văn Hiền cho biết.

Theo kỹ sư Nguyễn Văn Hiền ở những chân ruộng ngập nước thường sinh ra khí mê-tan do gốc rạ phân hủy, kết hợp với khí ni-tơ từ việc bón phân sẽ làm nóng bầu khí quyển. Trong khi đó, nhiều chân ruộng cao người dân không chủ động được nguồn nước tưới nên việc áp dụng tưới ướt – khô xen kẽ không chỉ giảm được số lần bơm nước vào đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất, mà còn hạn chế được sâu bệnh, giúp cây lúa phát triển tốt, cho năng suất cao.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã rau củ quả an toàn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du cho rằng người dân chính là nhân tố quyết định đến sự thành bại của mô hình. Ban đầu, trong thôn chỉ có 10 hộ tham gia với 1 ha, đến nay tất cả các hộ đã áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên 160 ha. Qua các lớp tập huấn cũng như triển khai thực tế mô hình, đến nay Hợp tác xã đã xây dựng được đội ngũ “kỹ sư không chuyên” là những thành viên trong Hợp tác xã sẵn sàng giúp đỡ, chuyển giao kỹ thuật cho những hộ, địa phương khác khi cần.

Nói về hiệu quả từ mô hình mang lại, ông Nguyễn Đăng Khang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh khẳng định, mô hình đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức cũng như phương pháp canh tác của hội viên nông dân. Qua đó góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính và phát triển nông nghiệp bền vững.

Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình điểm, mô hình trình diễn bên các khu ruộng đối xứng để người dân dễ dàng so sánh được sự hiệu quả, tính ưu việt của mô hình áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường đem lại. Đặc biệt, để đảm bảo tính ổn định bền vững, Hội sẽ xây dựng những nhân tố nòng cốt theo hình thức “nông dân dạy nông dân”, đây chính là “chìa khóa” giúp Hội nhân rộng mô hình tại các địa phương khác trong tỉnh.