Hiệu quả phong trào ‘5 không, 3 sạch’ tại Nam Định

BVR&MT – Những năm qua, với nhiều cách làm sáng tạo, Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định đã thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần xây dựng nông thôn nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương.

Người dân xóm 10, xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường (Nam Định) phân loại, xử lý rác tại nguồn. Ảnh: Nguyễn Lành

Hiệu quả thiết thực

Về xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường hôm nay, dọc con đường chính dẫn vào trung tâm xã, hai bên đường là hàng cây xanh tỏa bóng. Những tuyến đường thôn, xóm sạch sẽ. Các hộ dân thiết kế, sắp xếp khuôn viên hài hòa, gọn gàng tạo nên khung cảnh làng quê yên bình, đa sắc.

Chủ tịch Hội phụ nữ xã Xuân Thượng Mai Thị Vân cho biết, hưởng ứng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” với các tiêu chí cụ thể: Gia đình không đói nghèo; không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không bất bình đẳng giới; không vi phạm chính sách dân số; không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học; sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp… các hội viên phụ nữ trong xã đã đi đầu trong thực hiện cuộc vận động này, đồng thời vận động mọi người cùng tham gia.

Hội Phụ nữ xã xác định công tác tuyên truyền là “chìa khóa” để cuộc vận động đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Trong số 8 tiêu chí của cuộc vận động, xác định tiêu chí “3 sạch” là nội dung khó, nên Hội Phụ nữ đã đẩy mạnh tuyên truyền hội viên, nhân dân trong việc xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn.

Từ thực tế\ xã Xuân Thượng không xử dụng lò đốt rác thải mà xử lý rác bằng hình thức chôn lấp trên tại bãi rác với diện tích khoảng 11.000m2, cán bộ Hội Phụ nữ đã tới từng nhà dân để tuyên truyền, vận động ký cam kết về việc phân loại rác thải tại gia đình. Tính đến tháng 12/2022, toàn xã đã hỗ trợ lắp trên 1.000 nắp hố xử lý rác thải, đặt 400 thùng rác tại các trục đường giao thông. Hiện đã có trên 98% số hộ dân trên địa bàn xã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và bỏ rác vào thùng rác theo quy định, giúp lượng rác thải sinh hoạt thu gom của xã giảm 2/3 so với trước khi thực hiện cuộc vận động này (lượng rác thải khoảng 60 tấn/năm).

Bà Vũ Thị Nga, ở xóm 10, xã Xuân Thượng cho hay, từ khi thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, gia đình được cán bộ hội phụ nữ hướng dẫn cách phân loại, xử lý rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng thực phẩm an toàn. Khi chưa phân loại rác thải từ một đến hai ngày gia đình phải đổ rác một lần nhưng từ khi thực hiện phân loại rác chỉ còn lại lượng nhỏ rác vô cơ phải mang ra điểm tập kết tập trung để đưa đi xử lý, còn rác hữu cơ đã được ngâm ủ làm phân bón cho cây vừa sạch nhà, vừa tiết kiệm đáng kể số tiền mua phân bón cho cây trồng.

Thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã năm 2022 còn 0,09%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn 9,51%. Năm 2021, có 7/9 xóm đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng Hoàng Cường đánh giá, các phong trào, hoạt động của Hội Phụ nữ các cấp, đặc biệt là việc phân loại rác thải tại nguồn có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hoàn thành các tiêu chí về môi trường, cảnh quan xây dựng nông thôn mới.

Người dân xóm 10, xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường (Nam Định) phân loại, xử lý rác tại nguồn. Ảnh: Nguyễn Lành

Nâng cao chất lượng đời sống

Nam Định là một trong những địa phương tiêu biểu trong việc thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Tất cả Hội Phụ nữ các cấp trong tỉnh đều triển khai hiệu quả các tiêu chí của cuộc vận động này với những cách làm linh hoạt, phù hợp, sáng tạo như: Phân loại, xử lý rác thải tại nguồn; vận động phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế; phong trào trồng, chăm sóc hoa trên các tuyến đường giao thông; phát động Cuộc thi “101 cách làm hay của Phụ nữ Nam Định tham gia xây dựng nông thôn mới”…

Hội Phụ nữ các cấp đã trồng, duy trì 2.500 tuyến đường hoa, với tổng chiều dài trên 2.600 km. 100% Hội Phụ nữ đều triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn với gần 300.000 hộ dân tham gia. Hội Phụ nữ các cấp cũng đã tặng gần 75.000 nắp đậy hố ủ, thùng chứa rác cho các gia đình. Gần 800 hộ dân trong tỉnh được vay vốn từ Quỹ Hội Phụ nữ, với số tiền gần 8 tỷ đồng, để xây dựng công trình vệ sinh, phát triển kinh tế.

Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có trên 4.000 hộ nghèo được Hội Phụ nữ hỗ trợ vốn, kiến thức, kinh nghiệm phát triển kinh tế. Hội Phụ nữ các cấp phối hợp với ngân hàng hỗ trợ gần 237.000 hội viên vay vốn phát triển kinh tế, với tổng dư nợ trên 2.600 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có trên 54.670 hội viên được mua thẻ bảo hiểm y tế theo mô hình phụ nữ tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế, góp phần nâng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt 92,6%.

Các cấp Hội Phụ nữ đã triển khai nhiều Chương trình thiết thực như: “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, thăm hỏi, giúp đỡ gia đình chính sách, hỗ trợ nhân dân các vùng bị ảnh hưởng dịch COVID-19; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống với tổng số tiền trên 210 triệu đồng; Chương trình “Mẹ đỡ đầu”, trực tiếp nhận đỡ đầu, nuôi dưỡng 211 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền gần 760 triệu đồng…

Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định Nguyễn Thị Minh Hà khẳng định: Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” không chỉ làm thay đổi tư duy của hội viên trong việc xây dựng nếp sống văn minh, mà còn thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại địa phương.

Hiện nay, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” tiếp tục được các cấp hội thực hiện với những mục tiêu cao hơn nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Năm 2022, Hội Phụ nữ thực hiện mô hình điểm “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” với nội hàm cao hơn so với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” ở tất cả các huyện, thành phố nhằm tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và đô thị văn minh gắn với tuyên truyền thực hiện nội dung vun đắp giá trị gia đình Việt Nam “An toàn, trách nhiệm, thịnh vượng và bình đẳng”…

Thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp tập trung tuyên truyền, hướng dẫn hội viên thực hiện hiệu quả các tiêu chí mới “5 có” đó là: Có ngôi nhà an toàn; có sinh kế bền vững; có sức khỏe; có kiến thức; có nếp sống văn hóa. Sau khi đánh giá hiệu quả của mô hình điểm “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch”, Hội Phụ nữ sẽ nhân rộng ở tất cả các cơ sở hội trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, Hội Phụ nữ các cấp tăng cường phối hợp phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, đơn vị trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình văn hóa..