Hiệu quả mô hình trồng cây ăn quả của Hợp tác xã Đồng Din

Chào mừng 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021)

BVR&MT – Với khát khao mãnh liệt đưa trái khóm (dứa, thơm) vươn lên một tầm cao mới, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường xuất khẩu. Hợp tác xã nông nghiệp Đồng Din (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên) đã mạnh dạn thay đổi tư duy, phương pháp sản xuất để thực hiện hóa ước mơ đưa nông sản quê nhà bay xa.

Xem thêm:

Trò truyện cùng Nhà bảo tồn đầu tiên của Việt Nam đạt giải “Nobel xanh”

Bamboo Capital: Phát triển kinh tế phải song hành với phát triển cộng đồng

Nữ giảng viên từ bỏ ước mơ giảng đường khởi nghiệp với tre

Mô hình điểm dinh dưỡng học đường: Giáo viên và phụ huynh mong muốn tiếp tục triển khai

TH tạo nguồn năng lượng xanh từ mái nhà trang trại công nghệ cao đạt kỷ lục thế giới

Hợp tác xã (HTX) khóm Đồng Din được thành lập năm 2018, nhờ sự hỗ trợ tích cực từ các Sở, ban nghành tỉnh huyện mà đến nay đã thu hút được nhiều hội viên tham gia, diện tích trồng khóm mở rộng lên đến hơn 500 ha. Nằm trải dài hai bên suối Cái qua các xã Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc và thị trấn Phú Hòa, nơi luôn được thiên nhiên ưu ái ban tặng mọi điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng đảm bảo cho sự sinh trưởng, phát triển của khóm.

Sản phẩm khóm Đồng Din được nghiên cứu giống nghiêm ngặt, cho hiệu quả năng suất cao.

Không chỉ phát huy thế mạnh từ điều kiện tự nhiên sẵn có, bà con nơi đây còn áp dụng hiệu quả kỹ thuật kích trái chủ động, bởi vậy, khóm ở Phú Hòa cho thu hoạch trái quanh năm. Bên cạnh sự nghiêm khắc trong khâu chọn lọc nguồn giống, HTX Đồng Din còn nghiên cứu giống để nhân bản loại giống chất lượng, cho hiệu quả năng suất cao. Qua chọn lọc, khảo nghiệm kỹ càng, hơn 10 loại dứa mới có thể tìm được 2 giống tốt nhất để áp dụng đưa vào sản xuất.

Dựa theo năng lực vốn có, sẵn sàng cung cấp ra thị trường trên chục tấn trái cây và hàng ngàn cây giống. HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din luôn xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, đã từng ký nhiều hợp đồng tiêu thụ với các đại lý trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, định hướng cho thành viên tham gia mô hình HTX thực hiện trồng và chăm sóc cây theo tiêu chuẩn sạch, tăng cường sử dụng chất hữu cơ thay cho việc sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đảm bảo sản phẩm khóm của HTX theo đúng tiêu chuẩn VietGAP đem lại niềm tin về nông sản an toàn cho người tiêu dùng. Qua đó, không chỉ tăng cường sự gắn bó tình lãng nghĩa xóm mà còn tạo nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên tham gia hợp tác xã trên 100 triệu đồng/ ha mỗi năm.

Sản phẩm bánh khóm Đồng Din.

Không thể phủ nhận hiệu quả từ phương thức canh tác sản xuất nông nghiệp theo hướng tự thân truyền thống. Nhưng thực tế cho thấy, hiệu quả kinh tếcây trồng từ phương pháp sản xuất manh mún, nhỏ lẻ này không cao, thậm chí còn phải đối mặt với nhiều rủi ro từ năng suất, chất lượng cho đến đầu ra, bao tiêu sản phẩm.

Đứng trước những vướng mắc đó, chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Bảo vệ Rừng và Môi trường, ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Cây ăn quả Đồng Din cho hay: “Phương án điều hành sản xuất nông nghiệp theo hình thức tập thể là một điều còn khá bỡ ngỡ với những người nông dân như tôi. Nhưng được sự tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp chính quyền và các cơ quan chuyên môn đã giúp tôi làm quen dần với việc duy trì hoạt động của Hợp tác xã. Ngay sau khi thành lập, tôi cùng với Ban quản trị HTX đã dần xây dựng phương án hoạt động phù hợp, kết hợp với tuyên truyền, thu hút thành viên để có thể tập hợp, trao đổi, hỗ trợ, tập trung phát triển theo 3 mũi nhọn: Chắt lọc nguồn giống, áp dụng công nghệ và xây dựng thương hiệu. Đây chính là nền tảng vững chắc thúc đẩy gia tăng sản xuất, cải thiện việc làm và tích cực hỗ trợ HTX đẩy mạnh kinh doanh, tăng doanh thu, gián tiếp xây dựng kinh tế tỉnh nhà bền vững, đồng thời góp phần đưa sản phẩm nông sản Việt vươn tầm thế giới”.

Chỉ phát triển trái tươi thôi chưa đủ, nhằm đa dạng hóa và tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu, HTX Đồng Din đã đầu tư thêm dàn máy móc với những thiết bị hiện đại để tạo ra các sản phẩm tiêu dùng như bánh khóm, mứt khóm và nước ép khóm. Hiện các sản phẩm này đều được ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, được cấp chứng nhận ISO 9001-2015 và HACCP đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

HTX Đồng Din đã đầu tư thêm dàn máy móc với những thiết bị hiện đại để tạo ra các sản phẩm tiêu dùng như bánh khóm, mứt khóm và nước ép khóm.

Có thể nói rằng, nếu trước đây ước mơ đưa nông sản Việt ra ngoài thế giới của các HTX chỉ là khát vọng xa vời thì bây giờ, điều đó hoàn toàn trong tầm tay bởi sự thay đổi đúng hướng, bắt nhịp kịp thời từ tư duy đến cách làm đã giúp các HTX mở được cánh cửa sáng ra thị trường tiêu thụ quốc tế rộng lớn.

Định hướng phát triển rõ ràng, nghĩ lớn nhưng làm từng bước nhỏ là hướng đi của HTX Nông Nghiệp Đồng Din mà cho đến nay, cách làm này vẫn đang mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Bằng chứng là, sau nhiều năm nỗ lực và không ngừng vươn lên, hiện các sản phẩm khóm của HTX Đồng Din không chỉ phủ rộng trong nước, mà còn được cấp Quota xuất khẩu sang Nga với hai mặt hàng chủ lực là khóm sấy và bánh khóm. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy, không chỉ HTX Đồng Din mà còn nhiều HTX khác trên toàn quốc hoàn toàn có đầy đủ năng lực tự tin để biến ước mơ “toàn cầu hóa nông sản Việt” thành sự thật.

Kiều Oanh