Hiểu đúng về “sống chung với dịch”

BVR&MT – Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho rằng, chúng ta cần thay đổi nhận thức. Bên cạnh đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát dịch bệnh, cần xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh; không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp…

Công nhân Công ty TNHH JNTC Vina (Khu công nghiệp Thụy Vân, tỉnh Phú Thọ) trong giờ làm việc. Ảnh: ANH THƠ

Vậy, hiểu việc sống chung lâu dài với dịch là thế nào và làm thế nào để có thể an toàn trong đại dịch?

Biến thể Delta làm thay đổi ván cờ. Trước đây, với cách truy vết triệt để, truy vết ba vòng về cơ bản có thể đuổi kịp tốc độ lây của vi-rút và từ đó khống chế dịch triệt để. Nhưng với biến thể Delta, lây nhiễm có thể có từ hai ngày trước khi có triệu chứng và thời gian đào thải vi-rút lâu hơn trước đây. Ngoài ra, chỉ cần 24 giờ sau khi phơi nhiễm đã có thể dương tính và 36 tiếng có thể tiếp tục lây nhiễm khiến cho tốc độ truy vết không thể kịp tốc độ lây lan. Việc xét nghiệm diện rộng có thể phát hiện ra khu vực lây nhiễm nhưng xét nghiệm càng nhiều mẫu thì càng có độ trễ cao, làm chậm quá trình truy vết và khả năng bỏ sót đối tượng dương tính.

Hiện tại, người dân đã thực hiện các biện pháp cách ly triệt để quá lâu, chưa nói đến việc phải song song phát triển kinh tế, an sinh xã hội trong khi vẫn bảo đảm phòng, chống dịch. Chính vì vậy, chúng ta cần có giải pháp phù hợp hơn như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, sống chung với dịch không có nghĩa là mặc kệ cho nhiễm bệnh thoải mái. Y tế của Việt Nam sẽ không thể chống chọi được khi số mắc và tỷ lệ tử vong tiếp tục tăng, thậm chí làm cho những người mắc bệnh khác cũng tử vong do không còn chỗ điều trị trong bệnh viện.

Bệnh Covid-19 thực tế chỉ chiếm khoảng hơn 50% số người nhiễm, đây là những người nhiễm và có biểu hiện triệu chứng, trong khi một phần khá lớn còn lại nhiễm nhưng không có biểu hiện triệu chứng gì, nhất là những người đã tiêm vắc-xin thì tỷ lệ không triệu chứng còn cao hơn nữa. Một số người còn miễn nhiễm hoàn toàn với bệnh sau khi đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin.

Vì vậy, khi tỷ lệ tiêm phòng ở mức thấp, việc áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt là cần thiết để bảo vệ đối tượng nguy cơ cao, nhưng nếu những đối tượng nguy cơ cao đều đã tiêm phòng đầy đủ thì có thể nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa. Đây chính là cơ sở để các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao điều chỉnh chiến lược phòng, chống dịch.

Khi dịch ở quy mô nhỏ và đang khống chế tốt, việc tiêm phòng theo thứ tự ưu tiên như Nghị quyết 21 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19 nêu là phù hợp; nhưng khi dịch lan rộng, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là nhóm người già, người có bệnh lý nền, nhóm này cần bảo vệ trước tiên nếu không muốn tỷ lệ tử vong tăng vọt. Việc dồn vắc-xin vào các thành phố lớn cũng không nằm ngoài mục tiêu này, bảo vệ cho các vùng đông dân cư và dễ tổn thương trước, bởi những vùng này nếu giữ được thì các vùng khác sẽ an toàn.

Những ngày qua, các địa phương đã quyết liệt, đẩy mạnh triển khai nghiêm túc các biện pháp giãn cách xã hội, khẳng định chủ trương lấy xã phường làm pháo đài, người dân làm chiến sĩ trong phòng, chống dịch là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Hoạt động tăng cường giãn cách xã hội đã đạt được những kết quả nhất định, số lượng người dân di chuyển trên đường phố giảm rõ rệt. Đặc biệt, ở cấp độ xã phường, chiến lược này đang phát huy hiệu quả.

Thế nhưng đâu đó vẫn có những trường hợp tản phát thậm chí là các ổ dịch tại những khu dân cư đông đúc, điều kiện vệ sinh thấp kém. Theo nguyên tắc, nếu “đóng băng” các ổ dịch đủ lâu, vượt quá thời gian ủ bệnh tối đa (14 ngày) thậm chí gấp hai lần thời gian đó thì chắc chắn kết thúc dịch. Thế nhưng, thực tế lại không đơn giản vậy, bằng cách lây truyền gián tiếp, lây truyền thông qua những đối tượng di chuyển nhiều, các ổ dịch tiếp tục được duy trì bất chấp mọi nỗ lực của chính quyền và ngành y tế.

Trong khi tìm mọi cách bảo vệ các vùng xanh thông qua biện pháp ngăn chặn, thì ngay chính trong vùng xanh lại xuất hiện sơ hở thông qua việc những lái xe luồng xanh trở về từ vùng dịch đã không tuân thủ tốt các hướng dẫn và mang dịch về hay đơn giản hơn là có thành viên nào đó trong cộng đồng đã vô tình bị nhiễm khi đi làm, rồi lây cho gia đình và toàn bộ người chung quanh khi “ngoài chặt mà trong lỏng”.

Mặt khác, chúng ta đang dồn lực sai chỗ, tiến hành xét nghiệm hàng loạt trong khi lại bỏ sót nhóm nguy cơ, chưa nói đến việc mất an toàn trong chính các buổi lấy mẫu, tiêm chủng dẫn tới những trường hợp “chưa hề đi đâu khỏi địa phương” mà vẫn nhiễm vi-rút, mắc bệnh.

Vậy, sống chung với dịch nhưng an toàn là thế nào? Bài học kinh nghiệm từ những địa phương đến giờ vẫn xanh là phải bảo đảm ngăn chặn tốt từ bên ngoài thông qua sự vào cuộc của từng người dân. Mọi đối tượng về từ bên ngoài (tỉnh ngoài, đặc biệt là vùng có dịch) đều có thể có nguy cơ, kiểm soát dựa vào nguy cơ chứ không phải chỉ đánh giá dựa vào tờ xét nghiệm âm tính. Tiếp đến là làm chặt bên trong, muốn an toàn thì tổ Covid cộng đồng phải thực sự hoạt động. Thực tế là khi dịch xảy ra, nơi nào tổ Covid cộng đồng còn hoạt động tốt thì nơi đó an toàn, dù có dịch cũng được dập tắt nhanh, nơi nào hoạt động cầm chừng, làm hình thức thì nơi đó có dịch.

Với vùng xanh, việc di chuyển chỉ cần bảo đảm an toàn trong cung đường, bảo đảm 5K là đủ nhưng khi di chuyển giữa các vùng nguy cơ khác nhau thì việc giám sát hành trình, bảo đảm chỉ đến đúng điểm xác định cần cả phương tiện giám sát lẫn ý thức của người ra đường. Nhà máy, xí nghiệp có thể tổ chức ba tại chỗ nhưng không phải lúc nào cũng làm được vậy, vì thế nên di chuyển khác vùng nguy cơ cần có sự kiểm soát.

Như vậy, trong khi chúng ta vẫn đang phải nỗ lực tăng cường tỷ lệ bao phủ vắc-xin thì việc tiếp tục thực hiện các biện pháp triệt để vẫn phải thực hiện. Vấn đề là phải vận dụng các chiến lược này một cách linh hoạt chứ không phải máy móc. Việc cụ thể hóa các chiến lược cũng như tăng cường giám sát hỗ trợ từ các cấp sẽ giúp những chiến lược này dễ tiếp cận hơn và sớm đem lại sự bình thường mới cho Việt Nam.

Trong công tác điều trị, ngoài hệ thống bệnh viện dã chiến, bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 cần đẩy mạnh hơn nữa hệ thống hỗ trợ từ xa, bác sĩ tư vấn và hỗ trợ điều trị tại nhà cùng hệ thống bác sĩ gia đình. Kết quả hoạt động từ mạng lưới này cho thấy chỉ một tỷ lệ rất nhỏ khoảng 1% số người được hỗ trợ bị chuyển nặng và phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện, còn lại đều vượt qua được. Việc kiện toàn mạng lưới tư vấn viên cho người bệnh, mạng lưới bác sĩ gia đình có thể giúp sớm tiếp cận người bệnh và cứu chữa kịp thời.

Thời gian qua, hàng trăm nghìn F0 đã được hỗ trợ qua hệ thống tổng đài 1022 nhánh 4 Thầy thuốc đồng hành. Thực tế là hiệu lực của thuốc chỉ là 30%, 70% còn lại là chăm sóc bệnh nền, dinh dưỡng, thể dục và nhất là sức khỏe tâm lý. Mô hình chăm sóc sức khỏe tại nhà, theo dõi từ xa và đội ngũ bác sĩ gia đình rất cần được ưu tiên đầu tư trên toàn quốc.

Còn chiến lược tổng thể ứng phó dịch phải có sự vào cuộc của toàn bộ các tỉnh, thành phố và các bộ, ngành cùng sự phối hợp trong công cuộc cải tổ số hóa. Tình trạng cát cứ số liệu hiện vẫn phổ biến và chưa hề được quan tâm đúng và đủ, rồi mạnh ai nấy làm…

Như việc đi ra ngoài có tới vài phần mềm theo dõi nhưng các phần mềm lại không chung cơ sở dữ liệu dẫn tới việc mất theo dõi; hay yêu cầu khai báo khi mua thuốc, khi đến các điểm tập trung nhưng đến giờ vẫn chưa thống nhất được phần mềm, cơ sở dữ liệu và cách triển khai khiến cho bài toán kiểm soát dịch tổng thể hoàn toàn mất phương hướng và khi có sự cố lây nhiễm không thể truy được nguồn gốc cũng như những người đã có thể bị lây nhiễm khi đến các điểm tập trung đó.

Hạ tầng thông tin không thể một đơn vị làm được nhưng phải có sự vào cuộc của người đứng đầu nhằm giúp tập hợp hàng nghìn bộ óc và từ đó sẽ có sản phẩm là nền tảng cho việc giám sát… Sẽ không có chiến lược tổng thể tốt nếu bắt đầu bằng số liệu sai, số liệu dỏm và số liệu phân mảnh.