Hiệp ước toàn cầu mới: Góp phần thúc đẩy sáng kiến quản lý ô nhiễm nhựa ở châu Á

BVR&MT – Ngày 25/10/2021, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Singapore đã công bố báo cáo “Hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa: Góc nhìn từ châu Á”. Theo đó, một hiệp ước toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa đại dương sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng, hệ sinh thái và các nền kinh tế ở châu Á, đưa ra các giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa vốn đang gây các tác động nghiêm trọng trong khu vực

“Hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa: Góc nhìn từ châu Á”

Các đại dương trên thế giới vẫn tiếp tục chứa đầy rác thải nhựa mặc cho những nỗ lực nâng cao nhận thức và kiến thức hiện nay của các quốc gia. Số lượng rác được thải ra môi trường và đại dương ngày càng tăng, từ đó gây ra các tác động trực tiếp đối với sức khỏe con người, hệ sinh thái biển và nền kinh tế.

Rùa biển vướng phải rác thải nhựa (ảnh: Troy Mayne/WWF).

Dù đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa toàn cầu, nhưng châu Á lại là khu vực chịu tác động nặng nề nhất. Nguyên nhân là do các hoạt động sản xuất nhựa tăng cao, nền kinh tế phát triển nhanh, thiếu cơ sở hạ tầng quản lý chất thải và hoạt động nhập khẩu chất thải nhựa. Hiện có hơn 200 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm trên thế giới, với 41% trong số đó không được xử lý đúng cách (đốt hoặc xả ra ngoài môi trường) ở một số quốc gia. Bên cạnh đó, năm quốc gia xả rác thải nhựa xuống biển nhiều nhất đều thuộc khu vực châu Á, chiếm hơn 50% lượng rác thải nhựa đại dương trên toàn cầu.

Báo cáo: “Hiệp ước mới về ô nhiễm nhựa: Góc nhìn từ châu Á” đã tập trung vào góc nhìn của châu Á – một khu vực đa dạng, đang chịu nhiều tác động gây ra bởi vòng đời của nhựa. Do đó, các chính phủ ở châu Á đang tích cực hành động để ngăn chặn cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa trên phạm vi quốc gia và khu vực. Báo cáo phân tích những thách thức và nhu cầu của các quốc gia ở châu Á, cũng như điểm qua các giải pháp hiện có. Sau khi xác định các chủ đề chung và trình bày nhiều quan điểm khác nhau để cung cấp thông tin thảo luận cho Hiệp ước quốc tế, báo cáo cho rằng quan điểm và mối quan tâm của các quốc gia châu Á được phản ánh trong các yếu tố của hiệp ước toàn cầu mới về ô nhiễm nhựa.

Để thực hiện nghiên cứu tìm hiểu quan điểm ở châu Á về hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa, nhóm tác giả đã thu thập thông tin từ các quốc gia, gồm Bhutan, Brunei, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Maldives, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan, Timor Leste và Việt Nam. Dựa trên kết quả trả lời bảng câu hỏi của đại diện các quốc gia: Bhutan, Indonesia, Lào, Malaysia, Maldives, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Thái Lan và Việt Nam, báo cáo đã xác định được các khó khăn hiện nay, biện pháp đã triển khai, giá trị có thể nhận được từ hiệp ước toàn cầu mới, và quan điểm của các nước về hiệp ước này. Nội dung báo cáo cũng đã được tổng hợp với kết quả của các nghiên cứu sẵn có, kể cả đối với các quốc gia không trả lời bảng câu hỏi. Trong phần trả lời bảng câu hỏi, đại diện của các nước tập trung vào các chủ đề khác nhau và thận trọng chia sẻ quan điểm của quốc gia về các yếu tố có thể có trong hiệp ước. Báo cáo nêu ra các chủ đề chung đã được xác định và làm rõ câu trả lời của các quốc gia được chọn.

Ở khu vực châu Á, làn sóng ủng hộ hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm ngày càng tăng mạnh trong năm 2021. Vào cuối tháng 9/22021, 6 trong số các quốc gia châu Á được đề cập trong báo cáo này, gồm Maldives, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đông Timor và Việt Nam đã ký “Tuyên bố về ô nhiễm nhựa ngày đại dương”, công khai ủng hộ việc đàm phán một thỏa thuận toàn cầu mới có tính ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa. Các quốc gia cam kết nỗ lực để thành lập một Ủy ban đàm phán Liên chính phủ vào tháng 2/2022. Vào tháng 7/2022, Nhật Bản đã chính thức tuyên bố ủng hộ việc thành lập ủy ban này.

Tháng 9/2021, Việt Nam cùng với CHLB Đức, Ecuador và Ghana đồng tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về rác thải Đại dương và ô nhiễm nhựa tại Geneva và trực tuyến. Hội nghị đã góp phần thúc đẩy các đối thoại cấp cao về một thỏa thuận toàn cầu mới nhằm liên kết và nâng tầm các nỗ lực và hành động cấp quốc gia cũng như cấp vùng theo một khuôn khổ và chiến lược nhất quán toàn cầu, trước thềm cuộc họp của Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) vào tháng 2/2022. Trong 3 năm qua, Việt Nam đã và đang từng bước tăng cường các cam kết quốc gia và ủng hộ hợp tác quốc tế trong nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Chính phủ Việt Nam cũng đã thông qua chiến lược phát triển kinh tế biển hài hòa với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển với các mục tiêu cụ thể tới 2030, trong đó bao gồm “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”.

Giá trị và lợi ích mà hiệp ước đem lại cho khu vực châu Á

Mặc dù các nước châu Á đã thực hiện một số biện pháp quan trọng ban đầu để giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương, nhưng nỗ lực đó là không đủ để chấm dứt việc xả rác và vi nhựa ra đại dương. Với khung pháp lý quốc tế mới, các quốc gia sẽ dễ dàng triển khai những hành động cấp thiết như mở rộng quy mô các mục tiêu, thực hiện hiệu quả các kế hoạch hành động và biện pháp bổ sung để tạo tiền để cho việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn cho ngành nhựa.

Một hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa sẽ góp phần thúc đẩy nỗ lực của quốc gia và khu vực, từ đó mang lại lợi ích cho các quốc gia châu Á. Không những vậy, quá trình đàm phán quốc tế còn tận dụng được kinh nghiệm triển khai các giải pháp đã có tại quy mô khu vực và quốc gia.

Không những vậy, việc kết hợp một số biện pháp có liên quan, hiện đang được áp dụng tại châu Á vào trong hiệp ước quốc tế này có thể giúp xây dựng một môi trường cạnh tranh bình đẳng, loại bỏ các rào cản thương mại, chuẩn hóa các hành động cấp quốc gia theo một khuôn khổ quốc tế toàn diện và gia tăng hiệu quả triển khai. Chẳng hạn, rất nhiều quốc gia ở châu Á đang trong quá trình thảo luận, chuẩn bị, thông qua hoặc thực hiện các kế hoạch hành động quốc gia về ô nhiễm nhựa đại dương hoặc giải quyết ô nhiễm nhựa đại dương, hướng đến mục tiêu xa hơn là giảm thiểu ô nhiễm nhựa hoặc bảo vệ môi trường biển. Ngoài ra, đa số các nước trong khu vực cũng đã ban hành chính sách hay quy định pháp luật nhằm loại bỏ một số sản phẩm nhựa dùng một lần. Cuối cùng, rất nhiều quốc gia ở châu Á đã có các cách tiếp cận sáng tạo nhằm kêu gọi sự tham gia của ngành công nghiệp, đặc biệt là thông qua các cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Cơ chế này có thể được đưa vào nội dung của hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý nhằm đảm bảo quá trình thực thi linh hoạt theo điều kiện từng quốc gia, bởi một giải pháp duy nhất áp dụng cho mọi hoàn cảnh là điều không khả thi.

Một hiệp ước toàn cầu mới có thể mang lại giá trị gia tăng cho các nước châu Á, đặc biệt là các nước đang phát triển. Chẳng hạn, các yếu tố thảo luận có thể bao gồm mục tiêu giảm thiểu toàn cầu và quốc gia, kế hoạch hành động quốc gia và khu vực, các yêu cầu loại bỏ sản phẩm nhựa dùng một lần, các cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, các quy định về nghiên cứu và giảm tác động của vi nhựa, quá trình thiết lập nền tảng hợp tác giữa nhà nghiên cứu và người lập chính sách, cơ chế hỗ trợ, cũng như khuôn khổ giám sát và báo cáo.

Nội dung của hiệp ước về ô nhiễm nhựa toàn cầu được kỳ vọng sẽ xoay quanh việc xây dựng nguyên tắc phòng ngừa, nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt và nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Qua đó, thỏa thuận này sẽ góp phần thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên vòng đời của nhựa, tạo tiền đề cho việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, việc hiệp ước về ô nhiễm nhựa toàn cầu có mang lại giá trị hay không sẽ phụ thuộc vào quá trình xác định các yếu tố kết hợp các định hướng sau đây: thứ nhất, hiệp ước mới cần phải thúc đẩy hành động quốc gia và hỗ trợ các quốc gia trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp phù hợp; thứ hai, hiệp ước cần có tính linh hoạt, tôn trọng hoàn cảnh và năng lực quốc gia, đặc biệt là quốc gia đang phát triển; thứ ba, hiệp ước phải đảm bảo trách nhiệm của các nước xuất khẩu và ngành nhựa trong việc phát triển các giải pháp thay thế bền vững và quản lý chất thải thân thiện với môi trường; cuối cùng, hiệp ước mới cần tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng và chia sẻ kiến thức, cũng như hỗ trợ thực thi.