Hiệp định VPA/FLEGT: Ứng dụng công nghệ cao trong truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp

BVR&MT – Ngày 10/10, Bộ NN&PTNT và Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam (Vifa) tổ chức Hội thảo tham vấn “Khả năng ứng dụng công nghệ cao trong truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp góp phần thực hiện VPA/FLEGT”.

PGS.TS Triệu Văn Hùng – Chủ tịch Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam
PGS. TS Triệu Văn Hùng – Chủ tịch VIFA phát biểu khai mạc.

Tham dự hội thảo có: Ông Lê Công Lương – Chánh Văn phòng Liên hiệp Hội Việt Nam (Vusta); ông Hứa Đức Nhị – Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, bà Nguyễn Tường Vân – Phó vụ trưởng Vụ KHCN&HTQT, Tổng cục Lâm nghiệp; PGS. TS Triệu Văn Hùng – Chủ tịch VIFA cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực lâm nông nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Triệu Văn Hùng cho biết: “Gỗ và sản phẩm và là ngành hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam và liên tục tăng trưởng cao trong thập kỷ qua. Kinh ngạch suất khẩu tăng từ 3,4 tỷ USD năm 2010 lên 8,432 tỷ USD vào năm 2017. Năm 2019 ước đạt 10,4 tỷ USD đứng thứ hai Châu Á và thứ 5 thế giới, cả nước hiện có khoảng hơn 4.500 doanh nghiệp chế biến gỗ. Hội thảo mở ra cơ hội cho các nhà khoa học bàn luận về việc ứng dụng công nghệ nào và ở giai đoạn nào để xác định gỗ hợp pháp và trong quản lý chuỗi hành trình xuất, nhập khẩu gỗ để quản lý tốt nhất gỗ hợp pháp góp phần thực hiện VPA/FLEGT”.

Tại Hội thảo các nhà khoa học đã tìm hiểu về Hiệp định VPA/FLEGT. Trong đó Liên minh Châu Âu (EU) là một trong bốn thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam. Tháng 10 năm 2010, EU đã thông qua một quy chế mới về gỗ để chống lại các hoạt động buôn bán gỗ và các sản phẩm gỗ trái phép (gọi tắt là EUTR 995) và có hiệu lực và ngày 3/3/2013. Đây là một trong những hành động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động về tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản của EU.

Thông tin về Hiệp định VPA/FLEGT, bà Nguyễn Tường Vân – Phó vụ trưởng Vụ KHCN&HTQT, Tổng cục Lâm nghiệp đã trình bày bài tham luận về tiến trình thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT: Sau, 6 năm đàm phán, vào ngày 11/5/2017, Việt Nam và EU đã ký kết thúc đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT mở ra một giai đoạn mới trong việc hợp tác giữa hai bên nhằm chống khai thác gỗ trái phép, tăng cường quản trị rừng và thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp. Hiệp định đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPF/LEGT) được Chính phủ Việt Nam và EU ký vào tháng 10/2018. Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/6/2019 sau khi các bên hoàn tất các thủ tục phê chuẩn và phê duyệt Hiệp định.

Nội dung chính của Hiệp định VPA/FLEGT chính là Việt Nam cam kết xây dựng và vận hành Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp Việt Nam (viết tắt là VNTLAS). Trong quá trình thực hiện, Hiệp định VPA/FLEGT phù hợp với đặc điểm chuỗi cung của Việt Nam và quy định của EU để xác minh, truy xuất nguồn gốc gỗ trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Đây là căn cứ cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU.

Hiệp định VPA/FLEGT có 4 nội dung cam kết mới đòi hỏi Việt Nam phải điều chỉnh, bổ sung văn bản pháp luật để phù hợp với các quy định của quốc tế về truy xuất nguồn gốc gỗ, cụ thể: (i) Quản lý, kiểm soát gỗ nhập khẩu; (ii) Phân loại mức độ rủi ro doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung; (iii) Xác minh xuất khẩu; và (iv) Cấp phép FLEGT cho lô hàng xuất khẩu vào EU. Bộ NN và PTNT đã tham mưu cho Chính phủ trình quốc Hội luật Lâm nghiệp và đã được Quốc Hội thông qua ngày 15/11/2017 trong đó có một Chương về gỗ hợp pháp.

Tiếp đó, nhóm nghiên cứu đề tài về Tổng quan nghiên cứu và ứng dụng công nghệ thông tin trong truy xuất và quản lý nguồn gốc hàng hóa nông lâm sản, ông Hoàng Liên Sơn – Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Lâm nghiệp, Viện KHLN Việt Nam trình bày nội dung: Ứng dụng Công nghệ thông tin để tạo lập hồ sơ gỗ hợp pháp và truy xuất nguồn gốc gỗ bằng mã QR động và tĩnh sẽ giúp cho các doanh nghiệp cơ sở chế biến gỗ tuân thủ yêu cầu của Hiệp định VPA/FLEGT.

Căn cứ cụ thể, tại điều 69 Luật Lâm nghiệp “Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam” Quốc hội giao cho Chính phủ làm rõ điều luật này. Hiện nay Tổng cục Lâm nghiệp đang triển khai xây dựng Nghị định trong đó có nội dung xác định gỗ được gọi là hợp pháp? Câu hỏi được đặt ra là Ứng dụng công nghệ nào để xác định? và quản lý được chuỗi hành trình của gỗ hợp pháp? Công nghệ 4.0 sẽ mở ra cơ hội và tỏ ra có hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ cao vào việc xác định gỗ hợp pháp và quản lý chuỗi hành trình xuất nhập khẩu gỗ hợp pháp. Đây là cơ hội, tuy nhiên, cũng là thách thức lớn cho ngành lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cho việc xác định gỗ hợp pháp và quản lý chuỗi hành trình xuất nhập khẩu gỗ hợp pháp.

GS.TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp
GS. TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp.

Trao đổi với phóng viên báo Bảo vệ Rừng và Môi trường tại hội thảo Ứng dụng công nghệ cao trong truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp góp phần thực hiện VPA/FLEGT, GS. TS Lê Đình Khả, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp cho biết: Muốn xây dựng phát triển ngành Lâm nghiệp phải chọn được hướng đi đúng, hướng đi đấy phải phù hợp nhu cầu của người dân, nhu cầu của xã hội. Chúng ta thực hiện hiệp định để đảm bảo nguồn gỗ hợp pháp xuất khẩu ra nước ngoài. Muốn có đầu ra ổn định thì phải nghiên cứu các chính sách, thị trường. Hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp (FORRMIS) hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát được chuỗi cung quản trị được rủi ro thị trường và góp phần nâng cao hiệu lực thực thi Luật lâm nghiệp 2017 đối với nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Hội thảo bàn về xu hướng tất yếu của truy xuất nguồn gốc lâm sản để được hợp phát phù hợp với các hiệp định quốc tế. Đây là một yêu cầu nghiên túc và chính đáng của người tiêu dùng đối với các sản phẩm lâm sản trong và quốc tế đối với sản phẩm từ gỗ. Mục đích, dần loại bỏ những loại gỗ bất hợp pháp, tạo ra gỗ và sản phầm từ gỗ “sạch”, chống mất rừng và suy thoái rừng góp phần tích cực vào quản trị, quản lý rừng bền vững. Trong bối cảnh này, TW Hội KHKT Lâm nghiệp Việt Nam là cơ quan quy tụ những nhà khoa học kinh nghiệm trong lĩnh vực Lâm nghiệp đứng trước những thách thức to lớn đối với việc giám sát, đóng góp vào bối cảnh ngành Lâm nghiệp Việt Nam đang tiếp tục bứt phá để giành được nhiều thành công hơn trên mọi phương diện.

 Văn Trì