Hệ thống khuyến nông thôn bản – Nguồn lực quan trọng trong công tác xoá đói, giảm nghèo

BVR&MT – Với đặc thù là một tỉnh miền núi, giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ đói nghèo còn cao (tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Giang còn 34,53% theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020 của Chính Phủ); người nông dân của Hà Giang sống chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn, miền núi trực tiếp tham gia sản xuất nông lâm nghiệp là chủ yếu, chiếm trên 80 % dân số của tỉnh…

Cán bộ khuyến nông thôn bản huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang hướng dẫn người dân ủ chua thức ăn cho đàn gia súc.

Trong những năm qua, số hộ đói nghèo của Hà Giang được giảm dần qua các năm, trung bình giảm trên 4,74 %/năm. Để đạt được thành công đó, ngoài sự đầu tư cơ sở vật chất của Trung ương thông qua các chương trình, dự án; sự vào cuộc của các cấp, các ngành liên quan trong tỉnh còn có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ cán bộ khuyến nông viên thôn bản (KNTB).

Cho tới thời điểm hiện nay, toàn tỉnh Hà Giang có 1.941 cán bộ  KNTB (bình quân mỗi thôn bản có 01 cán bộ khuyến nông viên). Do đặc thù, KNTB là những người được tuyển chọn ở thôn bản, họ hoạt động công tác khuyến nông tại chính thôn bản mà họ sinh sống. Vì vậy, KNTB là những người có trình độ tiêu biểu, nổi bật trong quá trình sản xuất nông lâm nghiệp tại thôn bản. Cũng do đặc thù đó, cho nên KNTB là những người thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, điều kiện sản xuất, phong tục tập quán…của người nông dân tại thôn bản mà họ phụ trách. Vì vậy, đội ngũ KNTB chính là một cầu nối quan trọng để chuyển giao có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới tới người nông dân bằng hình thức “cầm tay, chỉ việc” từ những kiến thức mới về khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi mà họ tiếp thu được qua các chương trình tập huấn của Trạm Khuyến nông huyện và của Trung tâm Khuyến nông tỉnh cũng như qua kinh nghiệm thực tiễn về trồng trọt, chăn nuôi của chính gia đình mình.

Bên cạnh đó, nguồn thu nhập chính của người nông dân Hà Giang chủ yếu dựa vào nông nghiệp, cho nên công tác xoá đói giảm nghèo của Hà Giang phải khởi đầu từ sản xuất nông nghiệp. Xuất phát từ thực tiễn đó, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang luôn ưu tiên đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất và chất lượng cao vào sản xuất, từng bước nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Để triển khai và nhân rộng thành công các mô hình giống mới trong sản xuất thì đội ngũ KNTB đóng một vai trò nòng cốt và có tính quyết định. Vì họ chính là người vận động, gương mẫu đi đầu trong quá trình triển khai, nhân rộng diện tích cây trồng, vật nuôi giống mới có năng suất, chất lượng cao dần thay thế các giống cây trồng, vật nuôi giống cũ của địa phương có năng suất và chất lượng thấp.

Cho tới thời điểm hiện nay, trên địa bàn Hà Giang, các giống cây trồng mới như các giống lúa lai, ngô lai, đậu tương giống mới…. có năng suất cao gấp từ 1,7 – 2 lần so với các giống cũ của địa phương đã chiếm ưu thế trong sản xuất từ 65 – 70 % diện tích; các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm và thuỷ sản đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với tập quán chăn nuôi cũ của người dân từ 35 – 40 % là những minh chứng điển hình trong công tác xoá đói giảm nghèo của Hà Giang, trong đó có sự đóng góp thiết thiết thực và hiệu quả của đội ngũ cán bộ KNTB.

Theo đánh giá của Ngành Nông nghiệp – Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang: Đội ngũ KNTB là một lực lượng khuyến nông quan trọng ở cơ sở, họ là những người trực tiếp chuyển giao có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong quá trình trồng trọt và chăn nuôi tới người nông dân. Vì vậy, trong những năm qua đội ngũ cán bộ KNTB đã góp phần quan trọng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn. Vì vậy, đội ngũ KNTB  chính là một nguồn lực quan trọng trong quá trình xóa đói giảm nghèo của tỉnh trong giai đoạn  trước mắt cũng như lâu dài.

Văn Phú