Hệ lụy từ việc sử dụng ĐVHD chữa bệnh và các lựa chọn thay thế từ cây thuốc

Từ ngàn xưa, nhân loại đã dựa vào cây cỏ và động vật để cải thiện sức khỏe và tinh thần, thường là những loài sẵn có tại địa phương và trong tình trạng không bị đe dọa. Vốn tri thức về y học dân gian cũng vì vậy mà được tích lũy và truyền từ đời này qua đời khác, ngày càng được bồi đắp phong phú và hoàn thiện hơn.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), gần 80% dân số thế giới phụ thuộc vào nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu bằng các loại thuốc có nguồn gốc từ thực vật và động vật (Dale Hoiberg, 2007) và con số này tại Việt Nam là 75% (Nguyen Dao Ngoc Van, Nguyen Tap, 2008)…

Ngày nay, hệ thống y học dân gian này được gọi với thuật ngữ “y học cổ truyền”, trong đó các vị thuốc, bài thuốc tiếp tục khai thác mạnh các nguyên liệu có nguồn gốc từ động, thực vật hoang dã, đặc biệt là các loài động vật nguy cấp, quý, hiếm đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng như hổ, tê giác, voi, tê tê, gấu… Tuy nhiên, việc diễn giải sai nội dung gốc các bài thuốc cổ cùng nỗ lực quảng bá đầy vụ lợi của những nhà cung cấp bộ phận ĐVHD và các trang trại nuôi nhốt động vật đã làm sai lệch ít nhiều bản chất y học cổ truyền.

Dưới tác động của những lời đồn thổi, hầu hết các sản phẩm hoặc bộ phận ĐVHD quý, hiếm đều được mua bán trái phép với giá trên trời kèm theo nội dung quảng cáo về tác dụng bị thổi phồng như có thể điều trị ung thư và chữa mọi chứng nan y, vì vậy, ngày càng kích thích nhu cầu sử dụng của một bộ phận người dân có điều kiện trong xã hội. Chính hạn chế hiểu biết của phần lớn người tiêu dùng đối với các vị thuốc, bài thuốc sử dụng ĐVHD cùng niềm tin mù quáng vào hiệu quả điều trị bệnh đã khiến không ít người tiền mất tật mang, thậm chí đối mặt với rủi ro pháp lý do các sản phẩm ĐVHD quý, hiếm hiện đều được bảo vệ theo pháp luật Việt Nam và quốc tế. Do đó, cần hiểu đúng bản chất của các vị thuốc từ động vật trong y học cổ truyền và cân nhắc các lựa chọn thay thế từ các bài thuốc thảo dược có giá trị tương đương.

Ảnh: PanNature

Sử dụng các vị thuốc từ động vật trong y học cổ truyền: Hiểu sao cho đúng?

Mặc dù được đề cập trong các tài liệu cổ nhưng việc sử dụng bộ phận của các loài ĐVHD trên thực tế rất hạn chế so với các loại thảo dược. Thống kê cho thấy có hơn 5.000 loài thực vật được sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền ở Việt Nam nhưng chỉ 400 loài động vật được sử dụng trong các bài thuốc cổ truyền với 71 loài động vật bị liệt vào Sách Đỏ IUCN (Nguyen Dao Ngoc Van, Nguyen Tap, 2008). Trong y học cổ truyền Trung Quốc, số lượng loài động vật được sử dụng trong các bài thuốc chỉ khoảng 36 loài trong khi số lượng các loài thực vật được sử dụng lên tới 1.000 loài (Dale Hoiberg, 2007).

Từ xa xưa, trong kho tàng y học cổ truyền Phương Đông ở Trung Quốc và Việt Nam đã đề cập đến việc sử dụng một số vị thuốc là bộ phận của các loài động vật để làm thuốc như: mật ong, mẫu lệ (vỏ hàu), long đởm (mật của các loài gấu), xuyên sơn giáp (vảy tê tê), sừng tê giác, hải mã (cá ngựa), ô tặc cốt (mai mực)… Trong số này, mật gấu, vảy tê tê, sừng tê giác hiện được săn lùng hơn cả vì nhiều người tin rằng chúng có thể chữa ung thư và nhiều chứng nan y như những lời truyền khẩu. Tuy nhiên, liệu chúng có màu nhiệm tới vậy?

Mặc dù có dược tính nhất định, song trong hầu hết các trường hợp, việc sử dụng các vị thuốc liên quan đến mật gấu để chữa bệnh chỉ được lý giải theo lý luận cổ truyền Trung Quốc và cho tới nay có rất ít nghiên cứu xác minh hiệu quả lâm sàng của các bài thuốc này cũng như các sản phẩm thuốc y học cổ truyền Trung Quốc có thành phần động vật.

Ở Trung Quốc, mật gấu được dùng chủ yếu trong các bài thuốc hạ nhiệt, làm sáng mắt, tiêu độc và có hiệu quả trong việc làm sạch gan, giảm mỡ gan… Tuy nhiên, theo lý thuyết của y học cổ truyền Trung Hoa, mật gấu không có chức năng bảo vệ gan và không thể dùng để điều trị những rối loạn thị giác gây ra bởi gan và thận yếu. Bên cạnh đó, do vị rất đắng và tính hàn nên mật gấu rất dễ làm tổn thương tỳ, lách và dạ dày, vì vậy cần chống chỉ định cho những trường hợp yếu tỳ, lách, dạ dày hoặc có máu hàn.

Tại Việt Nam, dựa trên các tính năng và công dụng nhất định của mật gấu, nhiều thầy thuốc Đông Y cũng từng kê đơn mật gấu để điều trị bệnh, tuy nhiên, hiện tỷ lệ này đã giảm rất nhiều. Theo khảo sát năm 2019 của Tổ chức Động vật châu Á, 97% trong số hàng ngàn thầy thuốc và thành viên các chi hội Đông y được phỏng vấn cho biết họ đã không còn kê đơn mật gấu để điều trị bệnh  – đây là con số rất ấn tượng so với kết quả năm 2013 vẫn có khoảng 40% thầy thuốc Đông y kê đơn mật gấu cho bệnh nhân (Tổ chức Động vật Châu Á, 2019).

Riêng với những người mắc các chứng bệnh liên quan, theo hình thức văn hóa truyền khẩu, họ vẫn muốn được điều trị bằng mật gấu dù nhiều khi không hiểu rõ về các bài thuốc có sử dụng thành phần này. Họ dùng mật gấu đơn giản vì cho rằng mật là sản phẩm quý, hiếm, đắt đỏ, thời xưa vốn đã ưa dùng, vì vậy chắc chắn có tác dụng tốt mà không biết rằng hiện nay chủ yếu sản phẩm mật gấu có nguồn gốc từ nuôi nhốt, quá trình hút mật rất tàn bạo, dã man và ẩn chứa nhiều mầm bệnh do gấu bị nhiễm trùng dẫn đến áp-xe, tác dụng chữa bệnh của mật gấu cũng giảm đi nhiều. Chính niềm tin mơ hồ và nhận thức hạn chế như vậy đã khiến mật gấu trở thành món hàng được săn lùng, thôi thúc con người tìm kiếm, săn bắt, nuôi nhốt gấu để lấy mật bằng bất cứ giá nào. Hậu quả là khiến nhiều loài gấu suy giảm quần thể và đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.

Từ năm 2007, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) cảnh báo có 6/8 loài gấu trên thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng, chiếm 75% (IUCN, 2007). Đầu năm ngoái, Trung Quốc thậm chí cho phép sử dụng Tan Re Qing (Đàm Nhiệt Thanh), một loại thuốc tiêm có chứa mật gấu, sừng dê và ba loại thảo dược khác để điều trị các trường hợp nhiễm Covid-19 nghiêm trọng với nguồn mật chủ yếu từ các cá thể nuôi nhốt. Đáng chú ý là việc khuyến khích sử dụng mật gấu dù từ nguồn nuôi cũng không làm giảm áp lực đối với quần thể hoang dã và các nhà bảo tồn cho rằng không nên dựa vào các sản phẩm như mật gấu để chống lại một loại virus chết người có nguồn gốc từ chính ĐVHD.

Riêng tại Việt Nam, những năm gần đây, tín hiệu đáng mừng là người tiêu dùng không còn mặn mà với sản phẩm này nữa. Một nghiên cứu (Elizabeth O Davis, Diogo Veríssimo, 2021) mới công bố chỉ ra rằng chỉ chưa đầy 1% người dùng trong tổng số hơn 2.400 đối tượng khảo sát cho biết đã tiêu thụ mật gấu tự nhiên trong năm 2020, trong đó tỉ lệ sử dụng mật gấu thấp liên quan nhiều đến việc người dân không còn thấy giá trị chữa bệnh cao ở loại mật này, nhiều người cũng không quan tâm và khẳng định “sẽ không sử dụng mật gấu nữa” khi các trại nuôi gấu tại Việt Nam dần đóng cửa, đồng nghĩa với việc ngành công nghiệp mật gấu tại Việt Nam đang lụi tàn. Càng đáng mừng hơn khi 15,7% số người được hỏi nói rằng đã sử dụng loại thảo dược thay thế có tên là cây (cỏ) mật gấu để điều trị vết bầm tím và viêm nhiễm.

Với vảy tê tê, tương tự như mật gấu, Trung Quốc cũng cho phép sử dụng trong điều trị y học dù phạm vi sử dụng đã bị thu hẹp hơn, từ việc coi vảy tê tê là thành phần chính của y học cổ truyền Trung Quốc, nay vảy tê tê chỉ được đưa vào như một thành phần trong các loại thuốc độc môn. Vảy tê tê vì vậy vẫn được săn lùng làm thuốc và khiến loài tê tê trở thành loài động vật có vú bị buôn lậu nhiều nhất thế giới với ước tính 200.000 cá thể bị bán lấy vảy hoặc thịt mỗi năm (WildAid, 2021).

Thống kê của Tổ chức Wildlife Justice Commission (WJC) cho thấy trong khoảng thời gian từ năm 2016 – 2019, ước tính có khoảng 206,4 tấn vảy tê tê bị thu giữ từ 52 vụ buôn lậu trên toàn cầu, trong đó Việt Nam liên quan đến gần 70% các vụ thu giữ quy mô với 143,6 tấn vảy tê tê. Với niềm tin cho rằng vảy tê tê có thể chữa bách bệnh, một số người Việt Nam cũng săn lùng vảy tê tê và chấp nhận mua với giá cao, điều này vô hình trung đã biến Việt Nam vừa trở thành thị trường trung chuyển vảy tê tê sang các nước khác, vừa tiêu thụ tê tê. Xét về dược tính, vảy tê tê có vị mặn, tính hàn, chỉ giúp thông kinh lạc, trừ phong, hoạt huyết, tiêu nhọt, lợi tia sữa… chứ không phải là thần dược có thể chữa đái tháo đường, tăng cường sinh lực, điều trị ung thư, chữa viêm xoang… như nhiều lời đồn thổi. Thậm chí, nếu sử dụng không đúng cách còn có thể gây nguy hiểm bởi vảy tê tê vốn chứa độc tố và có thể gây ung thư.

Riêng với sừng tê giác, cao hổ, do nhu cầu sử dụng thúc đẩy săn bắn và buôn bán, số lượng hai loài này ngày càng suy giảm. Tính đến năm 2019, thế giới chỉ còn chừng 3.900 cá thể hổ hoang dã và khoảng 27.300 cá thể tê giác trong tự nhiên. Về mặt lý thuyết, sừng tê giác có vị đắng, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, dùng để điều trị các chứng như sốt cao, sốt phát ban, co giật…; còn cao hổ có vị cay, tính nóng, có tác dụng giảm đau, điều trị các chứng tê thấp, thoái hóa xương khớp… Tuy nhiên, các tác dụng chữa bệnh của sừng tê giác hay cao hổ cho tới nay vẫn dựa theo lời truyền miệng chứ chưa có nghiên cứu khoa học nào xác định tính hiệu quả trong điều trị bệnh, càng không thể trở thành thần dược có thể trị khỏi bệnh trong một thời gian ngắn. Thậm chí, năm 2019, tại Thành phố Hồ Chí Minh còn từng xảy ra trường hợp một bệnh nhân 22 tháng tuổi bị ngộ độc sừng tê giác sau khi được gia đình cho uống bột mài từ sừng tê để điều trị hạ sốt.

Điều đáng nói là các sản phẩm này chỉ là một vị thuốc chứ không phải là một bài thuốc nên việc sử dụng riêng lẻ sừng tê giác, cao hổ không có ý nghĩa nhiều trong việc điều trị bệnh, nếu có tác dụng thì chỉ là cá biệt. Trong Đông y không có bài thuốc nào dùng sừng tê giác độc vị (BS. Nguyễn Xuân Trung, 2019) và hiện Đông y hầu như không còn dùng các sản phẩm từ ĐVHD quý, hiếm để chữa bệnh nữa vì phần lớn chúng là các sản phẩm bất hợp pháp, nếu sử dụng sẽ vi phạm pháp luật và bị xử phạt rất nặng, có thể bị phạt tù tối đa 15 năm hoặc phạt tiền tối đa 2 tỷ đồng đối với cá nhân, 15 tỷ đồng đối với pháp nhân. Điều đáng nói là thay vì chịu nhiều rủi ro pháp lý và cả rủi ro sức khỏe nếu sử dụng không đúng vị, đúng bài cộng với việc phải bỏ ra một số tiền rất lớn để mua bán trái phép, chưa kể nhiều khi bị mua phải sừng giả, cao giả, người tiêu dùng có thể cân nhắc chuyển sang sử dụng các bài thuốc thay thế có nguồn gốc từ thảo dược, vừa lành tính, vừa rẻ hơn, hiệu quả lại tương đương như các bài thuốc sử dụng ĐVHD, qua đó góp phần bảo tồn các loài hoang dã và thế giới tự nhiên. Điều này cũng phù hợp với nguyên tắc của y học cổ truyền vốn hướng tới sự cân bằng trong cơ thể và cả sự cân bằng trong môi trường sinh thái. Nếu buộc phải sử dụng thành phần động vật làm thuốc thì những bộ phận này cũng chỉ nên đến từ những cá thể chết do nguyên nhân tự nhiên chứ không phải từ áp lực của con người, mọi sản phẩm trái tự nhiên đều không bền vững (Joshua Rapp Learn, 2021).

Cao hổ. Ảnh Doãn Hoàng

Các lựa chọn thay thế từ cây thuốc

Với nguồn cây cỏ phong phú và đa dạng, hệ thống y học cổ truyền nói chung và Việt Nam nói riêng từ lâu đã sử dụng một số cây thuốc, vị thuốc và bài thuốc nguồn gốc thảo dược có tác dụng tương đương các sản phẩm ĐVHD mà việc sử dụng không ảnh hưởng tiêu cực đến thiên nhiên. Đặc biệt là với mật gấu, từ nhiều năm nay, không ít cá nhân, đơn vị trong và ngoài nước đã nghiên cứu, tìm tòi các loài cây thuốc có khả năng thay thế mật gấu trong điều trị bệnh.

Ảnh: Viện Dược liệu

Theo Anonymous (2005) và Young Sung Ju và n.n.k. (2008), với sự trợ giúp của nhóm bác sĩ y học cổ truyền ở Anh, các nhóm nghiên cứu đã phân loại được 4 tác dụng và công dụng chính của mật gấu là: (i) giải nhiệt, giải độc; (ii) giải nhiệt gan do hỏa khí; (iii) giúp sáng mắt do làm nhuận gan; (iv) giúp sáng mắt và giải nhiệt gan do hỏa khí (Anonymous, 2005) (Young Sung Ju và n.n.k., 2008). Từ đây, các cuộc khảo sát các bác sĩ điều trị bằng y học cổ truyền đã được tiến hành ở Úc, Canada, Mỹ, Anh và Hàn Quốc, qua đó xây dựng được danh mục gồm 73 dược liệu (70 loài cây thuốc, 01 loài nấm và 3 loài động vật làm thuốc) có thể thay thế mật gấu với 31 loài có ở Hàn Quốc, 54 loài ở Canada, Úc, Mỹ và Anh. Trong số này, các loại dược liệu được chia theo nhóm công dụng như sau:

  • 51 cây – con có tác dụng giải nhiệt, tiêu viêm, chữa co giật, động kinh do sốt cao như: lô hội (Aloe vera), xuyên tâm liên (Andrographis paniculata), chàm mèo (Baphicacanthus cusia), rẻ quạt (Belamcanda chinensis), thảo quyết minh (Cassia tora), mào gà (Celosia argentea), bọ mẩy (Clerodendron cyrtophullum), bạch hoa xà thiệt thảo (Hedyotis diffusa), kim ngân (Lonicera japonica), mã đề (Plantago asiatica)…;
  • 12 cây thuốc có tác dụng giải độc như: cúc hoa vàng (Chrysanthemum indicum), hòe (Sophora japonica), giấp cá (Houttuyniae cordata)…;
  • 9 cây thuốc có tác dụng bổ gan, nhuận gan như: mào gà (Celosia argentea), nhọ nồi (Eclipta prostrata), đậu ma (Cassia obtusifolia), địa hoàng (Rehmannia glutinosa), thạch hộc (Dendrobium nobile), hà thủ ô đỏ (Polygonum multiflorum), câu kỷ (Lycium barbarum)…;
  • 7 loài cây thuốc có tác dụng chống viêm như: thủy xương bồ (Acorus calamus), hoàng liên (Coptis chinensis), đậu tương (Glycine max), đan sâm (Salvia miltiorrhiza), hạ khô thảo (Prunella vulgaris L. var. lilacina), đại hoàng (Rheum palmatum);
  • 13 cây thuốc có tác dụng làm sáng mắt như: mào gà (Celosia argentea), cúc hoa trắng (Chrysanthemum morifolium), đậu ma (Cassia obtusifolia), thảo quyết minh (Cassia tora), bào ngư (Haliotis diversicolor), huyết đằng (Sargentodoxa cuneata), búp lệ (Buddleia officinalis), dâu tằm (Morus alba), tần (Fraxinus chinensis)…;
  • 01 cây thuốc có tác dụng chữa khó tiêu: thảo quả (Amomum tsao-ko).

Ngoài những thảo dược kể trên, một trong những loài thay thế mật gấu cũng được nhắc đến nhiều là hạ khô thảo (Prunella vulgaris, họ Lamiaceae). Năm 2005, Hiệp hội bảo vệ động vật thế giới (WSPA) cũng xuất bản báo cáo liệt kê nhiều loài thảo dược được coi là có một số chỉ số giống như mật gấu, ví dụ như cây lỗ bình tàu (Lobelia chinensis) và cây lưỡi rắn trắng (Hedyotis diffusa) được sử dụng để hạ nhiệt, tiêu độc; cây long đởm thảo (Gentiana spp.) dùng làm mát gan… Từ khi công bố các nghiên cứu này, WSPA liên tục khuyến khích các hiệp hội đông y trên toàn thế giới sử dụng nhiều loài thảo dược tốt có thể thay thế mật gấu. Năm 2006, một báo cáo do Cục môi trường, thực phẩm và vấn đề nông thôn Anh (DEFRA) và Quỹ quốc tế về phúc lợi động vật (IFAW) hỗ trợ nghiên cứu về các đặc tính của cây cỏ có công dụng tương tự như mật gấu cũng đề xuất một số loài có khả năng thay thế mật gấu như: cây dành dành (Gardenia jasminoides), cây hoàng cầm (Scutellaria baicalensis)… hay một nghiên cứu khác cũng cho thấy tác dụng tương đương của một số loài thuộc chi hoàng liên (Coptis) trong việc giúp giải độc, bổ gan, làm sáng mắt, điều trị kinh giật, động kinh, co giật do nóng, mụn nhọt đầu đinh do nhiệt, viêm da, viêm họng, trĩ.

Tại Việt Nam, Tổ chức động vật châu Á (AFF) là một trong những đơn vị tích cực nhất thúc đẩy bảo tồn gấu và nghiên cứu các loại dược liệu thay thế mật gấu. Năm 2010, AFF khảo sát việc sử dụng mật gấu từ 152 bác sỹ và thầy thuốc y học cổ tuyền, kết quả cho thấy có 07 trường hợp bị ngộ độc do sử dụng mật gấu với 4/7 trường hợp tử vong; 39 loài thảo dược và 13 bài thuốc có tác dụng tương tự mật gấu được nhắc tên. Trong số 39 loài cây thuốc được liệt kê, đa số các ý kiến đều đề cập đến cây mật gấu. Ngoài ra, một số loài khác cũng được nhắc đến là tô mộc, đào nhân, hồng hoa… Tuy nhiên, những loài cây này mới chỉ được đề xuất trong các báo cáo mà chưa có minh chứng khoa học thực tiễn, do đó cần có những nghiên cứu mang tính hệ thống bao gồm phân tích thành phần hóa học, dược lý và hiệu quả lâm sàng để khẳng định tác dụng chữa bệnh của các loài thảo dược có khả năng thay thế mật gấu.

Ảnh: Viện Dược liệu

Trong giai đoạn 2010 – 2011, Viện Dược liệu hợp tác WSPA triển khai đề tài “Điều tra, thu thập thông tin về một số loài cây thuốc ở Việt Nam có công dụng tương tự mật gấu”, trong đó phạm vi khảo sát được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên, Nghệ An, Bắc Kạn, Lào Cai, Đà Nẵng, Kon Tum, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Long đối với các bác sỹ y học cổ truyền, lương y. Kết quả đã tổng hợp được 46 loài cây thuốc vốn có sẵn ở Việt Nam như: bạch hoa xà thiệt thảo, bách bệnh, bán chi liên, bảy lá một hoa, câu đằng, dây đau xương, đại hồi, gấc, gừng, hoàng đằng, kim ngân, mã tiền, náng hoa trắng, quế, thiên niên kiện, xuyên tâm liên… Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng thu thập được 29 bài thuốc đang được các thầy thuốc đông y sử dụng để điều trị những chứng bệnh tương tự mà không nhất thiết phải sử dụng mật gấu.

Cũng trong giai đoạn 2020 – 2021, dưới sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), nhóm chuyên gia về lĩnh vực tài nguyên dược liệu, dược học, y học cổ truyền đã khảo sát, tổng hợp thông tin, phân tích dữ liệu để biên soạn 02 cuốn tài liệu: “Một số loài cây thuốc, vị thuốc có tác dụng tương tự như sừng tê giác” và “Một số loài cây thuốc, vị thuốc có tác dụng tương tự như vảy tê tê”. Trong đó, cuốn về các cây thuốc, vị thuốc thay thế sừng tê giác giới thiệu 23 loài cây thuốc, vị thuốc bao gồm: bạch cập, bạch đồng nữ, bạch hoa xà thiệt thảo, cam thảo đất, câu đằng, cỏ nhọ nồi, cỏ tranh, cối xay, cúc hoa, dành dành, đại thanh, đan sâm, địa hoàng, hoa hòe, hoàng bá, hoàng liên, huyền sâm, huyết dụ, ngọc trúc, ngưu bang, phục linh, trắc bách, xuyên tâm liên. Còn tài liệu về một số cây thuốc, vị thuốc có tác dụng tương tự vảy tê tê cũng giới thiệu 25 loài cây thuốc, vị thuốc như: bồ công anh, bụp giấm, cam thảo bắc, cỏ sữa lá lớn, diếp cá, hạ khô thảo, hoài sơn, hoàng cầm, hương nhu tía, ích mẫu, nghệ vàng, kim ngân, kinh giới, mộc thông, qua lâu, sâm bố chính, sung, tang ký sinh, dâu tằm, bồ kết, thông thảo, mướp, vừng đen, trâu cổ, xạ can. Cả hai tài liệu đều giới thiệu các loài cây thuốc, vị thuốc với thông tin chi tiết bao gồm: tên Việt Nam, tên khoa học, tên đồng danh, họ, đặc điểm hình thái, mùa hoa quả, mùa thu hái, cách thu hái, phân bố và sinh thái, bộ phận dùng, thành phần hóa học, công dụng, tác dụng, liều lượng và những lưu ý khi sử dụng. Đây là những thông tin cơ bản nhằm mục đích giới thiệu cho các thầy thuốc, sinh viên ngành đông y và các bạn đọc quan tâm tham khảo sử dụng, góp phần bảo tồn loài tê tê và tê giác, kiên quyết nói không với việc sử dụng tê tê, tê giác và các loài ĐVHD nói chung, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Để các bài thuốc từ thảo dược được nhân rộng hơn nữa nhằm thay thế dần các vị thuốc, bài thuốc sử dụng ĐVHD, thiết nghĩ Nhà nước và các cơ quan, đơn vị nghiên cứu liên quan cần đầu tư nhiều hơn cho công tác khảo sát, đánh giá các loài cây thuốc một cách bài bản, đồng thời xuất bản các tài liệu và quảng bá sâu rộng giá trị y học cổ truyền Việt Nam.

Bên cạnh đó, để tiếp sức cho cuộc chiến phòng chống buôn bán ĐVHD bất hợp pháp, hệ thống y học cổ truyền Việt Nam cũng có thể tham gia bằng cách không kê đơn các bài thuốc sử dụng ĐVHD, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm được pháp luật bảo vệ, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các lựa chọn thay thế từ các loài cây thuốc có giá trị tương đương, góp phần bảo tồn các loài ĐVHD và phát huy tinh hoa y học Việt.

Tài liệu tham khảo

Anonymous. (2005). Finding Herbal Alternatives to Bear Bile. World Society for the Protection of Animals, UK. https://www.worldanimalprotection.nl/sites/default/files/media/nl_files/documenten/finding_herbal_alternatives_to_bearbile_v3.pdf

Nguyễn Xuân Trung. (2019). Thực hư tác dụng của sừng tê giác? Báo Sức Khỏe & Đời Sống. https://suckhoedoisong.vn/thuc-hu-tac-dung-cua-sung-te-giac-169119554.htm

Dale Hoiberg. (2007). Traditional Chinese Medicine and Endangered Animals. Britannica’s Advocacy for Animals. https://www.britannica.com/explore/savingearth/chinese-medicine

Elizabeth O Davis, Diogo Veríssimo, B. C. (2021). How Will the End of Bear Bile Farming in Vietnam Influence Consumer Choice? https://www.conservationandsociety.org.in/preprintarticle.asp?id=330663

IUCN. (2007). Seventy-five percent of bear species threatened with extinction. https://www.iucn.org/content/seventy-five-percent-bear-species-threatened-extinction

Joshua Rapp Learn. (2021). Can Knowledge of Traditional Chinese Medicine Help Protect Wildlife? https://www.discovermagazine.com/planet-earth/can-knowledge-of-traditional-chinese-medicine-help-protect-wildlife

Nguyen Dao Ngoc Van, Nguyen Tap. (2008). An overview of the use of plants and animals in traditional medicine systems in Viet Nam. https://www.trafficj.org/publication/08_medical_plants_Viet_Num.pdf

Tổ chức Động vật Châu Á. (2019). Báo cáo điều tra: 97% các thầy thuốc Đông y ở Việt Nam đã không còn kê đơn mật gấu. https://www.animalsasia.org/vn/media/news/news-archive/97-thay-thuoc-khong-ke-don-mat-gau.html

WildAid. (2021). Protecting the World’s Most Trafficked Mammal. https://wildaid.org/protecting-the-worlds-most-trafficked-mammal/

Young Sung Ju và n.n.k. (2008). Research of Herbal Alternatives to Bear Bile.

PGS.TS. Phạm Thanh Huyền, Trưởng Khoa Tài nguyên Dược liệu, Viện Dược liệu