Hậu Giang: Hiệu quả từ sản xuất tập thể

BVR&MT – Những năm gần đây, nhờ việc củng cố, nhiều mô hình sản xuất tập thể đã nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Nhờ liên kết mà nhiều diện tích lúa của tỉnh tiêu thụ thuận lợi và bán với giá cao hơn thị trường. Ảnh: T.TRÚC

Chặt chẽ trong liên kết

Xuất hiện ở huyện Phụng Hiệp cách đây 4 năm, từ 2.000m2 ban đầu đến nay cây dưa lưới đã phát triển lên gần 3ha. Có hiệu quả nên diện tích tăng nhanh là điều dễ hiểu, tuy nhiên cách mà Hợp tác xã (HTX) dưa lưới Thuận Phát mở rộng diện tích đã hỗ trợ rất nhiều cho các xã viên mới tiết giảm được kinh phí khá lớn khi tiếp cận mô hình. Theo đó, ngoài việc triển khai các khâu kỹ thuật canh tác dưa lưới thì các hộ mới tham gia còn được HTX hỗ trợ chi phí nhân công lắp đặt nhà lưới và hệ thống tưới, qua đó tiết giảm từ 50-70 triệu đồng trên diện tích nhà lưới 1.000m2 so với các hộ ngoài HTX.

Ông Nguyễn Văn Trung, một xã viên mới tham gia HTX dưa lưới Thuận Phát, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, cho biết: Hiện nay, HTX đã có đủ điều kiện về kỹ thuật và phương tiện để lắp đặt hệ thống nhà lưới sản xuất dưa lưới. Nếu trước đây, khi chưa vào HTX gia đình lắp đặt 1.000m2 nhà lưới khoảng 300 triệu đồng. Nhưng hiện nay thành viên của HTX khi mở rộng diện tích được HTX hỗ trợ nên các chi phí liên quan đủ để đầu tư giống và giá thể trồng dưa lưới.

Làm ăn tập thể không chỉ được xây dựng trên các loại cây ăn trái mà còn được củng cố và nhân rộng trên cây lúa. Tham gia sản xuất lúa theo hướng liên kết, nông dân ở các tổ hợp tác (THT) và HTX ngoài việc được hỗ trợ giống, tập huấn các kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm còn được doanh nghiệp tham gia liên kết đầu tư và bao tiêu sản lượng lúa làm ra. Qua đó giúp nông dân tiết giảm được chi phí sản xuất từ 15-20% so với cách làm truyền thống. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, trong tổng số hơn 76.000ha lúa của tỉnh trong vụ Hè thu này đã có nhiều công ty, doanh nghiệp, thương lái, HTX tham gia ký kết đầu tư và bao tiêu thu mua lúa cho nông dân với giá bán cao hơn thị trường từ vài trăm đồng/kg.

Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Mỹ B, xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp, cho biết: Khi tham gia sản xuất lúa theo hình thức tập thể, ngoài việc được Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống đê bao khép kín phục vụ sản xuất thì quá trình phun thuốc bảo vệ thực vật hay thu hoạch đều liên kết với các chủ máy cắt nên giảm được chi phí. Bên cạnh đó còn được doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm với giá bán cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg lúa. Trung bình 1ha sản xuất lúa theo phương thức tập thể cho thu nhập cao hơn từ 1-1,5 triệu đồng so với những hộ làm riêng lẻ.

Theo lãnh đạo HTX Nông nghiệp Phước Trung, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, vụ lúa Đông xuân vừa rồi HTX đã liên kết với công ty bao tiêu thu mua giống lúa OM18 với giá 6.600 đồng/kg còn giống Jasmine 85 là 6.500 đồng/kg, các thành viên trong HTX đồng thuận rất cao. Trong vụ lúa Hè thu năm nay, bên cạnh liên kết với doanh nghiệp để cung ứng đầu ra sản phẩm, HTX còn liên kết sản xuất với các tổ hợp tác sản xuất lúa ở các ấp trong xã. Đặc biệt từ năm 2020, HTX đã mở rộng hoạt động, đa dạng dịch vụ, triển khai xây dựng nhà kho, trang bị máy sấy lúa… phục vụ việc nâng cao năng lực sản xuất, đẩy mạnh cơ giới hóa và giảm giá thành. Ngoài ra, bộ máy quản trị HTX ngày càng được kiện toàn, hoạt động hiệu quả, có kinh nghiệm khi hợp tác tiêu thụ sản phẩm với các công ty lớn.

Qua thực tế sản xuất đã cho thấy, chỉ có liên kết trong sản xuất thì người nông dân mới trụ vững được với thị trường luôn biến động hiện nay. Trong đó HTX hay tổ hợp tác đóng vai trò là cầu nối tiếp nhận và chuyển giao khoa học kỹ thuật, giải quyết được vấn đề đầu ra cho nông sản. Giúp người dân và địa phương an tâm canh tác với các mặt hàng nông sản chủ lực của mỗi vùng.

Phù hợp xu thế sản xuất mới

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho biết: Thời gian qua, các HTX trên địa bàn huyện hoạt động theo quy định mới cho hiệu quả rất cao. Bà con nông dân tham gia HTX đều tự nguyện đóng góp vốn để hoạt động. Ban quản trị thì có nhiều đổi mới trong quá trình lãnh đạo, có tính toán để mở các dịch vụ, từ đó nâng cao được hiệu quả so với trước đây. Hình thức phát triển này phù hợp với xu thế của nền nông nghiệp 4.0, bởi tới đây nông dân làm ra các nông sản đều phải thông qua HTX để tiêu thụ, do đó người dân vào HTX ngoài việc được hỗ trợ của Nhà nước, còn được HTX giải quyết đầu ra nông sản.

Theo bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, hiện nay trong sản xuất nông nghiệp hình thức liên kết chủ yếu là trên cây lúa, mía và một số nông sản khác. Riêng vụ lúa Hè thu 2021, toàn tỉnh thực hiện quy mô diện tích cánh đồng lớn đạt 6.767ha, tăng 302ha so với cùng kỳ, với sự tham gia của khoảng 5.500 hộ dân. Năng suất trung bình ước đạt 7,2 tấn/ha, ước sản lượng trong cánh đồng lớn vụ Hè thu 2021 khoảng 45.410 tấn. Diện tích này phân bố thực hiện tại các đơn vị huyện Vị Thủy, Châu Thành A, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp và thị xã Long Mỹ. Hình thức liên kết bao tiêu tại các cánh đồng lớn hiện nay chủ yếu thông qua hợp đồng thu mua liên kết giữa hộ nông dân với HTX nông nghiệp tại địa bàn hoặc công ty liên kết bao tiêu trực tiếp với người dân. Về giá hợp đồng theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch và công ty báo giá trước thu hoạch khoảng 10 ngày. Ngoài ra, diện tích bao tiêu ngoài cánh đồng lớn là 7.260ha, hình thức liên kết chủ yếu là HTX, công ty, doanh nghiệp cung ứng giống lúa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân, cuối vụ thu mua lúa tươi theo giá cả thị trường…

Theo Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT, hiện trên địa bàn các tỉnh ĐBSCL có 2 hình thức liên kết chủ yếu đang diễn ra là doanh nghiệp đầu tư giống, thuốc, cung ứng vốn, có tham gia một phần vào quá trình sản xuất của nông dân và bao tiêu sản phẩm; doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra nhưng không đầu tư, không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất. Từ các hình thức liên kết trên đã hình thành chuỗi liên kết doanh nghiệp – HTX – nông dân với nhiều phương thức: liên kết giữa doanh nghiệp – HTX, THT – nông dân; liên kết giữa doanh nghiệp – nông dân; liên kết giữa thương lái và HTX, THT.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ NN&PTNT, cho biết việc thực hiện cánh đồng lớn sản xuất lúa ở các tỉnh vùng ĐBSCL vẫn được duy trì, tuy nhiên vụ Hè thu 2021 diện tích cánh đồng lớn chỉ đạt trên 72.000ha. Mặc dù vậy, tình hình tiêu thụ lúa vụ Hè thu sớm 2021 tương đối thuận lợi, giá bán tương đương và cao hơn so với cùng kỳ Hè thu 2020 nên diện tích ký kết tiêu thụ đạt gần 120.000ha. Để việc hợp tác, liên kết sản xuất đạt kết quả tốt, thời gian tới cần tiếp tục tổ chức sản xuất theo chuỗi; gắn với chế biến tiêu thụ, xây dựng thương hiệu các nông sản chủ lực nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…

Toàn tỉnh Hậu Giang hiện có 234 HTX, với 6.720 thành viên và 9.549 lao động; cùng 1 liên hiệp HTX. Ngoài ra, cả tỉnh cũng có 959 tổ hợp tác. Thông qua các HTX, tổ hợp tác này đã liên kết đầu ra được nhiều nông sản cho nông dân, nhất là lúa, trái cây, rau màu, thủy sản…