Hạt Kiểm lâm TP. Hòa Bình: Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ và phát triển rừng cho đồng bào dân tộc

BVR&MT – Là đơn vị trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình, thời gian qua Hạt Kiểm lâm TP. Hòa Bình không chỉ chú trọng công tác chuyên môn mà còn đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản đến người dân trên địa bàn nói chung, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mường.

TP. Hòa Bình có tổng diện tích tự nhiên là 34.864,68 ha, trong đó diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là 21.492,21 ha (bao gồm: 2.248,68 ha rừng đặc dụng; 3.927,2 ha rừng phòng hộ và 15.316,33 ha rừng sản xuất). Đa phần diện tích rừng này nằm trên địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Mường nên công tác bảo vệ và phát triển rừng đều hướng tới đối tượng chính là bà con.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm TP. Hòa Bình trong một buổi đi kiểm tra địa bàn.
Cán bộ Hạt Kiểm lâm TP. Hòa Bình trong một buổi đi kiểm tra địa bàn.

Xác định công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản là một trong những giải pháp trọng tâm có tính lâu dài nhằm đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng, thời gian qua lực lượng Kiểm lâm TP. Hòa Bình đã tích cực tuyên truyền đến người dân trên địa bàn nói chung, đồng bào dân tộc Mường nói riêng về tầm quan trọng của rừng.

Trao đổi cùng phóng viên Bảo vệ Rừng và Môi trường, đồng chí Nguyễn Văn Cường, Hạt phó Hạt Kiểm lâm TP. Hòa Bình cho biết: Song song với công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng Kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mường, nêu cao ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xóm, tờ rơi… kết hợp tổ chức hội thi tìm hiểu các quy định của Nhà nước trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Theo đó, lực lượng kiểm lâm viên phụ trách địa bàn của Hạt đã tham mưu cho UBND các xã, phường tổ chức cho nhân dân ở các xóm tuyên truyền Luật lâm nghiệp, các văn bản dưới Luật có liên quan bằng nhiều hình thức như: Tổ chức các cuộc họp chuyên đề; lồng ghép vào các cuộc họp triển khai công tác khác của xóm, xã.

Hàng năm đơn vị cũng phối hợp với trung tâm văn hóa thể thao và truyền thông xây dựng hàng trăm đĩa tuyên truyền phát đến các thôn, xóm, tổ dân phố nội dung về luật lâm nghiệp và các văn bản quy phạm dưới luật liên quan đến lâm nghiệp và nội dung tuyên truyền thực hiện đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và bà con nhân dân do vậy công tác tuyên truyền thường xuyên được triển khai, nội dung tuyên truyền phù hợp với đối tượng, dụng cụ PCCCR được trang bị khá đầy đủ.

Bà con cùng các lực lượng liên ngành tham gia làm đường băng cản lửa phục vụ cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Bên cạnh những thuận lợi đơn vị cũng gặp phải những khó khăn như: Nguồn kinh phí hạn hẹp do vậy hình thức tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng; Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại địa phương chưa đầy đủ một phần làm ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền; Một số địa phương có mật độ dân số thưa thớt, đồng bào dân tộc thiểu số là chủ yếu, trình độ dân trí không đồng đều nên việc nhận thức chưa cao; Thời gian tổ chức họp lại vào ban ngày (trùng thời điểm bà con đi làm) do vậy số lượng chưa được đông đảo.

Với hoạt động tuyên truyền tích cực và thường xuyên của Hạt kiểm lâm TP. Hòa Bình, nhiều năm trở lại đây đồng bào dân tộc Mường đã nâng cao nhận thức về quy định và trách nhiệm trong công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phát triển rừng; Không xảy ra vụ vi phạm nào liên quan đến công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và phát triển rừng; Tích cực vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu từ kinh tế rừng.

Hậu Thạch