Hành trình du xuân Tuyên Quang

BVR&MT – Những ngày đầu xuân Đinh Dậu 2017, Đoàn cán bộ, phóng viên báo điện tử Bảo vệ Rừng và Môi trường đã có dịp du xuân về với Tuyên Quang, nơi được coi là “cái nôi” của cách mạng Tháng Tám, cũng là xứ sở của lễ hội mùa xuân, là mảnh đất của những giao thoa văn hoá mang đậm bản sắc của các dân tộc vùng cao Tây Bắc.

Đã thành thông lệ, cứ mỗi dịp đầu xuân mới, Ban biên tập của báo lại tổ chức những chuyến hành trình du xuân đầy ý nghĩa cho toàn thể cán bộ – phóng viên của cơ quan. Không chỉ dừng lại ở những hoạt động tham quan, vãn cảnh, cầu may mắn và tài lộc đầu xuân, mỗi chuyến hành trình còn được ghi dấu bởi những phút giây trải nghiệm văn hóa, con người tại mỗi mảnh đất nơi Đoàn đặt chân tới. Năm nay, địa điểm được chọn chính là mảnh đất Tuyên Quang trù phú.

Nằm cách thủ đô Hà Nội 165 km về phía Tây Bắc, Tuyên Quang từ lâu đã được biết đến là quê hương cách mạng với thiên nhiên và văn hóa phong phú. Đến với Tuyên Quang mùa xuân, Đoàn cán bộ – phóng viên đã được hoà mình vào nhiều hoạt động trong các lễ hội lớn, được say đắm trong làn điệu dân ca đượm tình và được thả hồn thưởng ngoạn những cảnh đẹp nên thơ mà thiên nhiên đã ưu ái cho riêng cho mảnh đất này.

Bồi hồi về với ngọn nguồn cách mạng

Tân Trào – Tuyên Quang là nơi gắn liền với lịch sử hào hùng của những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của chủ tịch Hồ Chí Minh và với cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc suốt 9 năm ròng.

Di tích lịch sử quốc gia Tân Trào.

Cách thành phố Tuyên Quang khoảng 41km, khu di tích lịch sử Tân Trào thuộc huyện Sơn Dương có hơn 17 di tích nổi tiếng.

Tại đây Đoàn nhà báo đã có dịp đến thăm các di tích: Mái đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, lán Nà Nưa, Làng văn hóa Tân Lập, Hang Bòng, hầm Chính phủ, bảo tàng Tân Trào…

Đoàn Nhà báo chụp ảnh lưu niệm tại di tích cây đa Tân Trào.
Làng văn hóa Tân Lập thuộc khu di tích lịch sử Tân Trào có vị trí chiến lược quan trọng. Trong Cách mạng Tháng Tám, nơi đây được chọn là “Trung tâm Thủ đô lâm thời, trái tim cách mạng Việt Nam”. Nơi đây đã chở che Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương trong suốt thời kỳ kháng chiến.

“…Mình về còn nhớ núi non
Nhớ khi kháng Nhật, thuở còn Việt Minh
Mình đi, mình có nhớ mình
Tân Trào, Hồng Thái, mái đình cây đa…?

Những câu thơ trong bài “Việt Bắc” của Tố Hữu đã gắn với địa danh ở Khu Di tích lịch sử Tân Trào đều có ý nghĩa lịch sử quan trọng, bởi tại đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử quyết định đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

Căn nhà sàn của gia đình ông Hoàng Trung Dân, thôn Tân Lập, xã Tân Trào,
nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở và làm việc trong thời gian chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, từ ngày 21/5 đến ngày 16/8/1945

Nơi đây cũng gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ khi Người rời Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào để lãnh đạo cách mạng, cũng như khi Người cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ và quân đội ở và làm việc để lãnh đạo nhân dân cả nước thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân vào tháng 8 năm 1945, và lãnh đạo nhân dân cả nước trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1945 – 1954).

Đoàn Nhà báo tham quan và chụp hình lưu niệm tại di tích Lán Nà Nưa, nơi in đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời gian Người ở và làm việc tại Tân Trào, lãnh đạo cách mạng tháng Tám năm 1945 đi đến thắng lợi.
Lán Cảnh vệ được lực lượng Cảnh vệ dựng làm nơi ở để bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về làm việc từ ngày 21/5/1945 đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công.

Với mỗi cán bộ – phóng viên, hành trình về với Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào chính là về với cội nguồn, được sống lại không khí hào hùng, sục sôi của cách mạng của quân và dân ta, được nghe những câu chuyện giản dị về Bác và những năm tháng gian khổ không thể nào quên của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Trảy hội mùa xuân thành Tuyên

Thành phố Tuyên Quang những ngày này nườm nượp khách thập phương đến du xuân. Đoàn Nhà báo cũng hòa mình cùng đoàn người nô nức trảy hội, đi lễ đền chùa cầu tài lộc, may mắn và thành công cho năm mới.

Địa điểm đầu tiên Đoàn đặt chân tới là Đền Thượng, xã Tràng Đà (thành phố Tuyên Quang), thờ Mẫu thần, được xây dựng năm 1801. Tương truyền đời trước có hai công chúa là Ngọc Lân (tức Mai Hoa công chúa) và Phương Dung công chúa (tức Quỳnh Hoa công chúa) theo xa giá đi xem xét địa phương đỗ thuyền ở bờ sông. Nửa đêm trời mưa to, gió lớn, hai nàng đều hoá, nhân dân trong vùng lấy làm linh dị bèn lập đền thờ.

Trước đền Mẫu Thượng là con sông Lô thơ mộng.

Cảnh quan của đền thật là huyền ảo, hữu tình. Trước mặt đền là dòng sông Lô chảy hiền hòa, phía sau là những dãy núi trùng điệp. Đến đền Thượng, du khách vừa đi lễ, vừa chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của phong cảnh nơi đây.

Cổng Đền Mẫu Thượng rất cổ kính, rêu phong.

Cách đền Thượng không xa, Đền Cấm, xã Tràng Đà (thị xã Tuyên Quang), nằm trên nền đất cao, không gian thoáng đãng bên bờ sông Lô, phía sau tựa lưng vào núi Cấm. Gian giữa đặt tượng Bà chúa Thượng ngàn gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu; phía trên án thờ treo bức Đại tự Linh Lâm miếu bằng gỗ. Tiếp đến là bức cuốn thư với ba chữ “tối linh từ” (Đền rất linh thiêng).

Đền Cấm.

Từ trung tâm thành phố Tuyên Quang theo Quốc lộ 2 (Tuyên Quang – Hà Giang) đến km4 rẽ trái vào đường làng Tiên Lũng khoảng 100 m là đến đền Mẫu Ỷ La. Đền Mẫu Ỷ La thuộc tổ 4, phường Ỷ La, thành phố Tuyên Quang. Đền là nơi thờ đức thánh Mẫu Thượng Thiên cùng các vị thần linh trong Đạo thờ Mẫu Việt Nam.

Đền Mẫu Ỷ La là một trong những trung tâm thờ Mẫu lớn nhất của Tuyên Quang cũng như trong cả nước.

Cùng với việc thờ Mẫu Thượng Thiên (Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh), tại đền Mẫu Ỷ La còn thờ Đức Thánh Trần (Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn). Hiện nay, tại đền Mẫu Ỷ La còn lưu giữ bốn đạo sắc phong thời Nguyễn. Nội dung các sắc phong đều đề cao công đức của Thần đã giúp nước, trợ dân có cuộc sống an lành, hạnh phúc…

Đoàn Nhà báo chụp hình bên cây đa khổng lồ nằm trong khuôn viên đền Mẫu Ỷ La. Đây là một trong những “lão” cổ thụ được ghi vào danh mục cây di sản Việt Nam.

Tiếp đó, Đoàn cũng đến hàng loạt các địa điểm nổi tiếng như đền Tam Kỳ, đền Cảnh Xanh, đền Mỏ than, đền Minh Lương. Theo ghi nhận của phóng viên, không khi lễ hội chung trên địa bàn thành phố Tuyên Quang năm nay rất quy củ và trang nghiêm, không có cảnh chen lấn xô đẩy như một vài địa phương khác trong cả nước. Đây cũng là nét nổi bật giúp du khách thập phương thêm ấn tượng với vẻ thanh bình, duyên dáng của thành phố bên sông Lô thơ mộng.

Kết thúc chuyến hành trình du xuân trên mảnh đất Tuyên Quang, Đoàn Nhà báo như được tiếp thêm nguồn sinh khí tươi trẻ, hào hứng của mùa xuân Tây Bắc, sẵn sàng để đón nhận những công việc và nhiệm vụ mới, tin tưởng vào những thành công và may mắn cho năm 2017.

Ban Biên tập