Háng Tề Chơ – chuyến đi tìm về cảm xúc

BVR&MT – Được mệnh danh là một trong tứ đại tử địa năm xưa, bao gồm Phình Hồ, Làng Nhì, Tà Si Láng và Háng Tề Chơ, nằm dựa lưng vào khối rừng đặc chủng nguyên sinh quốc gia Tà Xùa, ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Yên Bái – Sơn La, Háng Tề Chơ thuộc bản Đề Chơ heo hút, xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, Yên Bái.

Rừng nguyên sinh Tà Xùa nổi tiếng bởi diện tích cây gỗ pơ mu ken đặc, là vựa pơ mu lớn nhất cả nước có giá trị kinh tế rất cao, nên đã từng một thời Háng Tề Chơ là điểm nóng về nạn buôn lậu gỗ, rất khó tiếp cận và rất nguy hiểm nếu chẳng may chạm mặt với lâm tặc, Chuyến đi của chúng tôi được lên lịch trình rất chóng vánh, men theo quốc lộ 32 cũ qua Thị trấn Thanh Sơn – Thu Cúc – Văn Chấn – Nghĩa Lộ, cách thị trấn Nghĩa Lộ chừng 5km có một con đường mòn dẫn vào xã Phình Hồ, con đường bây giờ được trải bê tông nên không quá khó khăn để đặt chân tới đây. Con đường từ Phình Hồ lên Làng nhì cũng đã tráng bê tông được phân nửa làm hành trình bớt gian nan đi khá nhiều, nếu trước đây con đường này là đường đất mà gặp trời mưa thì phải mất nguyên ngày mới tới được Làng nhì..

Hai bà cụ người Mông ở Phình Hồ.

Để đến được bản Làng Nhì, chúng tôi phải vượt qua một chặng đường khá gian nan trên con đường đá sỏi nhọc nhằn, vách núi xẻ sâu làm đường dựng đứng, chỉ chực đổ xuống bất cứ lúc nào, trời mưa đi vào con đường này thật sự rất nguy hiểm..

Tuy nhiên, bù lại cảnh quan nơi đây khá đẹp và nên thơ với những con thác nhỏ và những cánh rừng xanh mướt mát phía dưới thung lũng..

Đường vào Làng Nhì, vách đá dựng đứng..

Thế nhưng, con đường này cũng mang tính thử thách đối với những tài xế chúng tôi nếu không vững tay lái. Không may, một cậu em của tôi bị hỏng xe thủng săm dọc đường nên cả nhóm phải dừng lại khá lâu để đợi và may mắn thay, chúng tôi gặp một quán sửa xe dọc đường, trong khi chờ đợi chúng tôi tranh thủ nghỉ ngơi và chụp ảnh.

Mất chừng một giờ để đến được Làng Nhì, hành trình của chúng tôi bây giờ mới thực sự bắt đầu.

Con đường nhỏ men theo các thửa ruộng bậc thang, có những đoạn bị sạt lở, có đoạn chỉ vừa đủ cho 2 xe tránh nhau, một bên là vực thẳm đầy thách thức cho mọi tay lái dù là lão luyện cũng sẽ có lúc cảm thấy chùn bước, ghê răng, trời mưa mà chạy con đường này thì là cả một vấn đề lớn, vừa khó vừa nguy hiểm..

Ruộng bậc thang ở đây cũng rất đẹp, vào mùa lúa chín thì cung đường nơi này thực sự xứng đáng được vinh danh là con đường trong mơ, đáng để trải nghiệm một lần trong đời…

Đến được bản Đề Chơ thì trời cũng xế chiều, hai vai chúng tôi căng lên vì phải ghì chắc tay lái. Từ đây còn gần một giờ đi bộ nữa mới tới được chân thác Háng Tề Chơ, những đứa trẻ con ở đây rất đáng yêu và thân thiện, bạn có thể nhờ chúng dẫn đường nếu không muốn bị lạc đi quá xa thác, như lần đầu tiên tôi đi và phải ngậm ngùi quay trở lại..

Một lối đi khác… nhưng không thể tới đích.

Chúng tôi men theo những lối nhỏ, luồn lách lần khuất giữa nương ngô, qua một đoạn rừng gần như còn nguyên vẹn nhưng trước đây đã từng bạt ngàn gỗ pơmu, thì chúng tôi đến được chân thác Háng Tề Chơ. Khi này, trời đã xế chiều, ngọn thác cao hơn trăm mét hùng vĩ, bọt tung trắng xóa, nước chảy qua một kẽ nứt nhỏ của ngọn núi thành một dải lụa trắng phản chiếu ánh nắng cuối cùng của một ngày dài tô thêm vẻ huy hoàng cho núi rừng Tây Bắc. Vẻ tịch mịch của núi rừng, bầu không gian đầy ắp không khí trong lành pha lẫn mùi quế thoang thoảng khiến mọi người như mê đi và chỉ muốn đắm mình ở đây mãi…

Đám trẻ miền cao như cây cỏ, lăn lóc mà lớn lên…

Chúng tôi trở lại bản Đề Chơ thì trời sẩm tối, tôi xin ngủ nhờ trong một gia đình người Mông hiếu khách, bữa cơm đơn giản được sắp lên sau đó chừng một tiếng. Bữa tối thật ấm cúng và đầy ắp tiếng cười, người dân trong bản ở đây ít khi có khách ghé thăm nên có bao nhiêu đồ ăn họ mang ra đãi chúng tôi hết. Vài miếng thịt trâu gác bếp, ít rau cải mèo, ít rau bí mới nhặt trên nương về, tuy đơn sơ nhưng tôi hiểu đây là tất cả những gì gia đình này có thể mang ra tiếp đãi mình được. Dù là miền đất heo hút tận cùng Tây Bắc, nghèo khó nhưng lại ấm tình người..

Sau khi ăn tối, chúng tôi được nghe kể về thời xa xưa trên dãy Tà Xùa, thời rừng còn nhiều cây cối chim thú ríu rít suốt ngày, những thân cây pơmu vài người ôm không xuể bây giờ chỉ còn lại là những hoài niệm xa xôi..Giá như con người không tàn phá thiên nhiên, không vì những ham muốn bản thân thì bây giờ đây bơi này chắc đã trở thành một thắng tích tự nhiên hiếm có rồi..

Sau bữa ăn chúng tôi được tận hưởng một bầu trời Tây Bắc về đêm luôn cuốn hút một cách kì lạ, bầu trời trong trẻo không mây mù khói bụi như phố thị, cảm tưởng như chạm tay là tới được những vì sao lấp lánh…

Milkyway ở Háng Tề Chơ.

Giấc mơ đêm trong căn nhà gỗ nhỏ hẹp và mùi gỗ pơmu thơm phức đã đưa chúng tôi vào giấc ngủ bình yên xa rời cuộc sống ồn ã nơi đô thị..

Buổi sáng hôm sau chúng tôi mang chút đồ đạc mang theo tặng lại người dân bản và lên đường về Hà Nội, lại một hành trình gian nan để ra được quốc lộ lớn… những cái bắt tay, những chiếc ôm thật chặt và lời hứa: “Một ngày không xa, bọn em sẽ quay trở lại”…

Bản Đề Chơ, Trạm Tấu.

Tạm biệt Háng Tề Chơ, tạm biệt giấc mơ đại ngàn heo hút gió, những câu chuyện rùng rợn về người phóng viên bị cắt tai, con đường xà beng và những chiếc xe min tàu chở gỗ pơmu náo nhiệt trong đêm, chúng tôi về lại với những bon chen thường ngày cuộc sống. Tây Bắc trong tôi bí ẩn mà gần gũi, như một người bạn, vừa lạ vừa là tri âm.

Bài, ảnh: Nguyễn Trọng Cung