Hải Phòng: Tăng cường công tác quản lý rừng ngập mặn

Tóm tắt – Nghiên cứu tập trung vào đánh giá hiện trạng công tác quản lý rừng ngập mặn tại Thành phố Hải Phòng dựa trên cơ sở lý luận về rừng ngập mặn và quản lý rừng ngập mặn.

Kết quả điều tra cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý giữa cấp chính quyền và thực tế địa phương, công tác chăm sóc rừng, trồng rừng, và bảo vệ rừng chưa thật sự hiệu quả, người dân chỉ được tham gia ở mức độ “thông tin” chưa đóng góp trong việc ra quyết định. Quyền lợi của người dân chưa được coi trọng, dẫn đến việc người dân địa phương vẫn còn thờ ơ trong công tác quản lý. Nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác quản lý rừng ngập mặn tại Thành phố Hải Phòng như: tăng cường trồng rừng, bảo vệ rừng, cũng như áp dụng các giải pháp về chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin để công tác quản lý đạt hiệu quả tốt hơn.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ

Rừng ngập mặn (RNM) là một hệ sinh thái độc đáo và có giá trị ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới chiếm khoảng 180.000km2 trên toàn thế giới. RNM hỗ trợ, cung cấp một loạt các sản phẩm thương mại như đông vật hoang dã, thủy sản, sản xuất gỗ,… và cung cấp một số dịch vụ sinh thái, xử lý nước thải và bảo vệ môi trường.

Cần có giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng ngập mặn.

Mặc dù, ý thức tăng cao tầm quan trọng về kinh tế xác hội các hệ sinh thái rừng ngập mặn, Tuy nhiên, hiện nay hệ sinh thái này vẫn tiếp tục bị phá hủy ở nhiều nơi trên thế giới. Trong đó, diện tích rừng ngập mặn đã giảm nhanh theo thời gian ở Việt Nam, ước tính từ 408500 ha năm 1943 đến 290000 ha vào năm 1962, xuống còn 252000 ha vào năm 1982; và tới 155 290 ha vào năm 2000 và 139 000 ha năm 2011 (Nguyễn Hải Hòa, 2014). Do rừng ngập mặn phân mảnh, làm giảm khả năng chịu đựng như sóng, dòng chảy ven biển, và gió ở các bờ biển. Nên Các khu vực bờ biển hiện đang bị xói mòn và có nguy cơ xung yếu trong tương lai (Duke et al., 2010). Điều này đã dẫn đến việc mất nguồn tài nguyên rừng ngập mặn và liên quan đến dịch vụ sinh thái và đe dọa trực tiếp đến sinh kế của cộng đồng địa phương ven biển do bão bão, thiên tai nước biển dâng. Nguyên nhân gây giảm rừng ngập mặn thay đổi theo từng vùng sinh thái khác nhau, có thể do liên quan người sử dụng đất và các yếu tố liên quan khác không được hiểu rõ như Kiên Giang, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng…

Hải Phòng nằm ở vùng cửa sông ven biển phía Bắc, có quỹ đất bồi ven biển rộng lớn, luôn biến động do tương tác sông biển nên Hải Phòng có vùng đất ngập triều và hệ thống quần đảo tạo ra những hệ sinh thái rừng tự nhiên phong phú, đặc biệt là hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển.

Tuy nhiên, thực tiễn những năm gần đây trong bối cảnh Hải Phòng đang đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, việc sử dụng đất bãi bồi ven biển xuất hiện nhiều bất cập. Rừng ngập mặn tại Hải Phòng đang có nguy cơ bị giảm sút về diện tích cũng như về chất lượng rừng, chưa phát huy đầy đủ vai trò, vị trí quan trọng về phòng hộ rừng đối với môi trường sinh thái và xã hội. Sự gia tăng về hoạt động nuôi trồng thủy hải sản ven biển, việc khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong rừng ngập mặn một cách thiếu kiểm soát đã và đang làm mất cân bằng sinh thái, làm cạn kiệt nhanh về nguồn lợi thủy sản tự nhiên sống ven biển. Trong bối cảnh như vậy cần tăng cường công tác quản lý rừng ngập mặn nhằm tạo đà mở rộng hình thức du lịch sinh thái biển, tạo cảnh quan, môi trường trong sạch hơn để phát triển du lịch nói riêng và các ngành kinh tế xanh nói chung của cả thành phố trước mắt cũng như trong tương lai. Hơn nữa việc quản lý bảo vệ và phát triển tốt rừng ngập mặn không chỉ có hiệu quả về mặt kinh tế mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với môi trường, xã hội góp phần quan trọng đảm bảo an ninh quốc phòng, tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển.

Nghiên cứu “Tăng cường công tác quản lý rừng ngập mặn tại Thành phố Hải Phòng” được thực hiện tại xã Phù Long, huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng với mục đích đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác quản lý rừng ngập mặn dựa trên cơ sở lý luận về rừng ngập mặn và quản lý rừng ngập mặn, các yếu tố ảnh hưởng đến việc quản lý rừng ngập mặn của Thành phố Hải Phòng. Kết quả nghiên cứu nhằm đóng góp một số giải pháp phù hợp với yêu cầu mới, thúc đẩy xã hội hóa công tác quản lý rừng ngập mặn của Thành phố Hải Phòng theo hướng khai thác tổng hợp phục vụ đa ngành, gắn với phòng hộ bảo vệ sản xuất, đời sống với an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái theo hướng phát triển bền vững.

II. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp thu thập thông tin: Tổng hợp số liệu thứ cấp từ các văn bản, báo cáo khoa học, tài liệu thống kê.

Phương pháp khảo sát, điều tra thực địa: Tiến hành khảo sát thực địa để thu thập tài liệu thực tế về đặc điểm tự nhiên và xã hội của địa bàn khu vực nghiên cứu, hiện trạng công tác quản lý rừng ngập mặn ven biển,.. Phương pháp này được kết hợp với phương pháp điều tra xã hội học, phỏng vấn người dân sống quanh khu vực RNM. Địa điểm nghiên cứu thực địa được lựa chọn là xã Phù Long, huyện Cát Hải, thành phố Hải phòng. Số lượng hộ gia đình được phỏng vấn là 30 hộ.

Phương pháp chuyên gia: Đề tài tiến hành tham khảo ý kiến của các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, kinh tế, môi trường, các nhà quản lý trong việc đề xuất giải pháp tăng cường công tác quản lý rừng ngập mặn.

III.  KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU  VÀ THẢO LUẬN

1. Thực trạng rừng ngập mặn và quản lý rừng ngập mặn tại Thành phố Hải Phòng

a. Thực trạng rừng ngập mặn tại Thành phố Hải Phòng

Hải Phòng chỉ quy hoạch 2 loại rừng là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Rừng đặc dụng phân bổ hoàn toàn trên đảo Cát Bà thuộc huyện Cát Hải. Rừng phòng hộ phân bố hầu hết các quận huyện. Nhìn chung diện tích rừng phòng hộ ven biển của thành phố không nhiều và chủ yếu là rừng trồng thuần loài với các loài cây chủ yếu là: Trang (Kandelia cande), Bần (Sonneratia caseolaris), Phi Lao (Casuariana equisetifolia); Mắm (Avicennia marina). Rừng đặc dụng tại TP Hải Phòng hiện nay do Vườn quốc gia Cát Bà trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát triển không thuộc quy hoạch rừng phòng hộ. Rừng phòng hộ một số diện tích được giao cho người dân quản lý, diện tích còn lại UBND Thành phố Hải Phòng vẫn là đơn vị chính tiếp quản lý.

Diện tích rừng đặc dụng đã được giao cho Vườn quốc gia Cát Bà quản lý 9.931,6 ha, chiếm 44% diện tích rừng và đất lâm nghiệp. Công tác bảo vệ và phát triển rừng, do Vườn quốc gia Cát Bà lập hồ sơ theo kế hoạch hàng năm và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó Vườn quốc gia Cát Bà lập hợp đồng khoán bảo vệ và phát triển rừng cho các hộ gia đình và cộng đồng thông qua ký kết hợp đồng nhận khoán để thực hiện.

b. Thực trạng công tác quản lý RNM tại Thành phố Hải Phòng

Thực trạng về công tác quản lý rừng ngập mặn tại Thành phố Hải Phòng

Bộ máy tổ chức cấp quản lý tại Thành phố Hải Phòng được thực hiện theo chiều dọc từ trên xuống, UBND là đơn vị trực tiếp quản lý về địa giới hành chính trong đó có RNM Hải Phòng. Cấp tỉnh gồm: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Tài nguyên và Môi trường (TN& MT), tiếp đến là Chi cục quản lý đê điều, Chi cục Kiểm lâm,… Cấp huyện gồm: Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện và phòng Kinh tế, Hạt kiểm lâm các quận có cán bộ chuyên viên, chuyên trách theo dõi chỉ đạo công tác bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn quận, huyện. Cấp xã bao gồm: Các xã có 1 Phó chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính theo dõi và triển khai thực hiện.

Việc tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ rừng ngập mặn tại Thành phố Hải Phòng

Về cơ bản đã theo đúng những quy định về quản lý rừng của nhà nước. Ngoài việc thực hiện chính sách về đất đai chung của nhà nước, Thành phố Hải Phòng đã giao đất giao rừng cho các hộ gia đình và các tổ chức nên rừng và đất rừng đã có chủ quản lý, đã hạn chế được nạn khai thác, lấn chiếm rừng trái phép. Tuy việc giao đất, giao rừng chưa gắn với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng cũng giúp cho người dân yên tâm đầu tư xây dựng và phát triển rừng, từ đó xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong quá trình đi thực địa, phỏng vấn người dân sống tại khu vực có RNM xã Phù Long, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Kết quả thực địa cho thấy:

Tại địa phương chưa có sự đồng quản lý giữa người dân và các bên liên quan (cán bộ huyện, xã, các tổ chức, các ban ngành quản lý…). Thực tế hình thức này chỉ được nhắc đến trong các báo cáo hoặc trên cơ sở lý thuyết chứ bản thân người dân cũng chưa thực sự góp phần vào bảo vệ RNM tại địa phương, hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng chưa được chú trọng và phổ biến dẫn đến người dân sống tại khu vực RNM chưa ý thức hết được vai trò của RNM đối với cuộc sống cộng đồng và chính gia đình họ. Mức độ tham gia chủ yếu là lắng nghe và tuyên truyền trong các cuộc họp tổ dân phố chứ ít được tham gia đóng góp ý kiến, đề xuất các hoạt động, vai trò của mỗi tổ chức, cá nhân còn rất mờ nhạt. Một số hộ dân còn cho rằng trách nhiệm bảo vệ RNM là của các cơ quan quản lý, kiểm lâm thành phố, còn các tổ chức tại thôn xóm, cá nhân chỉ mang tính phối hợp, hỗ trợ khi cần thiết. Thêm vào đó nhiều sinh kế của người dân còn gắn liền với RNM, khai thác và sử dụng trong RNM không được kiểm soát chặt chẽ nên diện tích rừng tự nhiên còn lại không còn nhiều.

Thành phố Hải Phòng cũng đã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý rừng như: ứng dụng công nghệ gen trong sản xuất giống cây trồng chất lượng cao. Áp dụng khoa học công nghệ trong việc xây dựng bản đồ hiện trạng rừng.

2. Những tồn tại và nguyên nhân trong quản lý rừng ngập mặn Thành phố Hải Phòng

Kể từ năm 2005 thành phố đã có cơ chế chính sách bổ sung hỗ trợ cho công tác bảo vệ rừng phòng hộ ven biển nhưng mức hỗ trợ quá thấp so với thời giá hiện nay (hỗ trợ 100.000 đồng/ha/năm). Vì vậy, chưa khuyến khích được chủ rừng đầu tư nhiều công sức và trí tuệ vào công tác bảo vệ và phát triển rừng nên kết quả còn rất hạn chế.

Người dân đã nhận thức được tác dụng của rừng, nhưng chưa nhận thức đầy đủ về vai trò vị trí và ý nghĩa của rừng đối với phát triển kinh tế và môi trường trong những năm trước mắt và lâu dài dẫn đến công tác bảo vệ rừng chưa thật sự hiệu quả. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển trồng rừng và chăm sóc rừng chưa được coi trọng đúng mức, hiệu quả sản xuất trồng rừng không cao.

Còn nhiều bất cập trong quản lý đất bãi bồi ven sông, ven biển, đặc biệt là việc giao đất, giao rừng và khoán bảo vệ rừng. Đối với vùng bãi triều ven biển hiện vẫn do nhiều ngành cùng quản lý, sử dụng nên suy giảm diện tích rừng ngập mặn, kéo theo là suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Công tác trồng rừng, chăm sóc rừng và bảo vệ rừng chưa hiệu quả. Do nguồn ngân sách thành phố hạn hẹp nên nhiệm vụ phát triển rừng của thành phố không hoàn thành nhiệm vụ giao, ảnh hưởng lớn đến thực hiện các dự án bảo vệ và phát triển rừng của thành phố. Ngoài ra, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành lâm nghiệp tuy được đầu tư nhưng còn hạn chế và thiếu đồng bộ. Các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh nghề rừng còn ít.

Công tác tuyên truyền còn nhiều bất cập nên nhận thức của người dân nơi đây về vai trò và tác dụng của rừng ngập mặn đối với cuộc sống cộng đồng còn hạn chế. Ngay cả những hộ nuôi trồng thủy sản và những hộ thường xuyên khai thác hải sản trong rừng là những hộ hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp cũng không hiểu hết vai trò của rừng ngập mặn đối với sản xuất, do vậy họ không mấy quan tâm đến công tác bảo vệ và phát triển rừng.

3. Đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác quản lý rừng ngập mặn tại Thành phố Hải Phòng

Nhóm giải pháp về trồng rừng, chăm sóc rừng và bảo vệ rừng

Tiến hành trồng rừng trên những diện tích đất chưa có rừng, hoặc trồng xen vào những diện tích đất với mật độ cây quá thưa không có khả năng phòng hộ, nhưng có đủ điều kiện để trồng rừng thành công do trồng rừng ngập mặn phải sống trong điều kiện ngập nước, bất lợi đối với sinh thái cây trồng nên đòi hỏi phải trồng đúng kỹ thuật, nhân lực, vốn. Đối tượng lựa chọn để thực hiện trồng rừng là diện tích đất bãi triều còn trống, đất bãi bồi hoặc diện tích đất rừng đã có cây nhưng mật độ quá thấp so với định mức.

Công tác chăm sóc rừng ngập mặn là khâu quan trọng dể duy trì mật độ và sinh trưởng phát triển tốt của rừng. Sau khi trồng rừng từ 3 – 6 tháng, cần vớt bỏ rong, rêu, tảo bám trên thân, lá gây hại trong rừng gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây con mới trồng,tạo điều kiện cho cây con quang hợp tốt. Kiểm tra số lượng cây con để trồng dặm đảm bảo mật độ. Trong 3 năm đầu sau khi trồng rừng tiến hành chăm sóc rừng trồng, tiến hành chăm sóc theo định kỳ một năm 1 lần vào mùa khô. Biện pháp chăm sóc trong năm đầu tiên là trồng giặm, luỗng phát dây leo, bụi rậm, loại bỏ cây sâu bệnh. Khi thực hiện các công tác trồng rừng, chăm sóc rừng trồng hay tỉa thưa cần tiến hành lập biên bản đánh giá việc thực hiện các quy trình kỹ thuật và tình hình phát triển của rừng.

Bảo vệ rừng là công việc quan trọng nhất đối với dự án trồng bảo vệ rừng ngập mặn ven biển – TP Hải Phòng. Nếu công tác này không được chú trọng quan tâm đúng mức thì nguy cơ mất rừng là không thể tránh khỏi. Cần có giải pháp dự phòng hạn chế tối đa ảnh hưởng bất lợi của các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển du lịch, đê biển,… đến các hoạt động bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững. Nghiêm cấm việc lấn chiếm rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp để nuôi trồng thủy hải sản, xử lý nghiêm khắc những trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích làm tổn hại đến rừng. Những diện tích sử dụng không đúng quy hoạch cần thu hồi và xử lý nghiêm khắc. Nơi nào nuôi tôm không có hiệu quả, cương quyết lấy lại đất để trồng rừng, tạo môi trường sống lâu dài cho hải sản.

Nâng cao năng lực quản lý các chương trình, dự án, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án, đảm bảo đạt hiệu quả cao; các phường, xã có rừng thành lập Ban phát triển rừng và xây dựng kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của địa phương theo quy hoạch và kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của thành phố đã được phê duyệt.

Khuyến khích và hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, hội sản xuất kinh doanh lâm nghiệp, chế biến và xuất nhập khẩu lâm sản. Xây dựng cơ chế phối hợp lâu dài giữa các tổ chức nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và khuyến lâm với các chủ rừng, doanh nghiệp và cộng đồng để gắn nghiên cứu, đào tạo, khuyến lâm với sản xuất và kinh doanh lâm nghiệp. Chú trọng phát triển hình thức sản xuất lâm nghiệp hộ gia đình, trang trại, cộng đồng dân cư thôn và hợp tác xã. Nhà nước hỗ trợ tài chính để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông, lâm kết hợp. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng và chế biến lâm sản trên cơ sở gắn và chia xẻ lợi ích với cộng đồng; đơn giản hóa các thủ tục hành chính cho các chủ đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Phân công rõ trách nhiệm giữa các ngành liên quan và có cơ chế phối hợp rõ ràng.

Ngành thủy sản cần phát triển nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, nghiên cứu mô hình lâm ngư kết hợp phù hợp với từng vùng. Ngành đê điều và phòng chống lũ lụt xác định hành lang bảo vệ và những nơi có nhu cầu phòng hộ cao cần được ưu tiên đầu tư, coi khôi phục và phát triển rừng ngập mặn là một trong những hạng mục đầu tư và tu bổ đê biển hàng năm để có kế hoạch cấp vốn tương ứng. Ngành du lịch cần tuyên truyền cho du khách có ý thức giữ vệ sinh môi trường, hỗ trợ vốn để phát triển rừng ngập mặn, tạo cảnh quan đẹp, tạo môi trường du lịch sinh thái hấp dẫn.

Song song với việc xây dựng các đề tài, dự án cần tiến hành sớm việc nhân cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân các vùng ven biển về vai trò của hệ sinh thái RNM đối với tài nguyên, môi trường, an ninh quốc phòng và cuộc sống của ngư dân thông qua các tài liệu truyền thông, các lớp tập huấn, các triển lãm di động, hoạt động của câu lạc bộ và các cuộc thi tìm hiểu về lợi ích RNM. Các cơ quan liên quan, cộng đồng các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư địa phương ven biển cần tham gia tích cực vào việc bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Tăng cường giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng trong nhân dân, nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân; vận động các hộ gia đình sống trong và gần rừng ký cam kết bảo vệ rừng; xây dựng và thực hiện các quy ước bảo vệ rừng. Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình làm rừng thay đổi nhận thức, tập quán kinh doanh sản xuất lâm nghiệp.

Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong chọn tạo giống cây trồng rừng, xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu từng vùng phục vụ trồng và chuyển hóa rừng thuần loài thành hỗn loài là một phần giúp công tác quản lý rừng ngập mặn Thành phố Hải Phòng đạt hiệu quả.

Một số giải pháp cụ thể:

Tiến hành trồng rừng trên những diện tích đất chưa có rừng, hoặc trồng xen vào những diện tích đất với mật độ cây quá thưa không có khả năng phòng hộ, nhưng có đủ điều kiện để trồng rừng thành công do trồng rừng ngập mặn phải sống trong điều kiện ngập nước, bất lợi đối với sinh thái cây trồng nên đòi hỏi phải trồng đúng kỹ thuật, nhân lực, vốn.

Định kỳ công tác kiểm kê lại diện tích đánh giá chất lượng rừng, làm các bảng tin, nội quy bảo vệ rừng.

Giao khoán cho các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng mặt nước để khai thác thủy sản, thực hiện tốt công tác xã hội hóa nghề rừng.

Tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào hoạt động quản lý bảo vệ rừng; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Tăng cường áp dụng khoa học và công nghệ tin học vào công tác quản lý, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, theo dõi công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh hại rừng.

KẾT LUẬN

Hiện nay diện tích rừng ngập mặn tại Thành phố Hải Phòng đã bị suy giảm do nhiều nguyên nhân như: phá rừng ngập mặn để nuôi tôm, hiện tượng xói lở bờ sông, công tác bảo vệ và quản lý rừng ngập mặn chưa hiệu quả.

Vì vậy, công tác quản lý rừng ngập mặn tại TP Hải Phòng cần phải có sự đổi mới phối hợp của các cơ quan, tổ chức để giảm tác động tiêu cực và chú trọng tăng cường quản lý có sự tham gia của cộng đồng trong quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng đạt hiệu quả hơn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương (2005): Tạp chí khoa học và môi trường, Hà Nội.
2. Ban quản lý khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà (2013): Báo cáo tổng kết thực hiện các dự án rừng đặc dụng VQG Cát Bà, Hải Phòng.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2012): Báo cáo tổng kết các kịch bản nước biển dâng và khả năng giảm thiểu rủi ro ở Việt Nam, Hà Nội.
4. Carter N. H; Schmidt W. S , and Hirons C. A, 2015. An International Assessment of Mangrove Management: Incorporation in Integrated Coastal Zone Management. Diversity Jounal: 7, 74-104; doi:10.3390/d7020074.
5. Cục Bảo vệ Môi trường (2007): Quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn dựa vào cộng đồng. Hà Nội.
6. Cục thống kê Thành phố Hải Phòng (2012): Niên giám thống kê Thành phố Hải Phòng, NXB Thống kê, Hải Phòng.
7. Duke, N.C., Wilson, N., Mackenzie, J., Hai Hoa, N., 2010. Report on Assessing Mangrove Forests, Shorelines Conditions and Feasibility of REDD for Kien Giang Province, Vietnam, p. 137.
8. Klaus Schmitt (2009): Bảo vệ và sử dụng bền vững đất ngập nước ven biển qua đồng quản lý và khôi phục rừng ngập mặn, nhấn mạnh đến khả năng phục hồi của rừng đối với biến đổi khí hậu, Tổ chức hợp tác kỹ thuật Đức (GTZ). Sóc Trăng.8. Nguyễn Hải Hòa, 2014. The relation of coastal mangrove changes and adjacent land-use: A review in Southeast Asia and Kien Giang, Vietnam. Ocean & Coastal Management: 90, 1-10.
9. Luật bảo vệ và phát triển rừng (2004).
10. Saenger P., 1999. Sustainable management of mangroves. in J Rais, IM Dutton, L Pantimena, R Dahuri & J Plouffe (eds), Integrated coastal and marine resource management: Proceedings of International Symposium, Batu, Malang, Indonesia, 25-27 November, National Institute of Technology (ITN) Malang in association with Bakosurtanal and Proyek Pesisir, Malang, Indonesia, pp. 163-168.
11. Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (2014): Báo cáo quy hoạch rừng phòng hộ ven biển TP Hải phòng đến năm 2020, Hải Phòng.
12. Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (2014): Quy hoạch và phát triển lâm nghiệp TP Hải Phòng 2015-2020. Hải Phòng.
13. Trần Thục, Phan Nguyên Hồng (2009): Biến đổi khí hậu và các hệ sinh thái ven biển Việt Nam. NXB Lao Động, Hà Nội


PSG. TS Đặng Tùng Hoa
Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
PGS.TS Nguyễn Thị Lan HươngTrường Đại học Thủy Lợi