BVR&MT – UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành Quyết định số 2774/QĐ-UBND, về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản.
Các nội dung chính của Kế hoạch gồm: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, của đảng viên, công chức, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đất đai, khoáng sản.
Làm tốt công tác rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tham mưu, đề xuất góp ý sửa đổi, bổ sung các nội dung không còn phù hợp hoặc có mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật, đề xuất ban hành các quy định quy phạm mới để giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh.
Trong lĩnh vực đất đai, UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, thống kê, đánh giá thực trạng tình hình vi phạm pháp luật đất đai trên toàn tỉnh, phân loại, xử lý và đề xuất lộ trình xử lý phù hợp, đề xuất các giải pháp để hạn chế vi phạm. Rà soát, đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố làm tốt công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Định kỳ 6 tháng/lần giao ban với Phòng TN&MT, UBND các huyện, thị xã, thành phố để hướng dẫn giải quyết các vấn đề phát sinh.
Nghiên cứu xây dựng các phần mềm quản lý dữ liệu về đất đai tại Sở, bảo đảm theo dõi đầy đủ, kịp thời tình hình quản lý, sử dụng đất với các trường hợp đã có thủ tục, hồ sơ tại Sở, mở rộng trên địa bàn tỉnh, thí điểm lập bản đồ giá đất, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trong năm 2022-2023.
Kiện toàn, đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở theo hướng tập trung chủ động đề xuất, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch để có mặt bằng “sạch” phục vụ việc giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm công khai, minh bạch, tăng ngân sách nhà nước.
Thường xuyên công khai trên trang web của Sở TN&MT các nội dung về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thông tin các dự án kinh doanh bất động sản đủ điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, tra cứu dễ dàng, thuận lợi. Tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai, tập trung kiểm tra công tác quản lý nhà nước của UBND cấp huyện, xã, nhất là với quỹ đất công, đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kiên quyết tham mưu xử lý cơ quan vi phạm, người đứng đầu của cơ quan vi phạm. Định kỳ công khai trên trang web của Bộ TN&MT, UBND tỉnh, Sở TN&MT, đề xuất UBND tỉnh xử lý, thu hồi đất với những dự án để đất hoang hóa, lãng phí, những dự án có biểu hiện đầu cơ, trục lợi về đất.
UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng về cấp GCNQSDĐ lần đầu. Có giải pháp ngăn chặn tình trạng nông dân bỏ ruộng canh tác, đầu cơ mua gom ruộng trái quy định, chấn chỉnh ngay tình trạng một số UBND cấp xã, cán bộ cấp xã, cán bộ thôn hỗ trợ vận động việc chuyển nhượng hoặc chứng thực, xác nhận hợp đồng chuyển nhượng ruộng đất không đúng pháp luật. Tổ chức thanh, kiểm tra hàng năm với các dự án được giao đất, cho thuê đất của hộ gia đình, cá nhân có dấu hiệu vi phạm về đất đai…
Trong lĩnh vực khoáng sản, UBND tỉnh giao Sở TN&MT kiểm tra tổng thể tình hình chấp hành pháp luật tài nguyên môi trường với các chủ giấy phép thăm dò, khai thác trên địa bàn tỉnh, phân loại, xử lý và đề xuất lộ trình xử lý phù hợp với từng loại vi phạm, báo cáo UBND tỉnh trong năm 2022. Tăng cường tham mưu cấp phép khai thác khoáng sản qua hình thức đấu giá quyền khai thác. Không cấp phép, gia hạn với những khu vực không đáp ứng đúng các yêu cầu theo quy định của pháp luật khoáng sản.
Quản lý chặt chẽ khối lượng, trữ lượng khoáng sản thực tế khai thác tại các mỏ, tránh thất thoát ngân sách nhà nước. Nghiên cứu thí điểm việc lắp đặt hệ thống camera giám sát, trạm cân tự động tại các vị trí đưa khoáng sản ra khỏi mỏ và truyền dữ liệu liên tục, tự động về Sở TN&MT, Cục Thuế tỉnh để giám sát.
Chủ trì xây dựng phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Rà soát các khu vực đề nghị bổ sung vào phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050.
Tăng cường kiểm tra hiện trạng, đẩy mạnh các biện pháp bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản. Hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các chủ giấy phép thực hiện nghiêm việc cải tạo, phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ sau khai thác. Tăng cường thanh, kiểm tra về khoáng sản, kiên quyết xử lý các vi phạm về đất đai, khoáng sản, môi trường, nghĩa vụ tài chính,… trong quá trình hoạt động khoáng sản.
Giao Sở Công Thương chủ trì, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hoạt động vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là than, cát, sỏi lòng sông, đất làm vật liệu san lấp không rõ nguồn gốc.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động đề xuất các nội dung phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Kiên quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu chính quyền địa phương, nhất là cấp xã trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, nếu để xảy ra hoạt động khai thác khoáng sản trái phép kéo dài trên địa bàn quản lý mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Sơn Tinh