Hà Tĩnh: Hội nghị “Nông nghiệp đô thị và giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp bền vững”

BVR&MT – Vừa qua, Hội nghị “Nông nghiệp đô thị và giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp bền vững” được diễn ra tại TP. Hà Tĩnh. Sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, mở ra cơ hội hợp tác chuyển đổi số cho mô hình nông nghiệp đô thị trên địa bàn tỉnh và trong khu vực.

Toàn cảnh hội nghị.

Tham dự sự kiện có gần 150 đại biểu từ các Sở ban ngành và các chuyên gia đầu ngành, Chương trình “Nông nghiệp đô thị và giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp bền vững” do UBND Thành phố Hà Tĩnh phối hợp với Trường Cao đẳng công nghệ cao Hà Nội và Câu lạc bộ Đầu tư & xúc tiến thương mại Việt Nam (VINATIPC).

Với mục đích hướng đến nhằm kết nối và hỗ trợ nghiên cứu, phát triển thị trường cho các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dệt may, da giầy; điện tử – tin học; sản xuất lắp ráp ôtô, cơ khí chế tạo, các sản phẩm hỗ trợ phát triển cho công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao trong Tỉnh và trong khu vực. Đồng thời, nâng cao kiến thức về nông nghiệp đô thị và chuyển đổi số trong nông nghiệp đối với cán bộ, người dân, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã, tổ hợp tác tại địa phương. Qua đó khuyến khích, tạo điều kiện để phát triển các ý tưởng, mô hình, dự án về nông nghiệp, nông nghiệp đô thị; giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển nông nghiệp đô thị và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Cùng với đó, tạo kết nối giữa các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ liên quan đến nông nghiệp trong khu vực, giữa chuyên gia và doanh nghiệp và các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tại địa phương và trong khu vực miền trung, kết nối và hỗ trợ nghiên cứu, phát triển thị trường cho các doanh nghiệp thuộc các ngành sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh và khu vực.

Hội nghị đã thảo luận đưa ra nhiều giải pháp chuyển đổi số trong nông nghiệp bền vững.

Trong khuôn khổ chương trình, Hội nghị đã thảo luận về các giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị, việc chuyển đổi số trong nông nghiệp áp dụng vào giải quyết các vấn đề trong nông nghiệp; Tìm hiểu về internet vạn vật (IOT) tương lai của chuyển đổi số trong nông nghiệp; Cơ giới hóa, cơ khí chế tạo trong nông nghiệp vấn đề cốt lõi trong thúc đẩy phát triển nông nhiệp tại địa phương; Truy xuất nguồn gốc, nhật ký điện tử, Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất doanh nghiệp nông nghệp; hợp tác xã, nông dân; công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho các sản phẩm nông nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị ông Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá cao mô hình chuyển đổi số nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Việt – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN & PTNT Tỉnh Hà Tĩnh cho biết, quỹ đất thành phố Hà Tĩnh có 360.000ha rừng và đất lâm nghiệp mang lại tiềm năng lợi thế để phát triển cây lâm nghiệp, dược liệu và du lịch sinh thái. Đất nông nghiệp trên 100.000ha đất sản xuất nông nghiệp, ngoài ra còn có khoảng chục nghìn ha đất nuôi trồng thủy sản…

Trong thời gian vừa qua, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có nhiều mô hình về nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số bước đầu đã đạt được kết quả nhất định. Định hướng trong tương lai, tỉnh tiếp tục thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn xây dựng tỉnh Hà Tĩnh chuẩn NTM, chuyển đổi số để phục vụ phát triển kinh tế nông thôn, đưa chuyển đổi số trong nông nghiệp thành mục tiêu quan trọng.

Tỉnh cũng mong muốn các chuyên gia, doanh nghiệp tiếp tục khảo sát trên địa bàn thành phố lựa chọn ra một số mô hình tiêu biểu để nhân rộng. Đối với địa bàn khó khăn cần phải tìm loại đặc sản đặc hữu hiện có để nâng cao chất lượng, số lượng hàng hóa, không chạy theo các tỉnh khác mà tập trung nghiên cứ du nhập đặc sản đặc hữu trên thế giới có thể đưa vào địa bàn tỉnh để phát triển, hình thành hàng hóa mới. Đồng thời, các làng nghề truyền thống tiếp tục cơ cấu lại kinh tế nông thôn, đưa chuyển đổi số vào làng nghề để nâng cao giá trị hàng hóa.

Đào Thúy