Hà Nội: Xử lý các điểm ‘nóng’ về ô nhiễm môi trường

BVR&MT – Ngày 7/6, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn thành phố.

Khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội trong tình trạng mù mịt, tầm nhìn xa hạn chế. Ảnh tư liệu: Thành Đạt/TTXVN

UBND thành phố Hà Nội cũng vừa nhận báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong quý I/2022 (Từ 15/12/2021 – 15/3/2022), Công an thành phố đã phát hiện, xử lý 661 vụ việc, 667 cá nhân, 7 tổ chức vi phạm về xây dựng, môi trường đô thị; xử phạt thu nộp ngân sách trên 1,6 tỷ đồng. Sở phối hợp với Thanh tra Sở Giao thông Vận tải xử phạt 73 trường hợp lôi kéo bùn đất gây mất an toàn giao thông, vệ sinh đường bộ, xử phạt thu nộp ngân sách 397 triệu đồng.

Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã tiến hành kiểm tra 2.711 công trình; qua đó, phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý 36 trường hợp có vi phạm và đã xử lý dứt điểm 19/36 trường hợp vi phạm, đang tiếp tục xử lý các trường hợp còn lại. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 168 quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 820 triệu đồng. Ngoài ra, Thanh tra Sở Xây dựng đã tổ chức 19 cuộc kiểm tra; qua đó, phát hiện, lập hồ sơ và ban hành 9 quyết định xử phát hành chính trong xây dựng với tổng số tiền 260 triệu đồng.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã lập danh sách hậu kiểm công tác bảo vệ môi trường đặc biệt đối với các dự án, công trình thi công xây dựng trên địa bàn các quận nội thành để triển khai trong năm 2022.

Về kết quả thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30/10/2017 về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ, theo báo cáo từ 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, tính đến hết năm 2021 còn 316 bếp than tổ ong, đã loại bỏ được 54.176 bếp (giảm 99,42% so với năm 2017).

Theo kết quả thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định, hiện tượng đốt rơm rạ tiếp tục xảy ra sau thu hoạch vụ Hè Thu năm 2021 ở một số quận/huyện, tỷ lệ phần trăm trung bình đốt rơm rạ vụ Hè Thu năm 2021 là 3,6%, cao hơn cùng thời điểm vụ Hè Thu năm 2020 – chỉ khoảng 2,2%.