Xem xét mức hỗ trợ mặt bằng sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề

BVR&MT – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội vừa tiến hành rà soát các chính sách của thành phố hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố.

Theo đó, trong thời gian qua, chính sách hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội theo Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 4/12/2013 của HĐND thành phố và Quyết định số 31 /2014/QĐ-UBND ngày 4/8/2014 của UBND thành phố. Từ năm 2015, các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện chính sách này.

Sở NN&PTNT cho biết, về mặt bằng sản xuất, Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND quy định: Việc hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề sẽ được khuyến khích, ưu tiên giao đất, cho thuê đất tạo mặt bằng sản xuất trong các làng nghề. Tạo điều kiện thuận lợi về giao đất có thu tiền sử dụng đất tại các cụm cơ sở ngành nghề nông thôn. Được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Được ưu tiên giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp tập trung khi sản xuất ngành nghề đòi hỏi nghiêm ngặt về xử lý ô nhiễm môi trường.

Rác thải sinh hoạt là một trong những vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, diện tích sản xuất tại các làng nghề rất chật hẹp, phần lớn các hộ sản xuất chủ yếu trên diện tích đất ở, vì vậy hiện có nhiều làng nghề có nhu cầu để mở rộng sản xuất.

Cũng theo Sở NN&PTNT, tại Điều 32, Mục 2, Chương V, Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp quy định cụ thể về mức ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở sản xuất kinh doanh tại các làng nghề khi di dời vào các cụm công nghiệp. Tại Điều 7, Chương III Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 của Chính phủ về Phát triển ngành nghề nông thôn quy định: Các cơ sở ngành nghề nông thôn đề xuất dự án đầu tư có hiệu quả được tạo điều kiện thuận lợi về giao đất có thu tiền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với dự án đầu tư đòi hỏi nghiêm ngặt về xử lý ô nhiễm môi trường, bảo đảm yêu cầu nghiên cứu, sản xuất sản phẩm mới được ưu tiên giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất tại các khu, cụm công nghiệp tập trung. Ngân sách địa phương hỗ trợ kinh phí để di dời các cơ sở ngành nghề nông thôn ra khỏi khu dân cư đến địa điểm quy hoạch, mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định.

Liên quan đến việc hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề, Nghị quyết 25/2013/NQ-HĐND ngày 4/12/2013 của HĐND thành phố quy định: Được ngân sách hỗ trợ 100% kinh phí để xây dựng công trình trạm xử lý chất thải đầu mối của khu thu gom xử lý chất thải tập trung; khu tập kết chất thải rắn. Các chi phí còn lại được huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó mức hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/dự án (quy định tại Quyết định số 6230/QĐ-UBND ngày 18/11/2015 của UBND thành phố phê duyệt kế hoạch thực hiện chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020).

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề xảy ra ở các dạng phổ biến. Ô nhiễm nước tại các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, nước thải được đổ trực tiếp ra hệ thống cống rãnh chung hoặc thải ra sông, hồ. Ô nhiễm không khí gây bụi, mùi, tiếng ồn; ô nhiễm chất thải rắn do tái chế nguyên liệu (nhựa, kim loại …) hoặc do bã thải của các loại thực phẩm chế biến, các loại rác thải thông thường.

Trước đó, ngày 31/8/2017, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 6136/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, trong đó tiếp tục xác định: Bố trí kinh phí từ ngân sách xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống, cần được bảo tồn và cơ chế 100% kinh phí cho một số làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xây dựng công trình trạm xử lý nước thải đầu mối của khu gom xử lý nước thải tập trung; khu tập kết chất thải rắn cho các doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã, hộ gia đình đầu tư xây mới công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung tại các làng nghề có mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nước thải, chất thải gây ra, có dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định và nằm trong kế hoạch thực hiện hằng năm. Ưu tiên phân bổ không thấp hơn 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề, ưu tiên cho các địa phương có làng nghề truyền thống và làng nghề được công nhận.

Tuy nhiên, theo Nghị định 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ, nội dung này thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, vì vậy, Sở NN&PTNT sẽ tham mưu UBND thành phố quy định cụ thể mức hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế.

Thạch Thảo (tổng hợp)