Phúc Thọ – Hà Nội: Trồng dâu lấy quả mang lại giá trị kinh tế cao

BVR&MT – Xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ,TP. Hà Nội) thời điểm tháng 4 đang vào cuối vụ thu hoạch quả dâu. Bà con nông dân phấn khởi vì một vụ mùa đạt về cả sản lượng lẫn giá trị.

Trồng cây dâu mang lại giá trị kinh tế cao tại xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội.

Cây dâu là cây trồng lấy lá nuôi tằm. Theo người dân xã Hiệp Thuận cho hay, dâu tằm được trồng từ rất lâu, nhiều nhất từ khoảng 5 – 6 năm nay. Bây giờ, người dân trồng để lấy quả đem lại giá trị kinh tế cao trong những năm gần đây. Mùa thu hoạch quả dâu chín từ khoảng cuối tháng 3, kéo dài hết tháng 4, khắp xã Hiệp Thuận người dân tấp nập thu hoạch và luôn được mùa, được giá.

Đường vào vườn cây dâu thôn Hiệp Thuận, xã Hiệp Thuận.

Giữa tháng 4, trời đầy nắng, phóng viên đến với vùng quê ven sông thuộc thôn Hiệp Thuận xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Tuy đã là cuối mùa thu hoạch quả dâu, dưới tán lá là những tiếng cười, nói vui vẻ của người dân đang vụ cuối thu hoạch.

Bà Hoàng Thị Tý, thôn Hiệp Thuận, xã Hiệp Thuận.

Bà Hoàng Thị Tý vui vẻ tiếp đón phóng viên và chia sẻ: “Trước kia gia đình ra bãi bồi ven sông làm kinh tế trồng nhiều loại cây như ngô, khoai, lạc, nhưng từ khi chuyển sang cây dâu trồng lấy quả gia đình có thu nhập kinh tế cao lên. Hiện tại, gia đình tôi mỗi ngày thu hoạch với 3 người thì được 1,2 tạ đến 1,3 tạ giá trung bình 15.000 đồng – 20.000 đồng. Bây giờ cuối vụ, lượng quả của cả thôn Hiệp Thuận ít, giá thương lái mua tại vườn đến 30.000 đồng/kg”.

Trên đường đến vườn, đúng là cuối vụ thu hoạch quả dâu chỉ còn rất ít quả người dân vẫn thu hoạch và thương lái mua với giá 28.000 đồng. Thông tin thêm với Phóng viên, Bà Tý cho biết, vườn dâu gia đình có 40 gốc cây dâu, năm nay dự kiến thu hoạch vụ này thu được hơn 40 triệu đồng. Đó là thành quả sau nhiều năm chuyển đổi cây trồng thay thế các cây hoa màu ngày xưa.

Cũng theo người dân tại đây, cây dâu là loại dễ trồng, chi phí thấp hơn nhiều so với các loại cây hoa màu khác, trừ đầu tư phân bón, tính ra mỗi sào đầu tư từ 1 – 2 triệu đồng, người nông dân vẫn có thu nhập cao. Khi cây dâu đã thu hoạch quả xong, người dân sẽ chặt bỏ chỉ để lại gốc để chăm sóc kỹ thuật đến vụ sau.

Khi thu hoạch quả dâu, người dân chặt các cành để lại gốc.

Được biết cây dâu tằm là loại cây dễ sống, lá thường dùng cho tằm ăn, nhưng nhờ lợi ích từ quả dâu mang lại cao hơn lấy lá, người dân thôn Hiệp Thuận đã chuyển đổi sang lấy quả. Cây dâu trồng hơn 1 năm thì đã cho quả thu hoạch được. Quả dâu có vị ngọt khi chín, làm thức uống giải khát ngày hè. Cây này cũng ít bệnh, công chăm sóc không nhiều, phân bón, tưới cây cũng không tốn nhiều công sức mà cây đơm hoa kết quả cao.

Chính vì vậy, Cây dâu tằm đã đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Tuy nhiên, việc trồng dâu ở Hiệp Thuận vẫn mang tính tự phát, do vậy cần sự quan tâm của cơ quan chức năng để xây dựng thương hiệu và ổn định đầu ra cho cây dâu. Theo đúng Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững của Nhà nước.

Văn Trì