Hà Nội tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho tiểu thương các khu chợ đầu mối

BVR&MT – Sáng 17/4, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp của Ban Chỉ đạo sáng 17/4.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, trong hai ngày qua (15 và 16/4), Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới Covid-19. Đến nay, Hà Nội có tổng số 112 ca mắc (giảm hai ca so với báo cáo trước, do có hai ca được phát hiện tại các khu cách ly tập trung tỉnh Đồng Tháp và Thanh Hóa, đã được Bộ Y tế điều chỉnh số liệu).

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các đơn vị tiếp tục tuyên truyền thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng, các biện pháp phòng dịch và các giải pháp, nhất là việc đeo khẩu trang và thường xuyên vệ sinh cá nhân, hạn chế bắt tay, kể cả khi dịch đã có thể khống chế. Đồng thời, khuyến khích người dân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thương mại trực tuyến, hạn chế dùng tiền mặt, hạn chế các hoạt động tập trung đông người, thường xuyên kiểm tra sức khỏe và hạn chế tiếp xúc người khác khi gặp vấn đề về sức khỏe… Sở Văn hóa nghiên cứu đưa các yêu cầu này vào quy định ứng xử nơi công sở, nơi công cộng.

Tiếp tục rà soát, phát hiện các đối tượng F1, F2. Tiếp tục yêu cầu các trường hợp mua thuốc cảm, ho, sốt… khai báo y tế, được lấy mẫu xét nghiệm miễn phí, coi đây là một nguồn phát hiện các ca nhiễm covid-19.

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu xét nghiệm tất cả người dân còn lại ở thôn Đông Cứu (xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín). Tổ chức xét nghiệm các tiểu thương tại các chợ đầu mối như: chợ Long Biên, chợ đầu mối phía nam, chợ gia cầm Hà Vĩ… bởi đây là nơi tập trung đông người, giao tiếp nhiều. Trong hai ngày cuối tuần 18, 19/4, cần thử lấy mẫu xét nghiệm của người bán, người mua hàng tại các khu chợ để đánh giá mức độ, khả năng lây nhiễm, là một nguồn dữ liệu đánh giá tốc độ lây nhiễm trên địa bàn. Sở Y tế phải tập huấn cho y tá, bác sĩ nâng cao năng lực xét nghiệm để lấy được khoảng 5.000 đến 6.000 mẫu mỗi ngày, đồng thời nâng cao hiểu biết về Covid-19, cách thức phun khử khuẩn, xác định ứng phó lâu dài với dịch bệnh này. Để hạn chế thấp nhất việc lây nhiễm trong đội ngũ cán bộ y tế.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, các bệnh viện, địa phương phải báo cáo thống kê về trang thiết bị y tế đã mua, thống kê, báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của thành phố trước tối chủ nhật (ngày 19/4), lưu kho dự trữ. Không được dùng các trang, thiết bị y tế này để khám chữa bệnh thông thường, chỉ dùng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Hiện, Công an thành phố đang xem xét các trường hợp vi phạm của CDC Hà Nội trong việc mua sắm trang, thiết bị y tế phòng dịch Covid-19, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm, không bao che.

Song song với công tác phòng, chống Covid-19, các đơn vị cũng phải thực hiện nhiều biện pháp phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Các huyện phải bảo đảm năng suất của vụ xuân hè và tăng cường chăn nuôi, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, bảo đảm tốt tăng trưởng kinh tế. Các quận huyện đánh giá lại thực tế diễn biến dịch bệnh để lên phương án có thể nối lại các hoạt động bình thường tại các địa bàn không có nguy cơ.

Thành phố sẽ rà soát các hộ kinh doanh cá thể, buôn bán nhỏ lẻ, tiểu thương, lao động tự do… đang bị ảnh hưởng nặng nề, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ triển khai các gói hỗ trợ một cách công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để xảy ra thất thoát.

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở thực tiễn, nghiên cứu mở rộng học trực tuyến, làm việc với Bộ để công nhận kết quả bằng hình thức học trực tuyến; có phương án kỹ càng cho học sinh quay trở lại trường học; tổ chức các kỳ thi theo hướng giảm môn thi, giảm số lượng bài thi, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng thi.