BVR&MT – Sáng 15/3, Thường trực HĐND TP Hà Nội họp phiên giải trình về việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử và quản lý lễ hội.
Sáng 15/3, Thường trực HĐND TP Hà Nội khóa XV tiến hành Phiên giải trình việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội; Quy tắc ứng xử nơi công cộng và công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn TP trong sáng 15/3/2018. Phiên giải trình được trực tuyến tại 30 điểm cầu các quận, huyện, thị xã.
Trong nửa buổi sáng 15/3, nhóm vấn đề thứ nhất về 2 bộ quy tắc ứng xử của TP đã có 8 lượt ĐB HĐND TP nêu câu hỏi và 10 lượt ý kiến đại diện cho UBND TP, sở, ngành, cơ quan, đơn vị, quận, huyện, xã, phường… tham gia làm rõ và giải trình. Nhìn chung, “các ĐB HĐND TP thể hiện rất tâm huyết, trách nhiệm; đặt những câu hỏi rất rõ ràng, bám sát các vấn đề còn ý kiến tranh luận, để chỉ ra các tồn tại, hạn chế cũng như làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Các đại diện cơ quan, đơn vị, địa phương cũng thể hiện sự nghiêm túc, trả lời thẳng thắn vào các vấn đề mà ĐB quan tâm và nhận trách nhiệm của đơn vị mình. Trên cơ sở đó, một số ý kiến của các ĐB đã cơ bản giải trình, chỉ ra lộ trình để khắc phục những hạn chế tồn tại đó và rất quan tâm để có phương hướng tới đây chuyển biến tích cực hơn nhằm thực hiện tốt 2 bộ quy tắc ứng xử này.
Kết thúc nhóm vấn đề thứ nhất, phiên giải trình bước vào nhóm vấn đề thứ 2 về công tác tổ chức, quản lý lễ hội trên địa bàn TP.
Vẫn còn hình ảnh chưa văn minh tại lễ hội
Mở đầu phiên giải trình về nhóm vấn đề thứ 2, ĐB Hoàng Tú Anh đề nghị Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức làm rõ công tác thanh tra kiểm tra và trách nhiệm để xảy ra tình trạng bán thịt sống, thịt động vật thú rừng vẫn còn bày bán tràn lan tại chùa Hương?
Trong quản lý hòm công đức tại các cơ sở đền chùa và các di tích, đại biểu Hồ Vân Nga đề nghị Giám đốc Sở VHTT làm rõ việc triển khai nhiệm vụ hướng dẫn quản lý công đức thế nào? Theo Giám đốc Sở, việc triển khai đặt và quản lý các hòm công đức thì đã đúng quy định chưa? Nếu sai trách nhiệm thuộc về ai và biện pháp khắc phục.
ĐB Vũ Ngọc Anh – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Đô thị HĐND TP đặt vấn đề: Khảo sát của Ban mới đây cho thấy hoạt động trông giữ phương tiện tại đình, đền, chùa thời gian gần đây vẫn còn diễn biến phức tạp, còn nhiều sai phạm và nhiều điểm trông giữ xe không phép phát sinh, chưa được xử lý nghiêm, cụ thể như bãi xe không phép tại khu vực Phủ Tây Hồ, điểm trông xe khu vực Văn Miếu-Quốc Tử Giám, cổng chùa Trấn Quốc.
Về nội dung này, dù UBND TP đã có văn bản số 113 ngày 1//1/2018 yêu cầu rõ: UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Vậy, đề nghị Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết nguyên nhân tại sao, trách nhiệm của quận và biện pháp khắc phục?
ĐB Nguyễn Quang Thắng đặt vấn đề, dù chúng ta đã tuyên truyền rất nhiều, tại các điểm di tích, lễ hội đều niêm yết các quy định về trang phục, việc thực hiện ứng xử văn minh, nhưng thực tế tại các khu vực này vẫn còn hiện tượng rất nhiều người mặc trang phục phản cảm tham gia lễ chùa, đặt tiền công đức không đúng quy định, nhiều di tích đặt quá nhiều hòm công đức… Đề nghị Giám đốc Sở VHTT cho biết việc đánh giá hiệu quả tuyên truyền việc thực hiện tổ chức lễ hội theo nếp sống văn minh đã được thực hiện chưa, và nếu chưa thì để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm thuộc về ai, nguyên nhân và giải pháp khắc phục thời gian tới?
Chùa Hương không có chuyện bày bán thịt thú rừng
Trả lời các câu hỏi về việc bày bán tràn lan thịt sống, thịt thú rừng, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt cho biết hiện tượng này vẫn còn. “Vì thế, chúng tôi đã tăng cường xử lý thường xuyên. Có BTC lễ hội hàng ngày kiểm tra. Ngày hôm qua (14/3) đã xử lý 23 trường hợp với hơn 17 triệu đồng với các trường hợp bày bán thức ăn không đảm bảo VS ATTP.
Đáng chú ý, tại các cuộc kiểm tra đều xác định là thịt giả thú rừng chứ không phải là thịt thú rừng như báo chí phản ánh. Vì thế, chính quyền và ban quản lý lễ hội đã tăng cường quản lý và xử lý nghiêm. Cho nên, tình trạng này đã được giải quyết từng ngày. Chính quyền huyện đã yêu cầu 400 hộ kinh doanh phải ký cam kết không bày bán thịt sống, nếu sai phạm thì sẽ thu hồi giấy phép kinh doanh.
Giải trình về công tác tổ chức lễ hội trên địa bàn, Chủ tịch UBNĐ quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cho biết, tại quận có 16 lễ hội, với nhiều lễ hội quy mô hơn và có 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt là Văn Miếu-Quốc Tử Giám.
Thời gian qua và nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán Mậu Tuất, UBND quận đã chỉ đạo các lực lượng công an, thanh tra GTVT, UBND các phường tập trung đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các khu vực diễn ra lễ hội, cơ bản có kết quả tốt, được Nhân dân ghi nhận. Song, xung quanh khu Văn Miếu-Quốc Tử Giám có một điểm trông giữ xe tại vỉa hè phố Văn Miếu do UBND quận Đống Đa cấp phép (theo phân cấp 41).
Để đảm bảo nhu cầu người dân đến tham quan dịp Tết, UBND TP cũng cho phép đỗ xe tại khu vực Vườn Giám (từ 24 tháng Chạp đến mùng 6 tháng Giêng Mậu Tuất). Trong quá trình thực hiện, các đơn vị này đúng này có vượt quá diện tích được cấp phép, một số hộ dân tự phát trông giữ xe. Khi phát hiện, UBND quận đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm tại đây, nên sau mùng 5 Tết không còn hiện tượng này tại các khu vực của quận.
Tới đây, UBND quận sẽ chỉ đạo các lực lượng kiểm tra hết các điểm đỗ xe trên địa bàn, trên cơ sở các điểm có đủ điều kiện thì chúng tôi sẽ báo cáo Sở GTVT cấp phép để đưa vào quản lý theo quy định. Cũng kính đề nghị UBND TP tiếp tục cho phép Trung tâm hoạt động khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám trông giữ xe tại khu vực Vườn Giám để đảm bảo phục vụ Nhân dân trong các dịp lễ tết.
Cũng tại phiên giải trình, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Tô Văn Động cho biết, về việc đặt hòm công đức, theo quy định, mỗi di tích được đặt 1-3 hòm công đức. Những năm qua, Hà Nội đều thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, có một số di tích có số lượng hòm công đức đặt nhiều hơn. Trong kỳ lễ hội chính, số lượng khách đến đông nên số lượng hòm công đức không đáp ứng được nên dẫn đến tình trạng chen lấn. Chính vì vậy, một số trụ trì tại một số di tích đã linh hoạt trong việc đặt hòm công đức.
Về thực trạng của việc sử dụng tiền công đức, đối với các Di tích có ban quản lý, có sự giám sát của chính quyền địa phương, việc thu chi đều thực hiện thông qua kho bạc Nhà nước và công khai trước dân và đảm bảo theo quy định.
Về giải pháp, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao cho biết, sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động các vị sư chủ trì và Nhân dân thực hiện tốt công tác quản lý sử dụng tiền công đức tại các lễ hội và các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP công khai minh bạch.
Giao trách nhiệm quản lý, kiểm tra, giám sát cụ thể trong UBND cấp xã, phường để nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng tiền công đức tại các lễ hội.
Để tăng cường hơn nữa tiền công đức, UBND TP Hà Nội đã có công văn có số 9559 ngày 11/10/2017 về việc thực hiện kế hoạch số 120, trong đó, giao Sở Tài Chính Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa TT khẩn trương tham mưu báo cáo UBND TP ban hành quy định về việc sử dụng tiền công đức tại các lễ hội, thời gian hoàn thành vào tháng 6/2018.
Về việc trang phục lễ chùa còn phản cảm, theo Giám đốc Sở Văn hóa TT cần tập trung vào việc tuyên truyền, có nhiều hình thức để làm vừa lòng du khách đảm bảo đúng tính chất của lễ hội. Một số lễ hội rườm rà, phức tạp sẽ thực hiện theo đúng nội dung, không thương mại hóa, cọi trọng lợi ích.
Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà nhận định cơ bản đạt yêu cầu. Thường trực HĐND TP ghi nhận sự nỗ lực và đạt kết quả cao của UBND TP trong việc triển khai 2 bộ quy tắc ứng xử cũng như công tác quản lý lễ hội trên địa bàn TP, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế, và tại phiên giải trình, đại diện các cấp, các ngành đã đưa ra những giải pháp khắc phục ngay.
“Thường trực HĐND TP sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến của các ĐB HĐND TP chưa được phát biểu tại phiên giải trình hôm nay để gửi cho UBND TP để tiếp tục có báo cáo giải trình gửi đến ĐB HĐND TP. Đồng thời, Thường trực HĐND TP sẽ có kết luận cụ thể bằng văn bản cho từng nhóm vấn đề để UBND TP cùng các cơ quan, địa phương trên cơ sở đó quan tâm xem xét và giải quyết thực hiện theo quy định”, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà khẳng định.