BVR&MT – Cơn bão số 3 (tên quốc tế Yagi) đi qua không chỉ để lại hậu quả nặng nề cho các tỉnh phía Bắc nước ta mà ngay tại thủ đô Hà Nội, người dân trồng đào cảnh, quất cảnh phục vụ Tết cổ truyền tại các phường Nhật Tân, Tứ Liên (quận Tây Hồ) cũng đang lâm vào cảnh trắng tay vì hàng vạn gốc cây cảnh bị nước lũ nhấn chìm bị thiệt hại không thể hồi phục.
Thống kê của quận Tây Hồ ước tính ảnh hưởng mưa lũ đối với diện tích đào, quất ở các phường Nhật Tân, Tứ Liên và Phú Thượng là 140 ha, thiệt hại lên tới hàng chục ngàn gốc.
Ông Thụ, lão nông có kinh nghiệm hơn hai chục năm trồng đào tại cụm 2, phường Nhật Tân chia sẻ, dù một số cây đào cao hơn còn sót lại, nhưng sau một tuần ngâm mình trong nước, rễ cây đã bị úng, khó có thể phục hồi. Thiệt hại với gia đình ông ước tính khoảng 100 triệu đồng.
Cô Luyến (cụm 4, phường Nhật Tân) đang tự tay chặt bỏ hàng trăm gốc đào vì không thể cứu vãn nổi. Người phụ nữ trung niên xót xa nói: “Tiếc của lắm chứ nhưng chẳng biết phải làm sao! Giờ chúng tôi chỉ còn cách nhổ hết đào lên để trồng hoa ngắn ngày thôi chứ giờ trồng lại cũng không kịp để phục vụ Tết”.
Đối với các hộ ươm trồng giống đào Thất Thốn thì thiệt hại còn nhân lên gấp bội vì đây là giống đào quý và rất đắt đỏ.
Tương tự làng đào Nhật Tân, dân làng quất Tứ Liên những ngày này cũng đang “khóc dở mếu dở” khi tài sản của họ đã tàn lụi theo dòng nước lũ. Hàng vạn chậu quất cảnh của người dân tan tác, tiêu điều chỉ sau một tuần ngập nước.
Chị Hằng (cụm 7, phường Tứ Liên) thẫn thờ nhìn vườn quất mấy tháng nay mình nâng niu, chăm bẵm nay mất trắng mà chua chát: “Nhà chị có 800 chậu, lũ dâng nhanh quá chỉ kịp chuyển vài chục chậu đi. Giờ nhìn vườn quất tan hoang mà nghẹn lòng chẳng còn thiết tha gì”.
Lũ rút đi để lại lớp bùn đất đặc quánh bám chặt vào cành lá, quả và thân cây.
Cả làng quất xanh mướt giờ chỉ nhuốm một màu vàng nâu của sự xác xơ, hoang tàn.
Người dân mong chờ chính quyền sẽ sớm làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội để có phương án hỗ trợ người dân vay vốn, tái thiết sản xuất.
Hậu Thạch