Hà Nội: Siết chặt công tác quản lý xây dựng và môi trường

BVR&MTUBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 218/KH-UBND triển khai Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng, môi trường trên địa bàn thành phố.

Một công trình sai phạm trên đất rừng tại Sóc Sơn, Hà Nội.

Theo Kế hoạch số 218/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội, nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng, UBND thành phố yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp, nhiệm vụ được UBND thành phố giao tại nội dung một số kế hoạch chuyên đề trong công tác quản lý đô thị.

Theo đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát điện; hoàn thành các dự án phát triển nguồn tập trung và các dự án phát triển mạng cấp nước sạch trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025; phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố giai đoạn 2021-2025; cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.
Cùng với đó, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, của thành phố trong việc bảo đảm trật tự, văn minh, mỹ quan đô thị. Thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; khuyến khích đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe tập trung, các bãi đỗ xe ngầm, giảm thiểu tình trạng đỗ xe sai quy định; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp phương tiện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, dừng đỗ sai quy định; kiên quyết không để phát sinh các trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo tại hai bên tuyến đường, nhất là đối với các tuyến phố mới, các dự án mở đường…
UBND thành phố cũng yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã, các Sở, ban, ngành nghiêm túc thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo đó, tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo trong công tác quản lý trật tự xây dựng; nâng cao vai trò của người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý; kịp thời phát hiện, xem xét, xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; xử lý nghiêm theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, vi phạm đê điều, thủy lợi…
Hậu Thạch