Hà Nội: Quản lý động vật hoang dã, lâm sản, chuyển mục đích sử dụng rừng

BVR&MT – Chi cục Kiểm lâm Hà Nội vừa rà soát công tác quản lý động vật hoang dã, lâm sản và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác trên địa bàn thành phố năm 2019.

Ông Lê Minh Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cho biết, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, lâm sản và chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được quản lý chặt chẽ. Đơn cử, công tác quản lý động vật hoang dã đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 100 cơ sở nuôi 85 loài động vật hoang dã, trong đó, có: 44 cơ sở nuôi các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ với tổng số lượng là 499 cá thể; Có 41 cơ sở nuôi nhốt gấu với số lượng là 118 cá thể. Cơ quan chức năng thành phố đã tổ chức cấp mã số cơ sở nuôi, trồng các loài động thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục II, Phụ lục III Cites cho 85 hộ gia đình gây nuôi.

Ảnh minh họa.

Trong công tác quản lý các cơ sở chế biến, thương mại lâm sản, theo kết quả điều tra, toàn thành phố có 2.899 cơ sở kinh doanh chế biến gỗ, với 258 cơ sở là doanh nghiệp, công ty và 2.641 cơ sở là hộ gia đình, cá nhân chủ yếu phân bố trong các làng nghề, như: Chàng Sơn, Canh Nậu (huyện Thạch Thất), Sơn Đồng (huyện Hoài Đức), Vạn Điểm, Văn Tự (huyện Thường Tín), Chuyên Mỹ, Tân Dân (huyện Phú Xuyên), Vân Hà (huyện Đông Anh) và làng nghề Liên Hà, Liên Trung (huyện Đan Phượng).

Theo tính toán, lượng gỗ tiêu thụ trên địa bàn thành phố bình quân hàng năm khoảng 379.127m3/năm. Khối lượng gỗ tiêu thụ hằng năm của các hộ gia đình, cá nhân (chiếm 57% tổng lượng gỗ tiêu thụ toàn thành phố), nhiều hơn so với các doanh nghiệp (43% tổng lượng gỗ tiêu thụ toàn thành phố). Trong số 379.127m3 gỗ tiêu thụ thì có đến 325.588m3 là gỗ nhập khẩu (chiếm 86%) và gỗ nội địa chỉ có 53.539m3 (chiếm 14%). Tính từ đầu năm đến nay, việc quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng đối với cơ sở kinh doanh chế biến gỗ thực hiện tốt, các cơ sở chấp hành tuân thủ theo quy định của pháp luật, đa số nguồn hàng là gỗ nhập khẩu và gỗ rừng trồng các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản thực hiện làm thủ tục xác nhận, nhập xuất lâm sản theo quy định của Bộ NN&PTNT.

Đáng chú ý, trong công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được quản lý, giám sát chặt chẽ. Theo ông Lê Minh Tuyên, hiện nay, chỉ có 1 dự án đang làm thủ tục do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội làm chủ đầu tư đề nghị chuyển đổi gần 30ha rừng phòng hộ sang mục đích quốc phòng.

Thạch Thảo (tổng hợp)