BVR&MT – UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1281/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Xử lý chất thải y tế nguy hại thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”.
Theo đó, Đề án áp dụng cho các cơ sở khám chữa bệnh và cơ sở y tế dự phòng (trừ phòng khám bác sĩ gia đình; phòng chẩn trị y học cổ truyền; cơ sở dịch vụ đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp; chăm sóc sức khỏe tại nhà; cơ sở dịch vụ hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài; cơ sở dịch vụ kính thuốc; bệnh xá; y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức).
Đề án đánh giá thực trạng về tình hình phát sinh; hiện trạng phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại (rắn, lỏng) trên địa bàn thành phố; đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm đảm bảo các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; đảm bảo kinh tế, hiệu quả và dễ quản lý theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Cụ thể đến năm 2020: 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn; 100% các bệnh viện, các trung tâm y tế quận/huyện/thị xã do Thành phố quản lý có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường; 100% các cơ sở y tế công lập khác trên địa bàn thành phố có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường.
100% các bệnh viện tuyến Trung ương do các Bộ, Ngành quản lý trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường; 100% các bệnh viện tư nhân có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường; 80% cơ sở y tế khối tư nhân (phòng khám đa khoa và chuyên khoa) đang hoạt động có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường; 100% các cơ sở y tế đầu tư mới trên địa bàn thành phố phải có phương án xử lý chất thải (rắn, lỏng) đạt quy chuẩn môi trường; Khuyến khích xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm, mô hình tập trung; ưu tiên xử lý chất thải y tế lây nhiễm bằng phương pháp không đốt, đặc biệt là tại các nơi phát sinh.
Đến năm 2025: 100% chất thải y tế nguy hại (rắn, lỏng) tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn môi trường.
Đến năm 2020: 100% các cơ sở y tế phải có hệ thống phân loại, thu gom, lưu giữ chất thải y tế nguy hại theo quy định; có cơ cấu tổ chức, cán bộ chuyên trách được đào tạo và có chương trình quản lý môi trường, quản lý chất thải y tế tại cơ sở theo đúng quy định; Kiểm soát được các chất thải y tế nguy hại từ nguyên liệu, vật liệu, hóa chất, dụng cụ, thiết bị… đầu vào cho đến chất thải phát sinh, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, và xử lý cuối cùng; có nhân viên được đào tạo về vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý chất thải và thu gom, vận chuyển chất thải theo đúng quy trình đã được quy định và được trang bị đủ phương tiện bảo hộ lao động.
100% các cơ sở vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại hoạt động trên địa bàn thành phố phải đáp ứng được các điều kiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Có hệ thống xử lý với công suất và công nghệ xử lý phù hợp; có phương tiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại chuyên dụng theo quy định; có nhân viên được đào tạo về vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý chất thải và thu gom, vận chuyển chất thải theo đúng quy trình; có hệ thống thiết bị, biện pháp kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm, phòng chống sự cố và bảo vệ môi trường trong quá trình vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại.
Tại Hà Nội, chất thải rắn y tế nguy hại hiện đang được xử lý chủ yếu tại chỗ, xử lý theo cụm và xử lý tập trung; thu gom, xử lý 100% lượng chất thải nguy hại lây nhiễm thuộc khối công lập do thành phố quản lý, tương ứng 1,15 tấn/ngày theo đúng quy định.
Giai đoạn từ nay đến hết năm 2020 cần tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất thải y tế phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố; xây dựng các cơ chế khuyến khích, xã hội hóa nhằm thu hút, tăng cường đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách vào các công trình xử lý chất thải y tế nguy hại, ưu tiên áp dụng công nghệ thân thiện môi trường.
Nguyễn Long