Hà Nội: Phát sinh 70 vụ vi phạm pháp luật về đê điều

BVR&MT – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Báo cáo số 424/BC-SNN, về tình hình vi phạm và kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đê điều 7 tháng đầu năm 2019 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Đất phế thải, rác phế thải chất thành “núi” ven đê có vi phạm pháp Luật đê điều – TP Hà Nội. Ảnh minh họa.

Theo đó, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng xảy ra gây bức xúc dư luận. Hàng tháng, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội đều tổng hợp và báo cáo tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố gửi đến UBND các quận, huyện, thị xã đề nghị xử lý theo thẩm quyền. Tuy nhiên, tỷ lệ xử lý còn hạn chế, số vụ vi phạm tồn đọng nhiều.

Cụ thể: trong 7 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra 70 vụ vi phạm pháp luật về đê điều. Trên địa bàn 23 quận, huyện, thị xã có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt của thành phố, địa bàn xảy ra nhiều vi phạm là: Ba Vì 18 vụ, Sóc Sơn 12 vụ, Thường Tín 8 vụ, Ứng Hòa 6 vụ, Hoài Đức 6 vụ…

Đối với kết quả xử lý vi phạm, số vụ đã được xử lý là 11 vụ, trong đó: Gia Lâm 2 vụ, Ba Vì 3 vụ, Sóc Sơn 1 vụ, Thanh Trì 1 vụ, Hoàng Mai 2 vụ, Thanh Oai 1 vụ. Số vụ vi phạm pháp luật về đê điều phát sinh 7 tháng còn tồn đọng là 59 vụ.

Hiện nay, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn thành phố vẫn còn diễn biến phức tạp, trong khi đó, số vụ vi phạm được xử lý còn hạn chế, tồn đọng nhiều. Một số địa bàn xảy ra nhiều vi phạm, nhưng kết quả xử lý rất thấp, thậm chí chưa được xử lý. Đặc biệt, đã xảy ra các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ, an toàn giao thông, gây ra nhiều bức xúc trong dư luận. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về giải pháp công trình, phi công trình để ngăn chặn, hạn chế vi phạm vi phạm pháp luật đê điều.

Đồng thời, Sở NN&PTNT cũng đề nghị các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn: Thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố và kiến nghị của Đoàn Kiểm tra công vụ thành phố về xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn ven đê phối hợp chặt chẽ với Hạt Quản lý đê lập kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các phường, xã, thị trấn thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các Hạt Quản lý đê, tiến hành kiểm tra thường xuyên, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, dứt điểm những trường hợp tái vi phạm, vi phạm mới.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý đối với khu vực bãi bồi ven sông; kiểm tra, rà soát và có phương án quản lý, sử dụng các khu vực bãi ven sông theo quy định; kiên quyết thu hồi hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền thu hồi đối với diện tích đất bãi sông sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng những quy định của pháp luật về đê điều đến mọi người dân hiểu và chấp hành; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục thỏa thuận, cấp phép trước khi xây dựng công trình liên quan đến đê điều…

Thạch Thảo