BVR&MT – Mặc dù là loại quả không ăn được nhưng mỗi năm các hộ nông dân trồng phật thủ đều mang về thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Tin bài liên quan:
Bài 1: Lâm nghiệp vượt khó, tăng tốc
Bài 2: Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu rực đỏ đón xuân
Phật thủ Đắc Sở… không trồng ở Đắc Sở
Không ai nhớ rõ loại cây này xuất hiện từ bao giờ nhưng hàng chục năm qua, phật thủ là loại cây mang về nguồn thu nhập ổn định, khấm khá cho bà con xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức (thành phố Hà Nội). Thế nhưng có một nghịch lý đang tồn ở nơi từng được coi là thủ phủ loài cây này. Mang tiếng là phật thủ Đắc Sở nhưng loại cây này không trồng ở xã Đắc Sở.
Những thửa đất trồng phật thủ, sau khoảng 5 – 6 năm đều mắc một loại “bệnh” khiến người dân cũng như chính quyền bó tay. Đó là tự dưng cây héo, gãy cành rồi chết, không thể trồng lại dù cải tạo đất tới vài năm. Điều đó khiến cho người dân phải đi xâm canh các vùng lân cận. Có hộ thuê đất ở xã Hát Môn (huyện Phúc Thọ), xã Thọ An cách khoảng 30km, nơi gần nhất là xã Yên Sở (giáp ranh). Theo thống kê mới nhất, năm 2019, người dân Đắc Sở trồng khoảng 290ha phật thủ. Diện tích này mỗi năm đều tăng lên (năm 2018 là 250ha). Tuy nhiên, toàn bộ diện tích phật thủ đều do người dân Đắc Sở đi nơi khác thuê đất trồng.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắc Sở khẳng định: “Trên địa bàn xã Đắc Sở, không còn bất kỳ hộ nào giữ được vườn phật thủ. Nếu như cách đây khoảng 6 năm, diện tích phật thủ trồng tại Đắc Sở khoảng 80ha, thì nay là con số 0”. Theo ông chia sẻ, khi trồng loại cây này sau 5 năm cây sẽ không phát triển nữa dù có cải tạo đất mấy năm cũng không trồng lại được, nhưng nếu trồng các loại cây khác vào như ngô, ổi thì lại rất tốt. Đây vẫn là loại bệnh khiến chính quyền và một số chuyên gia phải “bó tay” và đến nay vẫn chưa tìm ra được phương pháp giải quyết. Nhiều người ví von, nhà vườn làm phật thủ như những “kẻ du mục” dần dà, 4-5 năm người Đắc Sở cứ thế đi dọc tuyến sông Đáy mà thuê đất, xâm canh các vùng khác.
Ở lều tranh, quanh năm thu trăm triệu
Bởi phải xâm canh thuê đất vùng khác nên đa số người làm phật thủ sẽ phải luân phiên đi về 2 địa phương. Nhưng do “chăm cây như chăm con” hầu hết người dân phải làm lều, lán ở tạm.
Trồng cây sau 2 năm sẽ cho ra quả và người dân thu mua quanh năm, bán chạy nhất vào ngày rằm, mồng một và Tết. Nhà anh chị Hoàn Thắng tính đến nay đã hơn chục năm trong nghề, với diện tích hai mẫu bảy, trồng 700 gốc phật thủ đã mang lại nguồn thu nhập ổn định, có của ăn của để hơn trước rất nhiều. Theo chị Hoàn chia sẻ: “Loại quả này thu quanh năm, kinh tế ổn định. Chỉ bỏ lá và gốc còn lại nhà vườn tận dụng được hết. Bán quả là chính, bên cạnh đó những quả rụng, xấu đem bán cho thương lái để làm tinh dầu phật thủ, dầu gội,…nên nguồn thu có quanh năm”.
Được biết giá bán giao động từ 25.000 đồng – 100.000 đồng hoặc cao hơn. Bởi nó tùy vào quả to, nhỏ; nhiều tay hay ít tay; xanh hay vàng. Giá bán quả xanh sẽ cao hơn vì để được lâu và cũng phân thành hai thị trường Bắc – Nam mẫu mã sẽ khác. Giá tết sẽ chênh hơn, trung bình khoảng 50.000/quả. Mỗi vụ thu khoảng hơn 10 nghìn quả/700 gốc, trừ đi chi phí thuê nhân công và đất, gia đình chị “bỏ túi” khoảng 350 triệu đến 500 triệu đồng/ năm. Chị cũng cho biết nhiều nhà làm nhiều thu về tiền tỉ cũng là chuyện dễ hiểu. Ngoài ra những quả rụng hay xấu, gia đình chị tận dụng bán cho thương lái để làm tinh dầu với giá 16.000/kg, thời điểm dịch bán được 22.000/kg.
Đào, quất trồng cả năm chỉ để chơi dịp Tết, nhưng phật thủ thì bán quanh năm, không bao giờ lo bị ế. Người trồng không chỉ thu hoạch rộ vào dịp Tết mà còn bán quanh năm cho người đi lễ chùa, thắp hương vào đầu tháng, ngày rằm. Đặc biệt trong tháng cuối năm, không khí sản xuất đang ngày càng tấp nập. Trên các cánh đồng bạt ngàn phật thủ, nhiều hộ dân thường xuyên túc trực tại vườn để chuẩn bị cho vụ thu hoạch chính vào cuối năm.
Hà Linh