Hà Nội: Lấy ý kiến về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều

BVR&MT – Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, vừa có Văn bản số 3626/SNN-ĐĐ, đề nghị các sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 7/10/2019, của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều.

Theo đó, đối với UBND các quận, huyện, thị xã: Kiểm tra, rà soát, tổng hợp các vụ việc vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; chủ trì, phối hợp sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; kiên quyết xử lý dứt điểm, đúng quy định pháp luật các vụ việc vi phạm tồn đọng, đặc biệt các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thoát lũ, gây bức xúc trong dư luận.

Cần kiên quyết xử lý dứt điểm các  vụ vi phạm pháp luật đê điều. Ảnh minh họa.

Theo Sở NN&PTNT: Chủ trì thành lập Tổ công tác liên ngành kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố. Chỉ đạo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, các hạt quản lý đê phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan rà soát, thống kê, phân loại vi phạm tồn đọng, lập danh sách các trường hợp vi phạm cần xử lý, giải tỏa gửi cho các đơn vị thực hiện; Chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, các hạt quản lý đê tăng cường kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan ngăn chặn kịp thời, xử lý dứt điểm các vụ việc vi phạm phát sinh mới.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đê điều; tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND thành phố tổ chức lập các dự án di dân, tái định cư, di dời công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, bãi sông phải di dời theo quy hoạch phòng chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đê điều, Luật Ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Công an thành phố chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, xử lý các trường hợp bơm hút cát trái phép ở lòng sông, đặc biệt tại những khu vực đê sát sông, những khu vực có kè bảo vệ bờ; ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp xe quá tải trọng cho phép đi trên đê; bố trí lực lượng phối hợp với các cơ quan, đơn vị, chính quyền các địa phương để tổ chức ngăn chặn, xử lý, cưỡng chế, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành điều tra, lập hồ sơ, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vụ việc vi phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm Luật Hình sự.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan kiểm tra, rà soát việc quản lý, sử dụng đất làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý vi phạm trong hoạt động bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông theo quy định.

Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động bến thủy nội địa đối với các tổ chức, cá nhân mở bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng; thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa đối với các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng vi phạm pháp luật về đê điều; chỉ đạo Thanh tra Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Cảnh sát Giao thông và các đơn vị liên quan tuần tra, ngăn chặn, xử lý xe có tải trọng vượt quá tải trọng được phép đi trên đê, xử lý tàu, thuyền, xà lan, bè mảng neo đậu trái phép vào phạm vi bảo vệ công trình kè bờ sông xử lý vi phạm theo quy định của phạm luật.

Sở Xây dựng kiểm tra, hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện việc cấp giấy phép xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ ở khu vực ven đê, bãi sông theo đúng quy định; chỉ đạo Thanh tra Sở tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự xây dựng tại khu vực ven đê, bãi sông.

Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, các đơn vị liên quan kiểm tra thường xuyên tình hình vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; Quyết định và tổ chức thanh tra làm rõ trách nhiệm, kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong các vụ việc vi phạm nghiêm trọng.

Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn Sở NN&PTNT, các ban quản lý dự án, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện các thủ tục đầu tư đúng quy định; tham mưu cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách thành phố đầu tư nâng cấp, củng cố hệ thống đê điều và công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn thành phố…

Thạch Thảo (tổng hợp)