Hà Nội: Khẩn trương dập dịch COVID-19, không để phát sinh ổ dịch mới

BVR&MT – Trong tháng 9 và các tháng cuối năm 2021, việc chủ động tấn công, dập dịch COVID-19 được Hà Nội coi là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu.

UBND thành phố yêu cầu các địa phương, cơ quan, người đứng đầu các sở, ban, ngành nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục ngay hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với cấp xã, phường tại thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch COVID-19.

Xe chuyên dụng đưa các trường hợp F1 tại ngõ 328 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung đi cách ly tập trung. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Tổng lực tấn công, phòng chống dịch

Trong tháng 8, trước diễn biến nguy hiểm của dịch COVID-19, thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố để tập trung phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 và Công điện số 18/CĐ- UBND ngày 6/8/2021 của UBND thành phố. Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, thành phố vừa phải ngày đêm căng sức chống dịch, vừa duy trì thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trong điều kiện giãn cách xã hội. Hiện thành phố đã và đang tập trung tối đa nguồn lực, tổng tấn công, phòng chống dịch COVID-19 trên mọi phương diện, cấp độ với mục tiêu sớm đưa Hà Nội an toàn trở lại.

Đã có nhiều giải pháp phòng, chống dịch được thành phố Hà Nội triển khai với sự vào cuộc quyết liệt của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 thành phố. Từ những cuộc kiểm tra, chỉ huy phòng, chống dịch tại các địa bàn đến việc quyết định thành lập 3 tổ công tác chuyên trách do 3 đồng chí Phó Chủ tịch, Phó Chỉ huy trưởng phụ trách các lĩnh vực. Sở Chỉ huy các cấp cũng đã vào cuộc tích cực, hiệp đồng trách nhiệm, kích hoạt công tác phòng, chống dịch ở mức cao nhất, bảo đảm thế trận chống dịch với mục tiêu “khoanh gọn vùng đỏ, mở rộng vùng xanh”.

Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai 10 đợt tiêm vaccine với hơn 2 triệu mũi tiêm; chủ động sàng lọc, xét nghiệm tại các khu vực có nguy cơ cao, khu vực phong tỏa, các đối tượng nguy cơ. Thành phố cũng chú trọng đảm bảo ổn định thị trường, cung ứng hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn, tại các khu vực phong tỏa và cách ly y tế. Công tác đảm bảo an sinh xã hội của thành phố được nhân dân đánh giá cao. Việc thiết lập các đường dây nóng đã giúp người dân kịp thời phản ánh, đề nghị được hỗ trợ những ngày giãn cách xã hội.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, thành phố cũng đã hỗ trợ 313,17 tỷ đồng cho 12 nhóm đối tượng người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; hỗ trợ 282.552 người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 282,552 tỷ đồng; hỗ trợ 54 tỷ đồng cho 18 tỉnh, thành phố phía Nam chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19; gửi tặng Thành phố Hồ Chí Minh nhiều thiết bị y tế; cử các đoàn y, bác sĩ đến tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh hỗ trợ công tác xét nghiệm.

Công an phường Kim Giang tăng cường kiểm tra giấy đi đường nhằm hạn chế di chuyển không cần thiết của người dân trong thời gian giãn cách xã hội. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Kiểm soát chặt việc ra, vào thành phố, không có ngoại lệ

Mặc dù thành phố đã rất cố gắng, nỗ lực ngày đêm phòng, chống dịch bệnh, song thực tế vẫn còn xảy ra hiện tượng buông lỏng quản lý, bỏ trống chốt kiểm dịch tại một số địa bàn hoặc có lực lượng chức năng nhưng không kiểm soát. Trong thời điểm giãn cách xã hội, vẫn còn có sở chỉ huy tiền phương vắng lực lượng chức năng chốt trực, nhiều người dân ra đường, tập thể dục nơi công cộng, tập trung đông người… Thậm chí, đã có hiện tượng tiêu cực xảy ra trong việc tiêm vaccine, thiếu sót, hạn chế trong việc tổ chức, kiện toàn, hoạt động của các Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch…

Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19, UBND thành phố Hà Nội xác định, trong tháng 9 và các tháng cuối năm 2021, việc chủ động tấn công, dập dịch COVID-19 được thành phố coi là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu. Nhằm dập tắt nhanh nhất các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới trên địa bàn thành phố, UBND thành phố Hà Nội đề nghị các địa phương, cơ quan, người đứng đầu các sở, ban, ngành thường xuyên chủ trì họp giao ban đánh giá những việc đã làm được và chưa làm được của đơn vị. Từ đó, nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, trọng tâm là rà soát, khắc phục ngay hạn chế, bất cập trong công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với cấp xã, phường tại thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch COVID-19.

Các thành viên Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thành phố, Phó Chỉ huy trưởng thành phố, Tổ trưởng các Tổ công tác chuyên trách thuộc Sở Chỉ huy thành phố tiếp tục phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm cá nhân trong chỉ đạo thực hiện nghiêm, thực chất việc giãn cách xã hội, đặc biệt là kiểm soát chặt hơn, cần thiết áp dụng cao hơn một mức việc thực hiện giãn cách trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, tăng cường kiểm soát các chốt ra vào thành phố, không có ngoại lệ. Lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát các chốt nội bộ trong thành phố, kiểm soát việc đi lại của người dân trong các khu vực, nhất là khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung, nơi có nguy cơ cao, không để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”…; đồng thời tăng cường mật độ kiểm tra đột xuất, kiểm tra công vụ về công tác phòng, chống dịch tại các địa phương, đơn vị… Trong quá trình kiểm tra có kết luận, chỉ đạo rõ ràng, kịp thời biểu dương, khen thưởng những nơi làm được và phê bình, xử ỉý nghiêm nơi lơ là, làm không tốt.

Thành phố cũng yêu cầu Sở Y tế, Công an thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô cùng các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục chủ động phối hợp, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, thành phố trong công tác phòng, chống dịch; quán triệt nguyên tắc “người dân là trung tâm, là chủ thể” để phục vụ người dân, động viên, hướng dẫn, đề nghị người dân thực hiện và có cơ chế, biện pháp trực tiếp giải quyết các vấn đề của người dân, làm cho người dân thấy được việc thực hiện giãn cách xã hội và phòng, chống dịch là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Các đơn vị, sở, ban, ngành cần tiếp tục bám sát tình hình diễn biến dịch, chuẩn bị tốt các điều kiện đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; tham mưu cho thành phố để có kịch bản phương án phòng, chống dịch chủ động, không lúng túng, bị động.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu kép, thành phố yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình dịch bệnh tại địa bàn, xem xét phê duyệt phương án hoạt động cho các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp trực thuộc sản xuất an toàn theo nguyên tắc “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”, trong đó cam kết toàn bộ công nhân phải được tiêm vaccine và xét nghiệm nhanh COVID-19 âm tính.