Hà Nội: Hỗ trợ chủ thể OCOP chuyển đổi số trong sản xuất, phục hồi kinh tế sau giãn cách

BVR&MT – Tối 24/09, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố Hà Nội đã phối hợp cùng với một số cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức chương trình “Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền bằng hình thức trực tuyến” nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền tới người tiêu dùng Thủ đô, góp phần đảm bảo từng bước khôi phục sản xuất trong tình hình mới.

Sự kiện là hoạt động tiếp nối chuỗi các hoạt động thiết thực, bao gồm: Tập huấn kỹ năng tiếp thị và bán hàng trên môi trường số “Tập huấn online”; hoạt động truyền thông, tiếp thị “Ngày hội Livestream”; và hoạt động xúc tiến thương mại thí điểm mô hình “Chợ Đêm trên Mây”, nhằm giúp các chủ thể sản xuất chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh, tiếp thị, quảng bá tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nhất là trong bối cảnh khôi phục sản xuất kinh doanh sau một thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn – PGĐ Sở NN&PTNT Hà Nội phát biểu khai mạc chương trình.

Tại chương trình lần này, có sự tham gia của đại biểu đại diện một số cơ quan Trung ương gồm: Lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam… Cùng đại diện các quận, huyện, thị xã, đại diện lãnh đạo thành viên Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ; Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; Các sàn giao dịch điện tử, bán hàng Online,…các chủ thể OCOP và nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước.

Phát biểu tại khai mạc đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội chia sẻ: “Thời gian vừa qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, việc kết nối tiêu thụ sản phẩm của các huyện ngoại thành, các tỉnh lân cận được thúc đẩy mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu về lương thực thực phẩm của người dân Thủ Đô trong thời gian giãn cách. Việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia với chuỗi sự kiện đạt kết quả tốt, được ghi nhận và đánh giá cao về hiệu quả áp dụng nền tảng số trong các sự kiện”.

Nhà sáng lập Viện nghiên cứu chuyển đổi số ASEAN Nguyễn Trung Thành cho biết: “Với mong muốn các chủ thể cũng như bà con nông dân rèn luyện kỹ năng số để xúc tiến thương mại, đưa câu chuyện số xây dựng nhân lực trên môi trường số trong quá trình xúc tiến sản phẩm nông sản. Thông qua quá trình đào tạo, 13 chủ thể sẽ thể hiện phần kỹ năng bán hàng để tiếp thị được hình ảnh cá nhân, thương hiệu, sản phẩm, hướng tới nguồn khách hàng tiêu dùng ổn định”.

Mục tiêu chương trình “Chợ đêm trên mây” hướng tới là: Giúp chủ thể OCOP rèn luyện kĩ năng bán hàng trên nền tảng số để hình thành thói quen qua việc tập rượt để tự tin livestream bán hàng trong bối cảnh dịch bệnh nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xúc tiến thương mại.; Xúc tiến tiêu dùng chéo giữa các chủ thể với nhau và các chủ thể OCOP hình thành liên minh tiêu dùng để có thể sử dụng sản phẩm của nhau cùng chia sẻ, giới thiệu chéo. Từ đó sẽ có lượng khách hàng ổn định; Hình thành liên minh tiếp thị giữa chủ thể với nhau, giữa chủ thể với khách hàng và khách hàng với khách hàng để tối ưu hóa, tối giản các chi phí đầu tư cho bán hàng, truyền thông marketing.

13 chủ thể OCOP tự tin trình bày livestream bán hàng tại phiên chợ đêm.

Chương trình với sự tham gia của 13 chủ thể, gồm: sữa nông trại Myfarm, gà đồi Ba Vì, bưởi đỏ Đông Cao, bánh chưng gù Hà Giang, miến dong Dương Kiên, đặc sản chả cá song Gâm, yến sào Bình Phước… cần tiêu thụ của các quận, huyện, thị xã để các đơn vị kinh doanh tiêu thụ sản phẩm. Các chủ thể bày tỏ sự quan tâm và mong muốn kết nối với các đơn vị sản xuất để tiêu thụ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân Thủ đô. Tại chương trình, người xem có thể đặt hàng ngay trên livestream và link của ban tổ chức.

Khách hàng khi tham gia phiên “Chợ đêm trên mây” sẽ có 3 đặc quyền ưu thế hơn khi mua ở các mô hình trực tuyến, offline khác như: “Sản phẩm trên mô hình chợ đêm là sản phẩm chính hãng của các chủ thể, được các cơ quan chức năng cấp sao, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm về nguồn gốc sản phẩm; Tất cả sản phẩm được bán trong chương trình đều có các khuyến mãi, quà tặng hấp dẫn do các chủ thể khi tham gia bán hàng không mất chi phí mặt bằng, marketing nên chủ thể sẽ dùng chi phí đó đổi lấy quà tặng cho khách hàng; Người tiêu dùng mua trong phiên chợ được các cơ quan chức năng bảo lãnh về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và được mua sản phẩm thật, giá trị thật, giao dịch thật”.

Chương trình đã khắc phục những khó khăn tồn tại trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm trong thời gian vừa qua, mong muốn hỗ trợ các quận, huyện, thị xã, các đơn vị xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản an toàn phục vụ nhu cầu thiết yếu cho người dân thủ đô sau giãn cách.

Đào Thúy