Hà Nội: Định hướng các mô hình trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị

BVR&MT – Sở NN&PTNT Hà Nội vừa tiến hành rà soát kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững lĩnh vực trồng trọt…

Sản xuất rau an toàn nâng cao giá trị kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân. Ảnh minh họa.

Theo đó, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã chú trọng sản xuất lúa gạo, rau, hoa, cây cảnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Đối với sản xuất lúa gạo, năm 2019, diện tích gieo trồng lúa đạt 192.372ha (vụ Xuân hơn 90.619ha, vụ Mùa hơn 101.752ha). Cơ cấu giống lúa chuyển dịch theo hướng tăng nhanh diện tích lúa chất lượng và sử dụng trên 90% là giống lúa ngắn ngày. Nhóm các giống lúa chất lượng cao chiếm ưu thế đã góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất thông thường từ 10 đến 20%, bình quân thu nhập 10-12 triệu đồng/ha, từng bước cải thiện đời sống nông dân.

Đáng chú ý, trên địa bàn thành phố có tổng diện tích gieo trồng rau các loại hơn 33.159ha phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã. Sản lượng rau hàng năm của thành phố đạt trên 700.000 tấn, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 1,9%/năm. Chủng loại rau gieo trồng khá phong phú với trên 40 loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ Đông Xuân.

Thành phố đã duy trì ổn định 5.044ha canh tác rau an toàn, năng suất ước đạt 70 tấn/ha/năm; hiệu quả kinh tế sản xuất rau an toàn cao hơn so với sản xuất rau thông thường từ 10 đến 20%. Rau hữu cơ diện tích 50ha, năng suất dự kiến 50 tấn/ha/năm, hiệu quả kinh tế sản xuất rau hữu cơ cao hơn so với sản xuất rau thông thường từ 20 đến 30%. Đã hình thành các vùng sản xuất rau an toàn tập trung với quy mô từ 20ha trở lên tại các huyện Đông Anh, Thanh Trì, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ…; vùng sản xuất rau an toàn giá trị đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm.

Sản xuất hoa, cây cảnh của Hà Nội cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Diện tích sản xuất hoa, cây cảnh toàn thành phố năm 2019 ước đạt 7.000ha, tăng khoảng 10% so với năm 2018. Diện tích gieo trồng hoa, cây cảnh chất lượng cao ước đạt trên 30% diện tích, gồm các chủng loại: Hoa hồng, ly, lan, cúc giống mới, đào, quất… Hiệu quả sản xuất tăng hơn so với sản xuất hoa thông thường từ 25 đến 30%.

Trồng dưa công nghệ cao cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Ảnh minh họa.

Còn sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội tương đối đa dạng, mùa nào thức đó, trong đó có 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản, như: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối sử dụng giống nuôi cấy mô, ổi Đông Dư… Bên cạnh các loại cây ăn quả đặc trưng, một số loại giống cây ăn quả mới đang được du nhập và phát triển trên địa bàn thành phố, như một số giống xoài chịu lạnh, thanh long ruột đỏ, một số giống táo, ổi không hạt, đu đủ ruột tím…, bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao. Có nhiều vườn quả cho thu nhập từ 500 đến 600 triệu đồng/ha, cao gấp 5-6 lần trồng lúa. Cá biệt có vườn trồng cây ăn quả thu từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/ha, như: Bưởi đường Quế Dương tại xã Cát Quế, cam Canh tại xã Đắc Sở (huyện Hoài Đức).

Thạch Thảo (tổng hợp)