Hà Nội: Sở Công thương “xin” cho doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường tiếp tục được hoạt động.

Bài 1: “Hà Nội: Ô nhiễm môi trường từ những xưởng tái chế sắt.”

BVR&MT – Sau khi đăng bài phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng từ những xưởng tái chế sắt phế liệu trên địa bàn xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội, phóng viên baovemoitruong.org.vn tiếp tục tìm hiểu về tính pháp lý của những cơ sở này. Điều bất ngờ là Sở Công thương TP. Hà Nội cũng có văn bản hỏa tốc “xin” cho cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoãn tiến độ di dời đến hết năm 2018.

Nước từ những xưởng nấu sắt tái chế được xả trực tiếp ra môi trường qua hệ thống kênh mương tưới tiêu của xã Đông Xuân.

10 năm đôn đốc việc di dời – vẫn nằm yên tại trận

Bên trong xưởng nấu tái chế thép phế liệu ở xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Nhiều lần UBND huyện Sóc Sơn ban hành văn bản chỉ đạo xã Đông Xuân thực hiện việc yêu cầu những xưởng nấu sắt tái chế này di dời đi nơi khác do ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong quần chúng nhân dân…..

Cụ thể ngày 26/03/2007 UBND huyện có văn bản số 226/UBND – VP giao Thanh tra huyện phối hợp với các phòng ban liên quan và UBND xã Đông Xuân tổ chức kiểm tra và đề xuất phương án xử lý.

Ngày 22/05/2007, UBND huyện Sóc Sơn có thông báo số 97/TB-UBND kết luận của đồng chí Vương Văn Bút Phó Chủ tịch UBND huyện, trong đó yêu cầu hai Công ty Đông Xuân, Công ty Thanh Tùng ngừng sản xuất và di chuyển địa điểm sản xuất trong thời gian 03 tháng kể từ ngày 22/05/2007 đến 22/08/2007.

Nhưng ngay sau đó ngày 15/8/2007 UBND xã Đông Xuân có công văn số 213/CV-UBND đề nghị UBND huyện cho phép hai cơ sở đúc phôi thép này tiếp tục được tồn tại và hoạt động.

Tuy nhiên ngày 17/09/2007 UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục có công văn số 972/UBND – VP đôn đốc việc thực hiện di chuyển hai cơ sở sản xuất nấu thép phế liệu này tại xã Đông Xuân. Yêu cầu Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn chủ trì phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, và UBND xã Đông Xuân đôn đốc hai cơ sở này phải di dời nhà xưởng ra khỏi địa điểm phi phạm.

Một góc bên trong khu nhà xưởng tái chế thép phế liệu.

Lý giải về việc này, tại buổi làm việc với phóng viên baovemoitruong.org.vn, Ông Nguyễn Văn Chung – Chủ tịch UBND xã cho biết: những xưởng nấu sắt tái chế này đúng là có xả thải ra môi trường, nhân dân sinh sống gần khu vực cũng đã có đơn thư lên xã và huyện yêu cầu xử lý về vấn đề ô nhiễm môi trường do hai đơn vị nấu sắt tái chế này gây ra. Doanh nghiệp thì muốn tiếp tục hoạt động, vì chưa tìm được mặt bằng để di dời…

Như vậy theo văn bản số: 213/CV-UBND ngày 15/08/2007 UBND xã Đông Xuân đề nghị UBND huyện Sóc Sơn cho phép hai cơ sở đúc phôi thép này tiếp tục được tồn tại và hoạt động. Trong khi UBND huyện Sóc Sơn rất kiên quyết trong việc xử lý đơn vị vi phạm. Vậy phải chăng lãnh đạo xã Đông Xuân đang tiếp tay cho sai phạm, và “chống lại” chỉ đạo của cấp trên? có hay không lợi ích nhóm (?!) khi lãnh đạo xã tìm “mọi cách” trì hoãn và “quyết” không thực hiện chỉ đạo của UBND huyện.

Đến lượt Sở Công Thương Hà Nội gửi công văn hỏa tốc “xin” gia hạn.

Trước sức ép của công luận, UBND xã Đông Xuân đã phải lên kế hoạch thực hiện việc di dời đối với những xưởng nấu sắt tái chế theo chỉ đạo từ UBND huyện Sóc Sơn.

Nhưng ngày 11/01/2017 Sở Công thương Hà Nội lại có công văn hỏa tốc gửi tới UBND huyện Sóc Sơn để “xin” cho những doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong bảo vệ môi trường được tồn tại tới khi tìm được địa điểm mới.

Sở Công thương Hà Nội có công văn hỏa tốc gửi UBND huyện Sóc Sơn đề nghị xem xét đơn của hai chủ xưởng nấu sắt tái chế ở xã Đông Xuân.

Trong nội dung công văn hỏa tốc số: 143/SCT-QLCN, do ông Lê Hồng Thăng – Giám đốc Sở Công thương Hà Nội ký: đã đề nghị UBND huyện Sóc Sơn xem xét giải quyết kiến nghị của hộ bà Trần Thị Thư và ông Phạm Văn Bình (tiếp tục được hoạt động đến khi hết hợp đồng thuê đất: 31/12/2018) (?!) Theo nội dung công văn thì đại diện Sở Công thương Hà Nội mới chỉ quan tâm giải quyết đơn thư ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân doanh nghiệp. Chưa xét đến lý do, vấn đề của các cơ sở sản xuất trên tại sao phải di dời.

Thực trạng những xưởng nấu, tái chế thép phế liệu ở xã Đông Xuân hiện nay không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy, công nghệ lạc hậu… và được xác định là điểm nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường. Người dân nơi đây “mong mỏi” chính quyền phải vào cuộc để giải quyết dứt điểm những xưởng tái chế sắt gây ô nhiễm môi trường nặng nề, di dời ra khỏi khu vực, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân nơi đây.

Đề nghị UBND huyện Sóc Sơn cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn, yêu cầu cơ sở gây ô nhiễm  phải đảm bảo những cam kết về bảo vệ môi trường mới được tiếp tục hoạt động.

Phượng Long