Hà Nội: Cần có giải pháp thiết thực trong bảo tồn và phát triển làng nghề

BVR&MT – Phát triển làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là hướng đi tích cực để đẩy mạnh công nghiệp hóa nông thôn, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) của các địa phương.

Trong đó, Hà Nội được coi là “Đất trăm nghề” và đang trong xu thế phát triển mạnh. Song hành với những thuận lợi, các làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng gặp không ít những khó khăn và thách thức. Vậy làm thế nào để có thể bảo tồn, phát triển làng nghề bền vững?

Nghề làm hương góp phần tạo sinh kế ổn định cho người dân. Ảnh minh họa.

Thuận lợi xen lẫn với khó khăn

Hà Nội hiện có 1.257 làng nghề và làng có nghề với 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Trong đó, có 308 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện và thị xã. Theo ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Doanh thu của các làng nghề được công nhận năm qua đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Các làng nghề đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm qua, trong đó, có khoảng 100 làng nghề đạt doanh số từ 10 đến 20 tỷ đồng/năm, gần 70 làng nghề đạt từ 20 đến 50 tỷ đồng/năm và khoảng 20 làng nghề đạt trên 50 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương. Theo tính toán, thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề ở mức từ 4 đến 5 triệu đồng/lao động/tháng.

Đáng chú ý, tại các làng nghề đã và đang xuất hiện những doanh nghiệp có quy mô lớn, mô hình sản xuất hộ gia đình có chiều hướng giảm, thay vào đó là doanh nghiệp và hợp tác xã có xu hướng tăng lên. Tỷ trọng của công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng lên, tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống. Phát triển làng nghề đã gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển hệ thống làng nghề với chuỗi đô thị nhỏ văn minh, lành mạnh.

Qua khảo sát, tổ chức sản xuất và phân công lao động tại các làng nghề tương đối hợp lý. Các hình thức sản xuất kinh doanh phong phú, đa dạng và chuyên nghiệp hơn. Trên địa bàn thành phố đã hình thành hệ thống doanh nghiệp thương mại sản xuất làm nòng cốt, có tác dụng mở rộng thị trường cho các sản phẩm làng nghề, góp phần tăng khối lượng hàng hóa xuất khẩu, hoạt động dịch vụ du lịch của thành phố. Hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội được nhiều người nước ngoài biết đến và ưa thích, ở cả châu Âu và một số nước châu Á…

Mô hình trồng sen lấy sợi ở Phùng Xá – Hà Nội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các làng nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố còn những hạn chế. Theo ông Lê Hồng Thăng, mặc dù thời gian qua, Chính phủ và thành phố đã có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các làng nghề sản xuất hàng xuất khẩu, nhưng thực tế, có tới 80% các làng nghề, các chủ nghề không tiếp cận được với các nguồn vốn hỗ trợ, ưu đãi. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của các làng nghề còn bấp bênh, trải qua nhiều khâu trung gian, sức cạnh tranh của các sản phẩm xuất khẩu kém, thường bị ép giá trên thị trường. Công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm của làng nghề chưa mạnh. Công nghệ sản xuất các làng nghề phần lớn là thủ công, các sản phẩm xuất khẩu của các làng nghề có chất lượng chưa tốt, chưa đồng đều, trình độ thẩm mỹ chưa cao, mẫu mã ít được đổi mới.

Cơ sở hạ tầng của nhiều làng nghề trên địa bàn thành phố xuống cấp, mặt bằng của các cơ sở sản xuất chật hẹp, không có nơi để chứa nguyên liệu và sản phẩm. Hầu hết các làng nghề đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, như: Giao thông đã xuống cấp, hệ thống điện ở một số nơi chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, hệ thống cấp thoát nước còn chưa đồng bộ… Tình trạng ô nhiễm môi trường nguồn nước, không khí, tiếng ồn gia tăng do sản xuất xen lẫn với sinh hoạt. Một số làng nghề có tiềm năng phát triển du lịch còn hạn chế về mặt bằng để xây dựng trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, bãi đỗ xe, khu vệ sinh…

Cần có giải pháp bảo tồn thiết thực phát triển làng nghề

Trước những thực trạng trên, trong thời gian qua, thành phố cũng đã có những định hướng cụ thể, như: Khôi phục, bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống; kết hợp phát triển làng nghề với du lịch; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật để sáng tác mẫu mã, nâng cao trình độ tay nghề cho thợ trẻ, gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn và đầu tư xử lý môi trường làng nghề để đảm bảo phát triển bền vững…

Đồng thời, để phát triển làng nghề định hướng, nhiều chuyên gia, nhà quản lý ngành Công Thương cho rằng, thời gian tới, thành phố cần triển khai đồng bộ các giải pháp cơ bản. Theo đó, để bảo tồn và phát triển làng nghề, các nghề thủ công truyền thống trước tiên Hà Nội phải giải quyết vấn đề nhận thức của các cấp, các ngành, nhất người dân ở các làng nghề. Bởi nhiều giá trị văn hóa của làng nghề thủ công truyền thống dần bị mai một, bí quyết nghề nghiệp bị thất truyền cùng với sự ra đi của các nghệ nhân lớn tuổi. Những ý nghĩa văn hóa truyền thống của mỗi sản phẩm không được các thế hệ sau tiếp thu và phát huy một cách đúng mức sẽ dẫn đến mất bản sắc nghề. Thậm chí, còn có xu hướng thương mại hóa, chỉ hướng tới mục tiêu lợi nhuận làm cho giá trị văn hóa của sản phẩm thủ công truyền thống bị suy giảm, thương hiệu của làng nghề bị phai mờ.

Ngoài ra, các sở, ngành thành phố cần xem xét kỹ và nắm vững được những đặc thù của làng nghề thủ công truyền thống trước khi tham mưu ban hành chính sách, đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, phục hồi và phát triển các làng nghề.

Bảo tồn và phát triển làng nghề thủ công truyền thống phải đặt ra các yêu cầu về bảo lưu và giải quyết hài hòa các loại nguồn vốn để làng nghề có thể tiếp tục phát triển bền vững. Trước đây, trong các làng nghề thủ công thường tồn tại hai loại hoạt động sản xuất chính là hoạt động nông nghiệp và hoạt động phi nông nghiệp. Trong đó, sản xuất thủ công chiếm vị trí chủ đạo. Nhưng hiện nay, ngoài các loại hoạt động sản xuất cơ bản nói trên, trong các làng nghề còn xuất hiện thêm loại hình dịch vụ du lịch sinh thái.

Là một loại hình di sản văn hóa có tính liên ngành cao và có quan hệ mật thiết với đời sống sinh hoạt hằng ngày, cho nên hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ có thể hiệu quả khi giải quyết vấn đề hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Sản phẩm làm ra vừa phải chứa đựng những yếu tố văn hóa truyền thống, tiếp thu những tinh hoa của cha ông vừa phải đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của xã hội đương đại.

Do đó, việc đánh giá đúng vị trí, vai trò của nghề thủ công, từ đó thành phố đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp, có tính liên ngành không những giúp cho việc hỗ trợ cho nghề thủ công phát triển một cách bền vững mà còn góp phần vào việc thúc đẩy sự phát triển ổn định kinh tế, xã hội của Hà Nội.

Thạch Thảo