Hà Nội: Bảo đảm quản lý chặt chẽ 27.159 ha rừng, đất quy hoạch phát triển rừng

BVR&MT –  Mới đây, Sở NN&PTNT Hà Nội có Báo cáo số 649/BC-SNN, tổng kết công tác lâm nghiệp năm 2019 và nhiệm vụ, giải pháp thực hiện năm 2020.

Ảnh minh họa.

Với hơn 27.159 ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng, trong năm qua, Sở NN&PTNT Hà Nội đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng, PCCC rừng. Do đó, số vụ cháy rừng và các vi phạm trong lĩnh vực quản lý giảm đáng kể. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 7 vụ cháy rừng (giảm 2 vụ so với cùng kỳ năm 2018), diện tích thiệt hại là hơn 6,8ha chủ yếu cháy thảm thực bì, cây bụi không ảnh hưởng lớn đến tài nguyên rừng.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT phối hợp với các địa phương có rừng thực hiện giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho khoảng 6.400ha/năm rừng phòng hộ, đặc dụng (chiếm khoảng 72% diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng) với mức kinh phí giao khoán bình quân hơn 900.000 đồng/ha; các diện tích được giao khoán quản lý bảo vệ cơ bản ổn định, cây rừng sinh trưởng phát triển tốt, phát huy được khả năng phòng hộ bảo vệ môi trường và cảnh quan của khu vực.

Công tác phát triển rừng, quản lý động vật hoang dã cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng diện tích trồng rừng năm 2019 của toàn thành phố là 139,6ha (tăng gần 98,4ha so với năm 2018), trong đó, rừng phòng hộ 50ha, rừng sản xuất 89,6ha, chăm sóc rừng trên 2.000ha rừng.

Phát huy kết quả đạt được, năm 2020, Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng, PCCC rừng. Trong đó, sẽ thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng trong lâm nghiệp phục vụ công tác bảo vệ rừng và PCCC rừng; xây dựng dự án mua sắm trang thiết bị, phương tiện chuyên dụng phục vụ công tác bảo vệ rừng và PCCC rừng; xây dựng đề án bảo tồn, phát triển các loài động thực vật có nguồn gen quý hiếm trên địa bàn thành phố.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chương trình trồng, chăm sóc bảo vệ rừng: Dự kiến trồng rừng mới 70 ha; chăm sóc rừng trồng trên 2.000 ha; thực hiện giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho khoảng 6.400 ha/năm rừng phòng hộ, đặc dụng; tiếp tục thực hiện trồng cây phân tán 500.000 cây/năm. Đồng thời, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; thực hiện công tác bảo tồn động vật hoang dã và kiểm soát lâm sản theo quy định.

Hoàng Tôn (tổng hợp)