Hà Nội: 379 dự án chậm triển khai sắp được xử lý

BVR&MT – UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 805/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất, chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Chủ đầu tư “ôm” đất

Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn Thủ đô có 379 dự án chậm tiến độ triển khai. Trong đó, 30 dự án được kiến nghị thu hồi; 35 dự án gia hạn tiến độ theo Luật đất đai; 77 dự án đã được chủ đầu tư tích cực khắc phục, đưa đất vào sử dụng; 63 dự án chậm GPMB, các dự án còn lại vướng một số nội dung, chủ đầu tư đang tập trung hoàn tất thủ tục.

Đáng chú ý, hàng loạt dự án mặc dù UBND TP Hà Nội đã có quyết định giao đất, cho thuế đất, đồng thời cũng hết thời gian gia hạn sử dụng đất 24 tháng hoặc đang bị điều tra xem xét xử lý, như: Dự án nhà máy sản xuất thẻ thông minh (lô B1-F, cụm tiểu thủ công nghiệp vừa nhỏ, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy); Bệnh viện Quốc tế 500 giường (Dương Nội, Hà Đông); Xây dựng xưởng in và cơ sở biên tập (Thượng Thanh, Long Biên); Trung tâm thương mại và văn phòng HESCO (Văn Quán, Hà Đông); Dự án xây dựng bệnh viện Việt Mỹ (xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì); Trung tâm tang lễ Văn Minh (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm); Nhà máy Kimono xuất khẩu (Kim Hoa, Mê Linh)…

Nhiều dự án chủ đầu tư “ôm” đất không triển khai.

“Nhiều chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính nhưng chưa đưa đất vào sử dụng do chính sách liên quan đất đai quy hoạch có nhiều thay đổi; chờ rà soát theo quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, tình hình dịch bệnh…

Nhưng cũng có nhiều chủ đầu tư không phối hợp địa phương, cố tình chây ì thực hiện nghĩa vụ tài chính, việc phối hợp giữa các sở, ngành với doanh nghiệp chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả là nguyên nhân xảy ra trình trạng trên” – đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho hay.

Để xử lý dứt điểm, tháo gỡ vướng mắc cho những dự án chậm triển khai, sử dụng sai phạm, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai và quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn.

Mới đây UBND TP Hà Nội cũng ban hành Quyết định số 805/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, giao UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm rà soát danh sách dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai tại Kế hoạch 235/2021/KH-UBND và dự án phát sinh đến thời điểm kiểm tra trên địa bàn để tổng hợp danh sách trước ngày 15/3/2022. Chủ động phối hợp Sở TN&MT rà soát, tổng hợp, thống nhất số liệu, xử lý.

Quy trách nhiệm chính quyền địa phương

Theo Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp, nhằm hạn chế và ngăn chặn việc chủ đầu tư dự án nhận đất rồi bỏ hoang không triển khai, cơ quan chức năng cần phải tăng cường giám sát, thanh kiểm tra, việc nay cần phải đưa vào Nghị quyết của HĐND TP định kỳ 6 – 12 tháng phải tổ chức rà soát, công bố tiến độ từng dự án, đồng thời công khai chủ đầu không đủ năng lực triển khai để đưa ra giải pháp xử lý. Những dự án không đủ năng lực triển khai phải kiên quyết thu hồi, xử lý nghiêm theo quy định hiện hành.

Dự án đủ điều kiện tiếp tục triển khai thì công khai thông tin để người dân nắm được, vừa để thực hiện việc giám sát, vừa giúp cơ quan quản lý kịp thời ngăn chặn nếu xảy ra tình trạng vi phạm.

“Cần nghiên cứu và thực thi một công cụ pháp luật liên quan đến thuế, những dự án đã được quyết định giao đất, cho thuê đất thì đánh thuế thật cao nếu hết thời gian theo quy định mà không triển khai” – ông Nguyễn Thế Điệp cho hay.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đều chung quan điểm về việc quy trách nhiệm đến chính quyền cơ sở nhằm nâng cao năng lực quản lý, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thi hành công vụ, quan trọng nhất là người đứng đầu cơ quan để ngăn chặn những hành vi “tiếp tay” vi phạm pháp luật để trục lợi.

“Cần phải có quy định quy trách nhiệm đến cá nhân người đứng đầu cơ quan, chính quyền cơ sở nếu trên địa bàn có nhiều dự án chậm triển khai nhằm tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, từ đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo đảm xử lý các dự án chậm tiến độ theo quy định của pháp luật” – Luật sư Trịnh Hữu Đức – Hội Luật gia Việt Nam nhìn nhận.