BVR&MT – Sáng 21/9, Thành Ủy, HĐND, UBND, UB Mặt trận Tổ Quốc Thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình 02-Ctr/TU của Thành Ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân”.
Theo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy, nhằm đánh giá toàn diện kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Sau đây là 10 thành tựu nổi bật trong 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân”:
1. Chương trình xây dựng NTM ở Hà Nội đã gặt hái được nhiều thành công. Nông thôn tiếp tục có nhiều đổi thay, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng chất lượng và hiệu quả, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện. Chủ trương đúng đắn không chỉ đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM cho các địa phương còn nhiều khó khăn mà còn tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô.
2. Kết quả tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về xây dựng NTM đã khơi dậy tính tích cực, sáng tạo, chủ động, tạo động lực để phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu. Phong trào “Đường có hoa, nhà có số, phố có tên” đã tạo sức lan tỏa rộng khắp, góp phần thay đổi diện mạo cho khu vực nông thôn. Hà Nội đã tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao trình độ cho hơn 85 nghìn lượt cán bộ chuyên môn các cấp. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã cũng đã tập huấn cho hội viên, thành viên, nhân dân hiểu rõ về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội với hàng nghìn lượt người mỗi năm.
3. Số xã đạt chuẩn NTM vượt kế hoạch mục tiêu đề ra. Đến nay, thành phố Hà Nội đã có 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, gồm: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm và Quốc Oai. Đến tháng 6/2019, toàn thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn NTM (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu đề ra – 80% số xã hoàn thành đến 2020). Thành phố tiếp tục chỉ đạo thị xã Sơn Tây hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và huyện Thạch Thất đạt chuẩn NTM năm 2019.
4. Công tác dồn điền đổi thửa và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền đổi thửa đạt kết quả tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện các tiêu chí trong xây dựng NTM. Trong 10 năm qua, Hà Nội đã dồn điền đổi thửa vượt 105% so với mục tiêu, kế hoạch đề ra. Diện tích đất dôi dư sau dồn điền đổi thửa tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch, mở rộng các công trình phúc lợi, đấu giá quyền sử dụng đất, tạo nguồn lực xây dựng NTM; đẩy mạnh sản xuất theo hướng chuyên canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất…
5. Huy động nguồn lực trong xây dựng NTM đã có nhiều chuyển biến tích cực trong chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng mức hỗ trợ và đơn giản hóa thủ tục vay vốn, TTHC. Hưởng ứng phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng NTM”, các tầng lớp nhân dân đã ủng hộ gần 14.741 tỷ đồng. Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy giai đoạn 2010-2019 đạt hơn 76.451 tỷ đồng, trong đó, riêng ngân sách thành phố là hơn 25.858 tỷ đồng.
6. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sau dồn điền đổi thửa tại nhiều địa phương của Hà Nội đạt nhiều kết quả khả quan về định hướng sản xuất theo vùng, miền; xây dựng chuỗi sản xuất – tiêu thụ… Sau dồn điền đổi thửa, giá trị gia tăng ngành Nông nghiệp Thủ đô đạt trung bình 3,34%/năm; hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, giá trị cao…
7. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao mô hình liên kết trong sản xuất nông nghiệp được chú trọng, minh chứng cho sự chủ động hội nhập ngày càng sâu rộng của nông nghiệp Hà Nội. Đến nay, toàn thành phố có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn thành phố. Hà Nội đã có 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ, giúp người dân phát triển sản xuất bền vững, tạo sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu, bảo đảm đầu ra ổn định…
8. Thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao; công tác xây dựng NTM đạt kết quả tích cực. Các tiêu chí: Điện, đường, trường, trạm… đều đạt kết quả tốt; chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được nâng cao; đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng nông thôn được chú trọng; nông thôn được phủ sóng điện lưới quốc gia và thông tin liên lạc; giáo dục 3 cấp (mầm non, tiểu học và trung học cơ sở) được phổ cập; hạ tầng nông thôn ngày một đồng bộ, kiên cố…
9. Công tác giảm nghèo ở khu vực nông thôn luôn được thành phố Hà Nội đặc biệt chú trọng. Nhiều chính sách hỗ trợ đã được thành phố lồng ghép, thực hiện có hiệu quả vừa giúp người dân thoát nghèo, vừa tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội. Tại khu vực nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo giảm, còn khoảng 1,8%; thu nhập bình quân người/năm tăng gần 3,7 lần (từ 13 triệu đồng/người năm 2010 lên hơn 47 triệu đồng/người/năm – tính đến thời điểm tháng 6-2019).
10. Công tác phát triển văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô được quan tâm. Hệ thống thiết chế văn hóa từng bước đổi mới, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và thụ hưởng của người dân. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng làng văn hóa được xác định là nội dung chính trong tiến trình xây dựng NTM. Hệ thống các thiết chế văn hóa hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo nhân dân tham gia…
Trên đây là 10 thành tựu nổi bật trong 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy. Ngoài ra, trước khi có chương trình, thành phố cũng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh theo hướng công nghệ cao. Thành phố đã lựa chọn đúng và trúng các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển nông nghiệp.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, thành phố Hà Nội đã khai mạc Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô trong 2 ngày (21 và 22/9/2019) tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô, số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thạch Thảo (Tổng hợp)